Huyện Định Quán (Đồng Nai):

Người dân xã Thanh Sơn mòn mỏi chờ đợi một cây cầu

Thứ Hai, 06/04/2009, 09:21
Xã Thanh Sơn là một xã vùng xa, dân số gần 30.000 người và rộng tới 31.000ha. Theo đánh giá thì xã Thanh Sơn là một xã có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế, nhất là kinh tế rừng, Chương trình 135, 134 của Chính phủ đã từng bước làm cho địa phương này có diện mạo mới, nhưng người dân Thanh Sơn vẫn còn rất nghèo.

Trong cái nghèo của người dân xã Thanh Sơn có nhiều nguyên nhân, song vì giao thông cách trở, không thuận lợi cho sự đi lại, giao lưu hàng hóa…cũng làm cho xã này phát triển chậm.

Cả xã mới có 3km đường nhựa ở khu vực trung tâm, còn lại là đường đất đỏ, mùa nắng thì bụi bặm mù mịt, mùa mưa thì lầy lội. Từ QL20 muốn đến xã Thanh Sơn và ngược lại có 3 bến phà qua sông Đồng Nai. Thế nhưng trong 3 bến phà trên, thì 2 bến phà 107 và bến phà 114 ở ấp Hòa Khánh và ấp Hòa Hiệp (thuộc xã Ngọc Định, huyện Định Quán) vận chuyển hành khách sang ấp 1, xã Thanh Sơn và ngược lại, thu tiền hành khách quá cao. Cụ thể một người đi xe gắn máy 4.000 đồng, còn người đi bộ trả 2.000 đồng, theo một số người dân thì mức thu tiền qua phà như vậy là "đắt nhất Việt Nam" và so với thu nhập của nhân dân lại làm cho người dân tốn thêm một khoản chi phí không nhỏ.

Đó là chưa kể gần 300 thầy cô giáo cư ngụ ở các xã ngoài (Ngọc Định, Phú Ngọc…) vào dạy học ở xã Thanh Sơn, ngày ngày đi về tốn không ít vào khoản lương thu nhập vốn không cao của mình.

Ngày 4/4, chúng tôi đến 2 bến phà này, ở 2 đầu bến đều có treo băng rôn của Ban ATGT tỉnh Đồng Nai với nội dung "Hãy mặc áo pháo khi đi đò, đi phà", nhưng trên các phà chỉ có lèo tèo vài ba chiếc phao cao su được buộc chặt vào thành phà, còn áo phao không thấy. Cả 2 chuyến phà đi và về với chúng tôi, mỗi lần có khoảng 20 người khách, nhưng không thấy ai hỏi đến chuyện phát áo phao, khi chúng tôi hỏi thì các nhân viên trên phà nói: "Sông như thế này, có gì đâu mà phải áo phao áo phiếc cho mất công?".

Không ít người dân nói với chúng tôi, vào mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, trên mỗi chuyến phà không dưới 40 em học sinh ở xã Ngọc Định sang xã Thanh Sơn học, "nếu lỡ xảy ra tai nạn thì hậu quả không lường hết được".

Với nhu cầu đi lại của người dân, phát triển kinh tế - xã hội của xã Thanh Sơn hiện nay và trong tương lai, việc xây chiếc cầu qua sông Đồng Nai bức thiết hơn bao giờ hết.

Chia tay chúng tôi, một số người dân nói "Không phải chúng tôi cầu mong cho điều tồi tệ xảy ra, nhưng có lẽ đợi đến lúc xảy ra tai nạn chết nhiều người thì mới cho xây cầu". Câu trả lời dành cho ngành GTVT tỉnh Đồng Nai

Công Trường
.
.
.