Tuần lễ an toàn đường bộ lần thứ 2:

Người đi bộ vẫn phớt lờ quy định cấm

Thứ Sáu, 10/05/2013, 12:14
Chưa đầy 20 phút trên tuyến đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội), chúng tôi chứng kiến hơn chục trường hợp vi phạm với lỗi sang đường không đúng quy định. Đáng chú ý, một số vụ va chạm giao thông thiếu chút nữa đã xảy ra khi phía trước mặt các tài xế bỗng xuất hiện một “nhân vật” - người đi bộ thản nhiên “trèo” qua dải phân cách để sang đường thay vì đi qua các điểm cho phép.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vừa ban hành kế hoạch, tổ chức “Tuần lễ an toàn đường bộ lần thứ 2” từ ngày 6 đến 12/5 với chủ đề “nâng cao an toàn cho người đi bộ”, qua đó nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành Luật Giao thông của người đi bộ, đồng thời cảnh báo nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) tiềm ẩn đi kèm với các hành vi vi phạm. Việc phát động là vậy, thế nhưng, thời gian qua, nhiều người vẫn phớt lờ quy định cấm. 

Vi phạm xảy ra tràn lan

Nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông, giảm thiểu va chạm, TNGT cho người đi bộ, Nghị định 34/2010/NĐ - CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã quy định rõ việc xử phạt người đi bộ khi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

Theo đó sẽ cảnh báo hoặc phạt tiền từ 40.000đ đến 60.000đ nếu người đi bộ có hành vi đi không đúng phần đường quy định; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường…; Phạt tiền từ 60.000đ đến 80.000đ đối với hành vi người đi bộ mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng quy định hoặc không bảo đảm an toàn…; hay phạt tiền từ 80.000đ đến 120.000đ đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc…

Đặc biệt, mới đây, Ủy ban ATGT đã phát động “Tuần lễ an toàn đường bộ lần thứ 2” nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, phấn đấu trong tuần lễ không có người đi bộ tử vong vì TNGT…

Quy định là vậy, thế nhưng thực tế hiện nay, nhất là trong mấy ngày qua, nhiều người dân vẫn phớt lờ quy định, thản nhiên vi phạm. 7h ngày 9/5, trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, đoạn gần Công viên Hòa Bình, tài xế các phương tiện lưu thông qua đây bỗng phanh gấp, bẻ lái khi phía trước là một nam thanh niên vai khoác ba lô đang cố “trèo” qua dải phân cách để sang đường.

Ghi nhận ở đây chưa đầy 20 phút, chúng tôi chứng kiến hơn chục trường hợp vi phạm với lỗi sang đường không đúng quy định. Đáng chú ý, một số vụ va chạm giao thông thiếu chút nữa đã xảy ra khi phía trước mặt các tài xế bỗng xuất hiện một “nhân vật” - người đi bộ thản nhiên “trèo” qua dải phân cách để sang đường thay vì đi qua các điểm cho phép.

Trên tuyến đường Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa - Hà Nội) trong chiều 9/5, chúng tôi cũng chứng kiến nhiều trường hợp đi bộ, bất chấp dòng phương tiện tấp nập qua đây vẫn băng qua dải phân cách để sang đường, thay vì đi theo vạch sơn chỉ dẫn dành cho người đi bộ.

Đáng bàn, khi được hỏi: “Sao không đi đúng phần đường? Không sợ tai nạn, bị CSGT xử lý à?”, tôi được anh Trần Hải, 29 tuổi, ở phường Cát Linh, quận Đống Đa - người vừa “vượt” dải phân cách, thản nhiên cho biết, từ trước đến nay vẫn “vượt rào” sang đường có sao đâu, có ai phạt đâu(!).

Nhìn vào cách trả lời rất thiếu trách nhiệm của anh Hải, cũng như những vi phạm của người đi bộ trên một số tuyến phố hiện nay, chúng tôi không khỏi lo ngại trước những nguy cơ tai nạn cận kề. Bởi, không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây họa cho bản thân mà hành vi vi phạm – đi bộ không đúng phần đường, làn đường quy định này còn là một trong những nguyên nhân gây họa cho người khác.

Người dân cần nhận thức rõ nguy cơ tai nạn đi kèm với việc vi phạm Luật Giao thông – sang đường không đúng quy định của mình

Đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý nghiêm vi phạm

Không phải ngẫu nhiên, pháp luật về TTATGT lại quy định về việc xử phạt hành chính đối với người đi bộ vi phạm Luật Giao thông. Lẽ vì, thời gian qua đã có không ít vụ va chạm, TNGT xảy ra mà nguyên nhân bắt nguồn từ lỗi của người đi bộ.

Đơn cử như vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên QL5 (Hà Nội – Hải Dương). Trước đó, khi chị Dương, 23 tuổi ở huyện Văn Lâm (Hưng Yên) đi bộ qua làn đường cơ giới để sang đường, mặc cho nơi đây không có lối mở cho người đi bộ. Hậu quả đã va chạm với xe môtô do anh Tạ Đức C, SN 1990, ở huyện Tân Yên (Bắc Giang) điều khiển, khiến anh C bị tử vong.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, mặc dù so với cùng kỳ năm ngoái đã có những chuyển biến tích cực, song trong 4 tháng đầu năm 2013, số vụ TNGT xảy ra vẫn là hơn 9.600 vụ, làm chết hơn 3.300 người và bị thương gần 9.700 người.

Nguyên nhân gây ra TNGT không gì khác chính là do các lỗi vi phạm về: chạy quá tốc độ, vi phạm về nồng độ cồn, lấn làn đường... Đáng bàn, trong số này cũng có không ít vụ xảy ra, mà lỗi vi phạm liên quan đến người đi bộ.

Liên quan đến vấn đề trên, theo đánh giá của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (CATP Hà Nội), bên cạnh công tác tuyên truyền và nhắc nhở, đơn vị này đã xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm đối với người đi bộ.

Kết quả, chỉ qua 2 ngày thực hiện kế hoạch hưởng ứng “Tuần lễ an toàn đường bộ lần thứ 2” của Ủy ban ATGT phát động, lực lượng CSGT Công an TP Hà Nội đã lập biên bản xử lý 122 trường hợp cố tình vi phạm đối với người đi bộ và trường hợp người điều khiển xe cơ giới không chấp hành quy định nhường đường cho người đi bộ.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Đức – Đội trưởng Đội CSGT số 2 cũng như đại diện một số Đội CSGT khác thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (CATP Hà Nội), thời gian qua, mặc dù đơn vị luôn quán triệt việc xử lý nghiêm các vi phạm TTATGT trong đó có các hành vi vi phạm liên quan đến người đi bộ, song, một bộ phận người dân vẫn thiếu ý thức, không nhận thức rõ hậu quả khôn lường đi kèm với lỗi vi phạm này.

Qua ghi nhận của PV, một trong những nguyên nhân khiến người đi bộ vi phạm – đi dưới lòng đường, gây cản trở giao thông phải kể đến việc vi phạm lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh của nhiều tiểu thương, khiến vỉa hè bị choán, người đi bộ phải tràn xuống lòng đường… Một số tuyến phố phải kể đến như: Hàng Cháo, Đê La Thành...

Nhìn vào thực tế trên, thiết nghĩ, để “Tuần lễ an toàn đường bộ” đạt hiệu quả cao cũng như kiềm chế số vụ vi phạm, TNGT liên quan đến người đi bộ, bên cạnh công tác xử lý nghiêm các vi phạm, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa từ chính quyền cơ sở, tổ chức đoàn thể, nhà trường, cơ quan chủ quản…

Trần Huy
.
.
.