Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2010)

Người đưa đại biểu tới dự Hội nghị thành lập Đảng

Thứ Sáu, 22/01/2010, 09:54
Từ tháng 6/1929 đến tháng 1/1930 ở Việt Nam lần lượt xuất hiện 3 tổ chức Cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929), An Nam Cộng sản Đảng (11/1929) và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (1/1/1930).

Đáp ứng đòi hỏi của phong trào cách mạng, vào cuối năm 1929, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Thái Lan đến Hồng Kông để thực hiện sứ mệnh thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Mùa xuân năm 1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam họp ở bán đảo Cửu Long, Hồng Kông (Trung Quốc). Để đến với hội nghị, các đại biểu phải vượt qua tầng tầng lớp lớp theo dõi của bọn mật thám thực dân. Nhờ sự giúp đỡ của báo vụ viên trên tàu Liêm Châu, các đồng chí Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh, đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng đã đến Hồng Kông một cách an toàn. Báo vụ viên ấy là Lê Văn Đản, người đã có công đưa đại biểu đi dự Hội nghị thành lập Đảng.

Lê Văn Đản sinh ngày 7/6/1907. Quê ông là thôn Xuân Thành, xã Quốc Tuấn, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, là con ông Lê Kiệm và bà Nguyễn Thị Én. Sau khi học xong tiểu học, ông lên Hà Nội học ở  Lyce'e du Protectorat (Trường Trung học Bảo hộ) mà người Hà thành quen gọi là Trường Bưởi. Năm 1923, vì tham gia bãi khoá nên ông bị đuổi học, về quê, tự mày mò học vô tuyến điện rồi xuống Hải Phòng học Trường kỹ nghệ thực hành, chuyên ban vô tuyến điện. Đầu năm 1928  ông vào Sài Gòn làm việc trên tàu Caravella của hãng Năm Sao chuyên tuyến Hải Phòng - Hồng Kông - Thượng Hải. Chính trên con tàu này ông được Nguyễn Văn Thuần, hội viên Hội Thanh niên cách mạng Việt Nam giác ngộ. Ngày 20/10/1928, Lê Văn Đản và Nguyễn Sĩ Túc được kết nạp vào Hội.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (trái) và đồng chí Trịnh Đình Cửu được đồng chí Lê Văn Đản bảo vệ, đưa xuống tàu sang Hồng Kông dự Hội nghị thành lập Đảng.

 Sau khi tham gia tổ chức cách mạng, Lê Văn Đản được giao nhiệm vụ đưa đón cán bộ, chuyển thư từ, tài liệu cho hội. Lúc này, ông đã chuyển sang làm việc trên tàu Liêm Châu, chuyên chạy tuyến Hải Phòng - Quảng Châu - Hồng Kông. Cứ 15 ngày tàu chạy một chuyến, sau đó về nghỉ năm ngày rồi tiếp tục hải trình cũ. Trên tàu đã có "tổ công tác giao thông" của Tổng Hội Thanh niên Cách mạng Việt Nam Hải Phòng. Bằng sự hoạt động năng nổ của Lê Văn Đản, tàu Liêm Châu trở thành phương tiện đưa đón nhiều cán bộ, vận chuyển thư từ tài liệu từ trong nước sang Quảng Châu, Hồng Kông.

Trên con tàu này vào tháng 1/1929, Lê Văn Đản đã đưa Nguyễn Đức Thụy từ Quảng Châu về nước an toàn và  dẫn ông đến chùa Kênh (xã Dư Hàng Kênh nay)  gặp đồng chí Phi Vân (Nguyễn Hữu Căn), Ủy viên Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng. Cuối tháng 10/1929, ông đã đưa Đỗ Ngọc Du sang Hồng Kông để phụ trách việc tuyên truyền giác ngộ binh lính người Việt, cùng Nguyễn Lương Bằng xuất bản tờ 'Hồng Quân' và tờ 'Kèn gọi lính' bằng tiếng Pháp.

Gần cuối tháng 1/1930, Lê Văn Đản được đồng chí Phi Vân báo cho biết, sắp có người đi tàu. Đó là Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh, sang Hồng Kông để dự hội nghị thành lập Đảng. Bằng sự khéo léo của mình, Lê Văn Đản đã đón hai đồng chí xuống tàu, đưa vào phòng báo vụ an toàn. Do là buồng báo vụ nên ngoài Lê Văn Đản và thuyền trưởng, các thành viên trên tàu không được phép vào. Bởi vậy, đây là địa điểm kín đáo và bất ngờ nhất trên tàu. Trong buồng còn có một chiếc giường kê trên một cái khung, dưới có hai ngăn kéo, một ngăn dài 0,9m còn ngăn kia dài 0,7m có cùng chiều cao 0,6m nên khi tháo các đáy ngăn kéo ra thì đủ chỗ cho một người ngồi khá thoải mái. Lê Văn Đản đã bố trí Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh  ở trong đó, cơm nước do đồng chí Nguyễn Sĩ Mão, tổ viên trong tổ giao thông lo liệu. Sau hải trình 48 tiếng, tàu Liêm Châu đã cập cảng Cửu Long, Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh được liên lạc tổ chức cách mạng đón lên bờ an toàn để tham dự Hội nghị thành lập Đảng.

Do bị lộ, cuối năm 1930, Lê Văn Đản bị thực dân Pháp bắt giam, kết án tù chung thân, đày ra Côn Đảo. Trong hồi ký của mình, đồng chí Hoàng Quốc Việt kể rằng, những ngày ở tù do có thể hình cao lớn nên Lê Văn Đản và đồng chí Phạm Văn Đồng thường được phân công giữ vị trí trung phong trong các trận đá bóng của tù nhân, và ông là một trung phong khá. Cũng do được học hành cơ bản nên Lê Văn Đản tích cực trong công tác "biến nhà tù thành trường học". Đến tháng 11/1936 thời kỳ Mặt trận dân chủ, các ông được ra khỏi tù, nhưng kèm theo lệnh trục xuất khỏi Bắc Kỳ. Năm 1937, Lê Văn Đản xuống làm việc trên tàu Dartagnan chạy tuyến Sài Gòn -  Marseille. Ông đã liên lạc với đảng viên Nguyễn Thế Thi, Bí thư chi bộ Những người Đông Dương tham gia Đảng Cộng sản Pháp ở Mác xây (Groupe des Indochinois du Parti Communiste à Marseille), tham gia củng cố Hội Đông Dương tương tế, Chi hội Cứu tế đỏ, đấu tranh đòi thả chính trị phạm, vận động người Việt ủng hộ hội Mặt trận Bình dân Tây Ban Nha. Sau đó, ông được giao phụ trách tờ báo Thủy thủ, cơ quan của thủy thủ ở Pháp và Đông Dương.

Năm 1941, khi quân Đức chiếm Paris, ông đã tham gia đội quân du kích Pháp chống lại phát xít. Tuy vậy,  đầu năm 1953 do nghi ngờ ông làm "điệp báo cho Việt Minh" nên cảnh sát Pháp đã bắt giam ông cho đến năm 1956. Tháng 12/ 1958, ông được về nước, được phân công công tác tại Thư viện Quốc gia. Độc giả của thư viện thời kỳ ấy khá ấn tượng về ông, đó là một ông già luôn vận áo dài,  chân đi guốc mộc, tay cầm ô thâm. Nhưng ít ai biết rằng, ông là một giao thông viên quan trọng của cách mạng, người đã có công đưa đại biểu tới dự Hội nghị thành lập Đảng. Trong thời gian công tác ông đã dịch cuốn sách Leshéquards (Bọn chính khách buôn bạc) của Paul Tillard, được nhà xuất bản Thép ấn hành năm 1957. Ông nghỉ hưu vào tháng 4/1968, mất năm 1978

Thanh Lê
.
.
.