Người lao động đang chịu ảnh hưởng nặng vì dịch

Thứ Sáu, 29/05/2020, 07:18
Theo khảo sát mới nhất của Tổng cục Thống kê về tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cho thấy, có tới 85,7% doanh nghiệp được hỏi cho rằng đang phải chịu tác động tiêu cực của dịch. Trong số đó, đã có tới gần 20% số doanh nghiệp đang phải tạm ngừng hoạt động.


Theo quy mô, các doanh nghiệp có quy mô càng lớn, mức độ chịu tác động càng cao. Dù dịch ở trong nước đã tạm thời được khống chế, thế nhưng hậu quả mà các doanh nghiệp đang phải gánh chịu đã tác động rất lớn đến người lao động.

Gần 22% lao động mất việc

Đánh giá chung về việc làm của người lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, để duy trì sự tồn tại trong thời gian khó khăn này, nhiều doanh nghiệp đã phải áp dụng các giải pháp tạm thời như cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ việc không lương, giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm lương lao động, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh hoặc thậm chí là tạm ngừng hoạt động.

“Do tác động của dịch COVID, có tới 66,8% số doanh nghiệp phải áp dụng các giải pháp liên quan đến lao động. Giải pháp cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên có 39,5% doanh nghiệp lựa chọn, cao nhất trong các giải pháp về lao động. Trong khi đó, có 28,4% doanh nghiệp áp dụng giải pháp cắt giảm lao động; 21,3% doanh nghiệp cho lao động nghỉ không lương và 18,9% doanh nghiệp giảm lương lao động”, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết.

Khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước có tỷ lệ doanh nghiệp cho lao động nghỉ việc nhiều nhất với tỷ lệ lên tới 28,7%; Khu vực doanh nghiệp Nhà nước là 25,9% và khu vực doanh nghiệp FDI với 23,3%. Theo đó, tính đến hết quý I/2020, đã có tới 21,6% lao động bị mất việc làm; 7,5% lao động phải tạm nghỉ việc không lương; 9% lao động bị giảm lương và 22,8% lao động bị giãn việc/nghỉ luân phiên.

Tỷ lệ lao động thiếu việc làm vẫn còn rất lớn.

Với một đơn vị thâm dụng lao động như Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), hai tháng qua thực tế, số lao động thiếu việc vẫn từ 22 đến 24 nghìn người. Tuy, chỉ bằng một nửa so với con số dự báo (42-45 nghìn lao động thiếu việc) nhưng cũng đã cho thấy mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch với thị trường lao động Việt Nam.

Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex, do ngành dệt may là ngành thâm dụng lao động, kỹ năng giản đơn, thu nhập trung bình thấp nên người lao động không có tích lũy. Nếu đã cho ngừng việc, nghỉ việc, khả năng mất hơn 50% lao động là rất thực tế. Khi đó, dù thị trường có sớm quay lại, doanh nghiệp cũng không còn cơ hội sản xuất, kinh doanh để bù lại các tổn thất từ dịch bệnh.

“Doanh nghiệp dệt may gần như không chọn giải pháp cho ngừng việc hưởng hỗ trợ từ gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ mà chọn ưu tiên đủ chi phí trả lương trên mức tối thiểu cho toàn bộ người lao động. Tập đoàn chủ động là đầu mối tổ chức sản xuất nhanh các mặt hàng mới như khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế, với tất cả các doanh nghiệp của mình, đưa ra thị trường đầu tiên và đã sản xuất hơn 100 triệu sản phẩm, xuất khẩu hơn 50 triệu sản phẩm. Việc phản ứng nhanh với tình hình mới phần nào giúp người lao động duy trì được việc làm”, ông Trường chia sẻ.

Hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng cao

Số liệu từ các trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước cho thấy, tổng số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp từ đầu năm đến nay là 272.567 người, tăng 20% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, con số tăng cao nhất vào tháng 4, với 102.195 người. Số lượng hồ sơ được các trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận trong tháng 5 cũng tăng hơn nhiều so với tháng 4 và cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân được cho là do số lao động mất việc làm tăng hơn, trong khi nhiều người lao động chưa nộp hồ sơ vì quy định giãn cách xã hội ở thời điểm tháng 4.

Bước sang tháng 5, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp, tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Theo tính toán, dự báo số lao động mất việc làm đến hết tháng 5 sẽ tăng thêm khoảng 80 nghìn lao động so với tháng 4, nâng tổng số lao động mất việc làm lên 750 nghìn lao động trong năm tháng đầu năm. Số lao động phi chính thức bị thất nghiệp trong tháng 5 ước tính khoảng 1,5 triệu người. Trong tháng còn lại của quý 2, xu hướng này sẽ giảm vì người lao động bắt đầu quay trở lại đi tìm việc sau khi tình hình dịch bệnh ở Việt Nam bắt đầu được khống chế.

Theo các chuyên gia, dù thị trường lao động đang có những diễn biến tích cực nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn đang tác động rất nặng nề. Dù vậy, rủi ro luôn song hành cùng cơ hội. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng đây cũng là dịp để các doanh nghiệp tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn.

Nhiều doanh nghiệp nhạy bén đã nhanh chóng tìm kiếm giải pháp, đồng thời, kích hoạt chế độ hoạt động mới, bao gồm đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, chuyển đổi mặt hàng sản phẩm chủ lực, tích cực tìm kiếm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra ngoài thị trường truyền thống.

Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận doanh nghiệp tận dụng thời điểm này để tổ chức đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho người lao động, từ đó, chuẩn bị kỹ càng hơn để có thể bật nhảy giai đoạn sau COVID-19. Những động thái này chắc chắn sẽ có những tác động tích cực hơn nữa đến thị trường lao động thời gian tới.

Phan Hoạt
.
.
.