Hà Giang sau một năm thực hiện Nghị quyết hỗ trợ giảm nghèo của Chính phủ:

Người nghèo an cư, sẽ lạc nghiệp

Thứ Ba, 26/01/2010, 10:53
Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, được đông đảo cán bộ, nhân dân, doanh nghiệp trong nước quan tâm, hưởng ứng. Ghi nhận của chúng tôi tại tỉnh biên giới Hà Giang.

Sau một năm triển khai Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP tại Hà Giang, chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy sự đổi thay ở nơi đây. Những ngôi nhà dựng tạm bợ chênh vênh trên triền núi đá nay đã được thay bằng nhà kiên cố, bề thế. Đồng bào nghèo hồ hởi giới thiệu với chúng tôi ngôi nhà mới được xây dựng từ tiền của các nhà tài trợ. Chị Seo May còn khoe với chúng tôi, con bò được nhà tài trợ mua tặng mới sinh một chú bê con.

Có nhà, gia đình chị không phải lo cái rét cắt da, cắt thịt của mùa đông vùng núi đá. Con bò còn giúp vợ chồng chị kéo cày, làm nương. Chị nhẩm tính, nếu mưa thuận, gió hòa, chỉ sau 3 năm nhà chị sẽ có một đàn bò đông đúc. Tìm hiểu, chúng tôi được biết tại tỉnh vùng cao của cực bắc Tổ quốc, nơi có cột cờ Lũng Cú linh thiêng, có 6 huyện và 2 xã của huyện Bắc Quang, Vị Xuyên được xếp vào diện đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo ở đây chiếm trên 50%.

Thực hiện Chương trình xóa nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ, tỉnh Hà Giang đã chủ động thành lập các ban chỉ đạo; tập trung hoàn thành phê duyệt đề án phát triển kinh tế xã hội, nhằm giảm nghèo nhanh; giao các đoàn thể, 88 doanh nghiệp trong tỉnh giúp đỡ và hỗ trợ các huyện, các xã nghèo của tỉnh.

Trong chuyến công tác ngày 19 và 20/1/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nghe đồng chí Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo việc phát động và thực hiện cuộc vận động "Ủng hộ, giúp đỡ hộ nghèo về gia súc nuôi luân chuyển, phản nằm và màn". Cuộc vận động đã phát huy hiệu quả khi nhận được sự hưởng ứng của cán bộ và nhân dân.

Cụ thể, mỗi đồng chí lãnh đạo các Sở, ngành ủng hộ ít nhất một hộ nghèo bằng hiện vật là 2 con dê, 1 tấm phản nằm, 1 chiếc màn. Bên cạnh việc huy động nội lực, đồng bào nghèo của tỉnh còn nhận được sự đỡ đầu và tài trợ của các doanh nghiệp TW như: Ngân hàng Cổ phần Thương mại Công thương Việt Nam (Vietinbank) hỗ trợ huyện Quản Bạ, Yên Minh với kinh phí 50,4 tỷ đồng; Tổng Công ty Xăng dầu hỗ trợ huyện Đồng Văn 50 tỷ đồng; Tổng Công ty Than và Khoáng sản hỗ trợ huyện Mèo Vạc xóa nhà tạm 3 tỷ đồng; Ngân hàng Liên Việt và Công ty Cổ phần Him Lam nhận đỡ đầu và hỗ trợ huyện Xín Mần với tổng kinh phí trên 64,5 tỷ đồng...

Dấu ấn của sự giúp đỡ này hiển hiện ở 36 tuyến đường đến xã, 4 trung tâm dạy nghề huyện, 11 công trình cấp điện cho xã... được xây dựng trong năm qua. Đáng chú ý là từ nguồn trợ giúp này, tỉnh đã thực hiện chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, hỗ trợ hộ nghèo làm chuồng trại chăn nuôi, khuyến nông.

UBND tỉnh cũng đã phê duyệt đề án hỗ trợ 6.287 hộ, trong đó 6.252 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng số vốn huy động thực hiện đề án là 136 tỷ đồng. Nhờ đó, đã giúp các hộ này xóa nhà tạm, xây dựng nhà mới kiên cố với phương châm "cứng nền, bền mái, chắc khung", kinh phí mỗi ngôi nhà từ 50.000.000 -100.000.000 đồng.

Các doanh nghiệp TW đã giúp đồng bào nghèo vùng cao thoát nghèo bền vững như thế nào? Chúng tôi xin nêu ra đây trường hợp của Vietinbank. Đó là sau khi nhận sự phân công đỡ đầu, giúp đỡ hai huyện nghèo Quản Bạ, Yên Minh, Vietinbank đã thành lập Ban chỉ đạo chương trình tài trợ và đi khảo sát thực tế.

Từ kết quả này, Vietinbank đã cam kết xóa hết nhà tạm; xây dựng nhà ở cho người nghèo; xây dựng trường bán trú; xây dựng trường mầm non; tặng học bổng cho sinh viên...

Trong năm 2009, Vietinbank đã tặng mỗi huyện 2 xe cứu thương phục vụ cho công tác vận chuyển cấp cứu bệnh nhân từ tuyến xã lên huyện; 50 giường bệnh nhân; 4 giường đa năng; 4 công trình nhà mẫu giáo, mỗi công trình trị giá 500 triệu đồng; 30 suất học bổng cho sinh viên dân tộc theo học đại học các chuyên ngành kinh tế, nông lâm nghiệp và đại học Y, mỗi suất 500 nghìn đồng/tháng trong suốt quá trình học tập, sau khi học xong phải về địa phương công tác; xây dựng 4 phòng học trị giá 600 triệu đồng cho Trường Trung học cơ sở Na Khê; 300 con trâu, bò mỗi con trị giá 8 triệu đồng cho các hộ nghèo, trên cơ sở cho các hộ nghèo này vay trong 10 năm với lãi suất ưu đãi 2%/năm.

Số tiền lãi thu được hàng năm Ngân hàng sẽ đầu tư mua trâu, bò hỗ trợ cho các hộ nghèo khác trên địa bàn 2 huyện…. Đặc biệt, VietinBank tài trợ xóa 1.535 nhà tạm. Trong năm 2010 Vietinbank tiếp tục tài trợ cho huyện Đồng Văn 65 tỷ đồng. Trong đó 50 tỷ đồng dành cho công tác xóa nhà tạm, 15 tỷ đồng dành cho việc xây dựng lại hạng tầng và cột cờ Lũng Cú.

Hà Giang là một tỉnh miền núi vẫn còn rất khó khăn trong việc phát triển kinh tế. Chính vì thế, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các doanh nghiệp TW sẽ là đòn bẩy góp phần thúc đẩy địa phương này vươn lên thoát nghèo bền vững. Bước đầu, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo của Chính phủ tại tỉnh biên giới này đã phát huy hiệu quả

Cao Hồng
.
.
.