Xung quanh đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu:

Người lao động một số ngành nghề lo lắng

Thứ Tư, 02/05/2018, 09:01
Việc bàn thảo nâng tuổi nghỉ hưu không còn là câu chuyện mới. Vài năm gần đây, thi thoảng câu chuyện này lại được xới lại khiến cho người lao động thấp thỏm. Đề cập đến việc kéo dài thời gian làm việc, phần đông ý kiến người lao động đều khẳng định, sức khỏe bị suy giảm nghiêm trọng sau nhiều năm làm việc nên khi nhắc đến việc đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu, họ rất lo lắng.


Kéo dài tuổi làm việc, khó được nhận lương hưu

Với gần 20 năm làm quản đốc tại một doanh nghiệp lắp ráp điện tử tại KCN Sài Đồng (Hà Nội), anh Phan Đức Trưởng thể hiện sự không đồng tình ngay khi đề cập đến việc nâng tuổi nghỉ hưu hay gọi đúng bản chất là kéo dài tuổi làm việc.

Từ thực tế tại doanh nghiệp mà mình đã làm việc anh Trưởng cho biết rất nhiều công nhân không thể trụ nổi với nghề khi chỉ mới ngoài 40 tuổi. Rất nhiều người bị bệnh về cột sống, mắt, viêm xoang, đau khớp, giãn tĩnh mạch, ù tai…

Người lao động trực tiếp một số ngành nghề bày tỏ lo lắng trước đề xuất kéo dài thời gian làm việc. Ảnh minh họa: CTV

Theo anh Trưởng, có một thực tế là sức khỏe của phần đông người lao động đều bị suy giảm sau nhiều năm làm việc nên khi biết việc đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu, họ rất lo lắng. Anh Trưởng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay chưa thể nâng tuổi nghỉ hưu cho cả nam lẫn nữ khi việc làm, đời sống của họ chưa có sự cải thiện đáng kể.

"Ở những nước tiên tiến, người lao động mỗi tuần chỉ làm 4-5 ngày, không phải tăng ca, còn công nhân Việt Nam mỗi tuần làm 6-7 ngày, mỗi ngày có khi tới 15-16 giờ. Tính ra thời gian làm việc của người lao động Việt Nam nhiều hơn lao động các nước nhưng tiền lương, thu nhập, mức sống, sức khỏe… đều không bằng. Vậy thì không thể so với các nước để đề xuất tăng tuổi hưu trong thời điểm này?", anh Trưởng nói.

Chia sẻ về công việc của mình chị Nguyễn Thị Thu Hà, công nhân may ở KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội cho biết, một ngày làm việc của chị bắt đầu từ tờ mờ sáng và thường kết thúc lúc 18 giờ, có khi là 20 giờ. Với cường độ và môi trường làm việc nóng bức, ăn uống thiếu chất thì làm sao làm việc đến 60 tuổi?.

“Trời nóng, bữa ăn ca có mười mấy nghìn, với giá cả hiện nay thì số tiền đó làm sao có được bữa ăn đủ chất. Mùa đông còn đỡ, chứ mùa hè nhiều người đến bữa còn không ăn nổi phải đành bỏ bữa. Sức đâu mà kéo dài tuổi làm việc lên 60 tuổi. Ở tuổi 60, liệu tôi còn đủ sức để làm việc với cường độ như thế, mắt còn đủ tinh để nhìn thấy đường may? Liệu đến lúc đó doanh nghiệp có còn giữ hay họ muốn tuyển lực lượng lao động trẻ khỏe hơn? Vậy chính sách về hưu ở tuổi 60 có làm chúng tôi tốt hơn hay tăng nguy cơ mất việc? Nếu nâng tuổi hưu, tôi tin nhiều lao động sẽ chọn nghỉ việc và lãnh một cục tiền thay vì chờ về hưu", chị Hà chia sẻ.

Làm nhân sự ở một doanh nghiệp may mặc có hơn 4.000 công nhân tại KCN Hòa Xá, Nam Định, chị Nguyễn Thị Thu Hương cũng bày tỏ quan điểm về việc không đồng tình kéo dài thời gian làm việc như đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH. Theo chị Hương, hãy vào xem và khảo sát những công nhân trực tiếp sản xuất rồi quyết định có nên tăng tuổi hưu hay không.

“Họ làm không nổi đâu. Tôi làm nhân sự ở công ty này đến nay cũng đã trên 15 năm, nhưng chưa có người lao động nào đủ thâm niên hoặc đủ tuổi để nghỉ hưu cả (theo quy định của Luật BHXH như hiện nay). Tăng tuổi hưu lên họ sẽ càng khó có cơ hội nhận được lương hưu, trong khi đó lực lượng công nhân ở nước ta chiếm đa số. Nếu quan tâm đến chế độ thì nên nhìn vào tổng thể, đừng vì số ít ảnh hưởng đến số đông như hiện nay”, chị Hương bày tỏ.

Chị Hương phân tích, những công nhân lớn tuổi thao tác không còn nhanh nhẹn, năng suất lao động giảm sẽ bị đào thải bằng cách này hay cách khác hoặc không tuyển dụng đối với người lớn tuổi, vậy cơ hội nhận lương hưu họ càng khó. Tăng tuổi hưu, có lẽ số lao động bệnh nghề nghiệp sẽ tăng lên.

Cần có đánh giá toàn diện    

Trao đổi về vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu theo Đề án cải cách BHXH, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết hiện nay, đề án cải cách BHXH đang trong quá trình hoàn thiện để trình Hội nghị Trung ương 7 chính vì thế chưa thể thông tin về đề án này.

Tuy nhiên, trong đề án này có đề cập đến vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu theo ông Nam, tuổi nghỉ hưu là một vấn đề được đưa ra trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động 2012 tới đây. Trong đó có phương án tăng tuổi nghỉ hưu và giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của nam và nữ như hiện nay.

Người lao động trực tiếp một số ngành nghề bày tỏ lo lắng trước đề xuất kéo dài thời gian làm việc.

"Thời điểm này vẫn có nhiều phương án về tuổi nghỉ hưu. Có điều chỉnh tuổi nghỉ hưu hay không sẽ do Trung ương xem xét quyết định và Quốc hội có ý kiến chính thức. Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu không phải là mới", ông Nam thông tin thêm.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), hiện nhiều nước trên thế giới có quy định tuổi nghỉ hưu cao (trên 60 tuổi), song chủ yếu là các nước phát triển; môi trường, điều kiện làm việc được cải thiện.

Khá nhiều nước có điều kiện tương đồng Việt Nam có tuổi nghỉ hưu bằng hoặc thấp hơn chúng ta như: Trung Quốc (60-55 tuổi), Indonesia (55 tuổi), Malaysia (55 tuổi), Thái Lan (55 tuổi)… Do đó, không nên nâng tuổi nghỉ hưu với người lao động trực tiếp sản xuất, dịch vụ. Đối với khu vực hành chính sự nghiệp có thể xem xét để nâng tuổi nghỉ hưu nhưng phải có lộ trình tăng thích hợp để giảm thiểu ảnh hưởng đến cơ hội có việc làm cho nhóm lao động trẻ. Đối với cán bộ quản lý hoặc những người có học hàm, học vị, có thể được kéo dài tuổi nghỉ hưu nhưng phải thôi làm công tác quản lý.

Ông Quảng cho biết, theo quy định hiện hành, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ. Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu đã được đặt ra nhiều lần trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật của nước ta như Luật Bình đẳng giới (2007), Bộ luật Lao động năm 2012, Luật BHXH (2014)... nhưng chưa được Quốc hội đồng thuận.

“Việc tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề phức tạp, tác động đến nhiều yếu tố, vì vậy cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, đánh giá tác động cả những yếu tố kinh tế - xã hội một cách khoa học, chính xác. Kéo dài tuổi nghỉ hưu cần phải được xem xét trong điều kiện lao động và tình hình sức khỏe của người lao động.

Việc tăng tuổi nghỉ hưu là không phù hợp với người lao động làm việc trong các ngành nghề lao động chân tay. Thực tế, hiện nay rất nhiều lao động nữ đang làm việc trong các ngành dệt may, da giày, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử… bị người sử dụng lao động cho nghỉ việc ở tuổi 30 - 35 với lý do sức khỏe không đáp ứng yêu cầu sản xuất”, ông Quảng nói.

Phan Hoạt
.
.
.