"Người nghèo ở đô thị cực hơn người nghèo ở miền núi, nông thôn"

Chủ Nhật, 05/03/2006, 08:05

Hội Dân tộc học Việt Nam vừa trao giải nhì giải thưởng "Dân tộc học 2005" cho quyển "Nghèo đô thị và cuộc chiến chống đói nghèo ở TP Hồ Chí Minh" của GS Mạc Đường - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội tại TP Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên ở Việt Nam đề cập đến vấn đề nghèo ở đô thị, góp phần vào chiến lược chống đói nghèo ở nước ta.

GS Mạc Đường cho phóng viên Báo CAND biết: Đói nghèo là vấn đề rất mới ở Việt Nam, ngành Khoa học xã hội của ta cũng chưa có công trình nào đề cập đến vấn đề này trong khi nhiều nước đã làm rồi. Cũng chưa ai viết sách để đưa khoa học cơ bản vào nghiên cứu đói nghèo, công tác chống đói nghèo ở đô thị, mà cụ thể là ở TP Hồ Chí Minh.

- GS đánh giá như thế nào về đói nghèo ở đô thị TP Hồ Chí Minh hiện nay?

- Có một vấn đề đặt ra là đô thị hóa càng nhanh thì tỷ lệ nghèo đô thị càng tăng. Người nghèo ở đô thị thật ra cực hơn người nghèo ở miền núi, nông thôn. Chuyện sinh hoạt, ăn uống, quần áo thì không cực hơn nhưng cực nhất là môi sinh và giảm thọ. Ở nông thôn mới có "không khí vàng", ít ô nhiễm. Người nghèo đô thị có thể tiếp xúc văn hóa mới nhưng không được hưởng thụ. Những căn bệnh nặng của người nghèo ở nông thôn cũng ít hơn. Người lao động nghèo ở thành thị lao động nhẹ, ở nông thôn nặng nề, mệt nhọc hơn nhưng ít tổn hại.

- Dự báo tình hình đói nghèo ở đô thị sắp tới, GS có nhận định gì?

- Chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước mình đối với người nghèo lâu nay là khá, vì vậy tốc độ giảm nghèo nhanh ở nước mình được thế giới công nhận là đúng. Khác với Indonesia, Thái Lan… nước mình đã làm cho con người sống trong môi trường xã hội ngày càng tốt hơn.

- Dân gian có câu "bần cùng sinh đạo tặc" ám chỉ nghèo đói là nguyên nhân của tội phạm... GS nghĩ sao?

- Câu "bần cùng sinh đạo tặc" ở ta cũng đã không còn sát thực tế lắm. Vì chính sách xã hội của ta đã khác 5 năm về trước - bảo hiểm cho người nghèo, y tế giáo dục, môi sinh, đầu tư cho người nghèo lớn… Nhưng cái không được là còn do con người cụ thể. Dân kêu nhiều nhất vẫn là thái độ, cách làm của một bộ phận cán bộ công nhân viên chức, do công tác kiểm tra, giám sát kém.

- Vậy GS nhận thấy điều gì rõ nhất nơi người nghèo đô thị từ cuộc sống hàng ngày, tâm tư, tình cảm?

- Người nghèo chủ yếu cặm cụi làm việc, họ ít ca thán vì quan niệm mọi việc là do phận số và họ luôn cố vượt lên số phận… Người nghèo đô thị ở ta lạc quan, tin vào tương lai; thế hệ con, em mình, ngày càng có nhiều người nghèo cho con ăn học thành tài. Và người nghèo của ta chính là nguồn nhân lực rất tích cực để xây dựng xã hội, nhất là lớp trẻ con người nghèo.

- Sau công trình nghiên cứu về đói nghèo ở TP Hồ Chí Minh, GS có dự định tiếp tục với đề tài này?

- Thế giới hiện nay đã nghiên cứu nhiều về đói nghèo nhưng chưa nước nào có được chiến lược về tình hình đói nghèo thế kỷ XXI. Tôi thấy mình có thể làm về vấn đề đói nghèo đường dài nên đang tiếp tục nghiên cứu đói nghèo đô thị ở Việt Nam đến năm 2020. Vẫn như bao nhiêu năm qua, hiện tại, tôi vẫn luôn sống và làm việc bằng công thức - 50% thời gian cho công tác nghiên cứu khoa học, 20% cho mối quan hệ vợ chồng, vợ tôi là kỹ sư cầu đường, và 30% thời gian dành cho thế hệ sau là con, cháu trong gia đình…

Hạnh Chi
.
.
.