Người lái tàu sống đẹp

Thứ Bảy, 06/04/2013, 14:02
Chuyện về người lái tàu miễn phí hoàn toàn tiền tàu cho người nghèo, đau ốm, cán bộ chiến sĩ Biên phòng, học sinh đi học, con tàu nhỏ của ông Thanh đã trở thành một câu chuyện cảm động.

Lái tàu nuôi con học ở... Úc châu

Ai cũng bất ngờ khi nghe đến việc 1 người lái tàu lại có thể nuôi con ăn học tận… Úc châu. Người dân trong 5 hòn đảo thuộc khối đảo lớn Hòn Tre, gần bờ của TP Nha Trang, thiếu đủ thứ từ điện - đường - trường - trạm, khó nhất là việc học hành. Muốn vào bờ phải mất 2 tiếng di chuyển, việc học hành đến THCS thì phải vào bờ mới có thể học lên cao hơn, khiến nhiều bạn trẻ không có điều kiện học hành lên cao hơn. Vậy mà ông Tùng Thanh, lại có thể nuôi con gái lớn, du học tận Úc châu. Câu chuyện tưởng chừng không có thật, nhiều người nghe qua chỉ nghĩ đó là chuyện cổ tích, nhưng lại đang tồn tại và diễn ra giữa đời thực.

Nguồn sống chủ yếu của gia đình ông chính là con tàu vượt biển mỗi ngày. Theo đăng kí đăng kiểm tại cơ quan chức năng, tàu của ông có thể vận chuyển 48 hành khách. Tàu được trang bị 50 phao tròn và chịu sự kiểm tra thường xuyên của lực lượng Biên phòng ở cả điểm đến và điểm đi. Ông bắt đầu sử dụng tàu lớn từ năm 2007. Để có được số tiền đầu tư làm tàu, ông thở dài và nhẹ nhàng nói: “Phải vay mượn bạn bè nhiều lắm, thời điểm ấy giá vàng không cao như bây giờ, chứ không cũng chẳng biết phải làm sao mà có tàu như thế này? Tàu nhỏ thì đi không tiện lắm, lại rất mệt và tốn nhiên liệu do phải đi làm nhiều chuyến”.

Ông Võ Tùng Thanh, thuyền trưởng con tàu KH0222 HS.

Mỗi lần sử dụng con tàu hiện nay, cả đi và về tiêu tốn 20 lít dầu Caron, trong khi đó, nếu sử dụng tàu nhỏ, vừa mất nhiều thời gian lại tiêu tốn gần gấp đôi số dầu. Ngoài ra, lý do để ông Thanh trang bị tàu còn là vì, tàu sẽ an toàn hơn, chạy nhanh hơn cũng như sẽ mang được nhiều hành khách và hàng hóa hơn.

Ông Võ Thanh Tùng, cho biết: “Tôi có 3 người con học đại học, một đứa con gái lớn là Võ Thị Ngọc Yến đang học tại Trường Đại học Kỹ thuật Swinburne, Melbourne (Úc), một đứa con trai đang theo học Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, đứa con gái cuối đang học Trường Đại học Nha Trang. Mỗi tháng tính chung phải chi khoảng hơn 2.000 USD cho cả 3 đứa”. Tất cả dựa vào việc buôn bán hàng hóa qua lại trên đảo cũng như việc chuyên chở hành khách lên đảo.

Đất liền không còn là sự ngưỡng vọng

Các bậc phụ huynh sinh sống trên các đảo, nhìn con mình mới học lớp 6, 7 đã bỏ học đi biển, đều rơi nước mắt. Thấy được điều này, lại sẵn có nghề đò giang quá hải, nên ông đã nghĩ: “Phải làm gì để giúp đỡ cuộc sống của người dân trên đảo?”. Đưa các em đến trường và cũng là cái nghiệp để nuôi thân, gia đình. Nhưng chi phí đi lại mỗi lần tàu đi về là 30 ngàn đồng/người, so với mức sống của người dân trên đảo là khá cao, chưa kể đến việc, các em đi học phải tốn tiền thuê nhà trọ, ăn uống, học phí. Bài toán nhằm giúp người dân và nuôi được gia đình mình đã làm ông nhiều đêm thức trắng suy nghĩ.

Người dân các xóm đảo ủng hộ hết lòng việc làm của ông Thanh, họ tặng ông không biết bao nhiêu hải sản và nhiều sản vật, cũng như giúp đỡ ông rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày trên đảo. Đảo Bích Đầm là điểm đến xa nhất của con tàu này, cách cảng Nha Trang 12 hải lý, đây cũng là điểm gần Trường Sa nhất của Khánh Hòa. Ông Thanh, từ chiếc ghe nhỏ đến nay đã sử dụng tàu gỗ chạy bằng động cơ Caron với trọng tải 25 tấn, công suất 40CV, phục vụ cho việc đi lại trên biển cho hàng ngàn ngư dân xóm đảo.

Người dân nơi đây chủ yếu sống nhờ vào việc đánh cá, nuôi tôm hùm, nếu không đau ốm, mua lương thực, áo quần thì không vào bờ. Vào thời điểm cách đây 21 năm, các đảo của TP Nha Trang vẫn chưa hề có điện, đường, bệnh viện, trạm xá. Cảng biển khi ấy vẫn còn đơn sơ, du lịch chưa phát triển, du khách vẫn còn chưa đông đúc như bây giờ. Hiện nay, trên Bích Đầm đã có điện chạy máy nổ từ 18h - 22h mỗi ngày.

Trẻ em nơi đây, sống, vui chơi giữa bốn bề sóng nước cùng với sự ngưỡng vọng đất liền. “Đò ông Thanh” là cầu nối duy nhất giữa họ với đất liền. Kể từ khi có “đò ông Thanh”, việc học hành đã trở nên thuận tiện hơn đem đến nhiều cử nhân đại học cho các đảo. Con tàu của ông, cũng đã góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân cũng như người bị nạn.

Ông miễn tiền tàu cho phụ nữ sinh con, người bị tai nạn, người nghèo, và các chiến sĩ Biên phòng, đặc biệt là cho cả các em đang đi học. Ông Thanh may mắn được sống trên bờ, ông hiểu rằng cái nghèo đã đeo bám người dân xứ đảo ngót trăm năm nay hoàn toàn là “do cách trở trùng khơi sóng nước”. Các em nhỏ tại các đảo gần bờ của TP Nha Trang đều được miễn hoàn toàn tiền tàu khi đi học. Tại các đảo, có hơn 1.000 hộ dân, nhà nào cũng có 2, 3 đứa đi học, trên đảo duy chỉ có một trường tiểu học mà thôi.

Ở nơi đây, gần nhất là đảo Trí Nguyên, rồi đến Hòn Một, Đầm Bấy, Vũng Ngáng, cuối cùng là Bích Đầm. Ông Thanh vẫn ví vui con tàu của mình “như chiếc xe khách”, vì đảo nào cũng ghé qua, đôi khi chỉ vì một người muốn lên đảo, trong khi đó để tiết kiệm chi phí, nhiều tàu khác chỉ ghé vô đảo với điều kiện có nhiều người đi. Có đảo dù chỉ có 3 người đi học trong đất liền nhưng tàu của ông Thanh vẫn đến đưa đón các em, và hoàn toàn miễn phí.

Miễn phí tiền tàu cho nhiều đối tượng trên đảo như vậy, nhưng chi phí vận chuyển hàng hóa cho các hộ gia đình nơi đây ông vẫn giữ nguyên. Vào những mùa biển động, không được mùa biển, ông vẫn giữ nguyên giá vận chuyển hàng hóa ra đảo. Ngoài ra, ông cũng kinh doanh, buôn bán các mặt hàng như: dầu, lương thực, thực phẩm.v.v... trên đảo để trang trải cuộc sống. “Khó khăn là thế nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ từ bỏ việc làm này”.

Ông tâm sự: “Thực ra người dân trên đảo lúc đầu họ không nghĩ vào bờ là quan trọng, nên quanh năm ở đảo, đánh cá sinh sống, chỉ thỉnh thoảng mới vào bờ mua lương thực, bán hàng, thuốc men, học hành cũng ít. Mỗi người một chí hướng, tôi quyết định làm nghề đò giang để đem đến đất liền cho họ”.

“Đò ông Thanh”, là cụm từ quen thuộc với người dân cảng Nha Trang và các đảo gần bờ của thành phố. Rất nhiều người dân Nha Trang, đặc biệt là lớp trẻ chọn tàu của ông làm nơi nghỉ ngơi khi đi đảo chơi. Nếu đi tour các đảo ở Nha Trang, có thể sẽ mất vài trăm ngàn đồng, nhưng nếu đi “đò ông Thanh”, thì cả đi về chỉ mất khoảng vài chục ngàn đồng mà thôi. Bắt đầu từ 6h sáng, “đò ông Thanh” sẽ vào bờ, và 12h trưa sẽ trở lại đảo. Con tàu của ông sẽ ở lại đảo qua đêm, đây cũng là một “nhà nghỉ miễn phí” cho các dân phượt, thích rong chơi. Sống tạm bợ trên tàu đã hơn 20 năm qua, ông luôn muốn có bạn bè chuyện trò và tâm sự cho vơi đi nỗi buồn nơi đảo xa, đầy sóng nước.

Làm nghề lái tàu đã hàng chục năm nay, trong ông có cả tự hào và sự nhẫn nại. Con gái ông, Ngọc Yến, là người đầu tiên ở đảo Bích Đầm đi du học nước ngoài, các con ông đều học tại các trường đại học lớn. “Đây chính là niềm tự hào lớn nhất của tôi”, ông Thanh nói với gương mặt rạng ngời. Làm nghề đã hơn 20 năm, khởi nghiệp chỉ với chiếc ghe nhỏ, ông “bóp ngắn, cắn dài”, tích lũy dần mà làm nên con tàu lớn như ngày nay.

Làm nghề này, nhiều khi ông phải nhẫn nhịn ghê lắm, vì chín người mười ý, ai cũng muốn nhanh, muốn lên trước. 20 năm làm nghề, chưa hề để xảy ra dù chỉ một tai nạn nhỏ nhất, nhưng nỗi lo về an toàn đường thủy vẫn luôn thường trực trong ông, dù vậy, biển Nha Trang, với 6 hòn đảo lại là một vị trí khá kín, nên cũng an tâm phần nào.

Mùa biển động, tàu ông Thanh vất vả hơn ngày thường, vào dịp lễ, tết tăng lên 2-3 chuyến/ngày. Vào những dịp như vậy, người đi tàu hầu như không ai thấy ông ăn cơm hay nghỉ ngơi.  Mỗi khi biển động, người dân tại các đảo và người nhà của họ ở trên bờ đều ngóng “đò ông Thanh”, vì biển động, sóng lớn, lực lượng Biên phòng không cho xuất cảng

Đức Thọ
.
.
.