Người lớn mất cảnh giác, trẻ em bị xâm hại tình dục

Thứ Năm, 01/10/2009, 10:59
Không ít nhà trường, gia đình vẫn lầm tưởng những hành vi quấy rối, lạm dụng, xâm hại tình dục như là cử chỉ biểu hiện tâm lí thông thường của tuổi vị thành niên (đối tượng quấy rối là bạn học cùng).
>> Một trẻ mầm non bị thầy giáo dâm ô

Những vụ án đau lòng

Có lẽ dư luận hiện vẫn chưa ngớt bức xúc trước hành vi dâm ô của Nguyễn Đ.H., 22 tuổi, nguyên là giáo viên dạy nhạc tại một trường mầm non đóng trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) đối với chính học sinh của mình.

Theo cơ quan điều tra, nhận được trình báo của gia đình cháu A., 4 tuổi về việc cháu bị H. (thầy giáo dạy nhạc) thực hiện hành vi dâm ô, ngày 16/9, Công an phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) đã tạm giữ hình sự H. để làm rõ sự vụ.

Cũng vào thời điểm đầu tháng 9, tại Nghệ An, ngày 9/9, Công an huyện Diễn Châu đã ra lệnh bắt khẩn cấp, đồng thời khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thế Cường, nguyên là cán bộ chi đoàn xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu về tội "Hiếp dâm trẻ em". Trước đó, Cường đã lợi dụng chức vụ của mình đe dọa và cưỡng hiếp hai em gái thiếu niên trong đội văn nghệ chi đoàn.

Trên đây chỉ là hai trong số nhiều vụ lạm dụng, xâm hại tình dục trẻ em, trẻ vị thành niên thời gian qua. Theo Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (hay còn gọi là Trung tâm CSAGA), trong một cuộc khảo sát mới đây tại một số trường học (cấp 2, 3) đóng trên địa phận 3 tỉnh (Hà Giang, Quảng Ninh và TP HCM) với 314 em học sinh, kết quả cho thấy có 20% các em được hỏi đã bị quấy rối, lạm dụng tình dục, 4,8% các em bị quấy rối 1 - 2 lần trong năm, cá biệt có những em bị quấy rối tới hơn 10 lần trong một năm.

Nhìn vào con số trên, mặc dù nó mang tỷ lệ thấp, song điều này cũng đã và đang báo động về tình trạng lạm dụng, xâm hại tình dục ở trẻ em đang có xu hướng gia tăng như hiện nay.

Phải chủ động phòng ngừa

Để hiểu rõ hơn những vấn đề có liên quan đến nạn lạm dụng, xâm hại tình dục trẻ em, trẻ vị thành niên, chúng tôi đã có buổi trao đổi với TS Trịnh Thị Bích Liên - Trưởng phòng Phụ nữ, Trung tâm CSAGA. TS Trịnh Thị Bích Liên cho biết: Thực tế hiện cho thấy, độ tuổi trẻ bị quấy rối nhiều nhất tập trung từ 14 - 16 tuổi. Như đợt khảo sát vừa qua cho thấy độ tuổi này chiếm tới 69,2% trên tổng số học sinh được hỏi. Tuy nhiên, cũng có những em bị sàm sỡ, quấy rối từ rất sớm (tập trung từ 7-9 tuổi).

Các trường học nên có Phòng tư vấn tâm lý học sinh.

Hậu quả mà trẻ phải gánh chịu sau này được chia làm hai cấp độ. Cấp độ thứ I (hay còn gọi là mức độ ảnh hưởng nhẹ), trẻ sau khi bị xâm hại thường hoang mang, học hành chểnh mảng, luôn lo lắng, không dám tiếp xúc với người lạ… Lâu dần số trẻ này sẽ bị trầm cảm, rối loạn tâm lí. Còn ở cấp độ thứ II (cấp độ nặng), tức là khi bị xâm hại nhiều lần, hiếp dâm… trẻ sẽ bị khủng hoảng tinh thần tột độ, thậm chí còn mang theo những căn bệnh truyền nhiễm (viêm gan B, HIV…) nguy hiểm đến tính mạng.

Nói về nguyên nhân gia tăng số vụ án xâm hại, lạm dụng tình dụng như hiện nay, theo TS Trịnh Thị Bích Liên, căn nguyên phải kể đến chính là sự tự ý thức của trẻ về vấn đề này còn hạn chế. Các em chưa được trang bị đầy đủ những kỹ năng, kiến thức hiểu biết cũng như cách thức phòng tránh một cách đầy đủ từ phía gia đình, nhà trường, tổ chức xã hội. Nhiều gia đình còn ngại đề cập, giải thích các vấn đề liên quan đến giới tính, sức khỏe sinh sản một cách cặn kẽ cho con trẻ.

Đáng chú ý, hiện có không ít nhà trường, gia đình vẫn lầm tưởng những hành vi quấy rối, lạm dụng, xâm hại tình dục như là cử chỉ biểu hiện tâm lí thông thường của tuổi vị thành niên (đối tượng quấy rối là bạn học cùng). Do đó, khi trẻ thổ lộ việc các đối tượng thực hiện hành vi trên, nhiều gia đình, thầy cô chỉ nhắc nhở qua loa mà không có biện pháp ngăn ngừa. Để rồi hậu quả xảy ra thì đã quá muộn…

Bên cạnh đó, việc phát triển như "vũ bão" của công nghệ thông tin, mạng Internet hiện cũng đang kéo theo một luồng văn hóa độc hại gián tiếp làm xuất hiện nhiều đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em, trẻ vị thành niên.

Để ngăn chặn các vụ việc đau lòng, bên cạnh việc gia đình, nhà trường, tổ chức xã hội phải trang bị kiến thức (nhận biết, phòng tránh, tố cáo…) cho trẻ, các cơ quan chức năng cần có hình thức xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm

Trần Huy
.
.
.