Người dân vùng núi thiếu nước sinh hoạt trầm trọng

Thứ Hai, 26/05/2014, 09:24
Hạn hán kéo dài, khiến mạch nước ngầm giảm sút. Hệ thống nước sinh hoạt không còn đủ khả năng cung cấp cho người dân. Hệ quả, hàng ngàn hộ dân tại các huyện miền núi ở Bình Định phải sống trong cảnh lay lắt vì khát… nước. Để có nước, nhiều gia đình phải đi xin nước giếng, mua nước đóng bình, thậm chí sử dụng nguồn nước sông, suối bị ô nhiễm.

Chật vật... vì thiếu nước

3 tháng qua, hàng trăm hộ dân ở thôn Thịnh Văn 1, thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh) phải quay quắt đương đầu với tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt. Vào thời điểm hiện tại, hầu hết các giếng nước ở nơi đây đều rơi vào cảnh “phơi đáy”. Cuộc sống bà con bị đảo lộn.

Anh Phạm Chí Hiếu (ở xóm 2, thôn Thịnh Văn 1) cho biết: “Mấy ngày đầu, phải mua nước đóng bình để nấu ăn, tắm gội nhưng thiếu nước kéo dài nên chúng tôi phải chuyển sang dùng nước suối vì dùng nước đóng bình hoài tiền đâu chịu thấu. Tắm nước suối cũng ớn lắm nhưng đâu còn cách chọn lựa nào khác”. Tiếp lời anh Hiếu, ông Võ Văn Ngọc (ở xóm 4, thôn Thịnh Văn 1), lo lắng: “Những ngày tới nếu trời không mưa, không biết bà con phải sống như thế nào đây”.

Hạn hán kéo dài, nguồn nước bị cạn khiến nhiều bể nước tập trung rơi vào cảnh  “đắp chiếu”.

Nước phục vụ sinh hoạt hằng ngày của người dân khan hiếm đã đành, nước để sử dụng trong xây cất các công trình, nhà cửa của người dân lại càng gay go hơn. Ông Nguyễn Đình Khải (ở xóm 2, thôn Thịnh Văn 1), nói như mếu: “Tôi xây gian nhà phía sau, cùng công trình phụ được khoảng 50% khối lượng thì giếng và cả ao, hồ, suối đều cạn. Để tiếp tục công trình, tôi phải vét từng can nước lắng đọng ở đáy giếng vào mỗi buổi sáng… nhưng cũng chỉ là cầm chừng”.

Theo ông Trần Xuân Hùng, Trưởng thôn Thịnh Văn 1, toàn xã có 375 hộ, nhưng có đến 3/4 hộ lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Riêng xóm 1, xóm 2 và xóm 4 có khoảng 90% số hộ phải đi xin và mua nước để sử dụng hằng ngày. Cuộc sống đồng bào nơi đây vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Hiện nay, Nhà máy cấp nước Vân Canh - nơi cung ứng nước cho hàng ngàn hộ dân sinh sống ở địa bàn các xã Canh Hiệp, Canh Hiển và thị trấn Vân Canh - cũng phải hoạt động cầm chừng. Một cán bộ nhà máy cho biết: “Thời tiết khô hanh kéo dài. Nguồn nước từ Suối Phướng bị khô cạn khiến lượng nước dẫn về nhà máy bị sụt giảm. Hiện tại, nhà máy chỉ hoạt động 1/2 công suất thiết kế (công suất thiết kế nhà máy 1.400m3/ngày/đêm - PV)”.

Tình hình thiếu nước sinh hoạt tương tự cũng đang xảy ra tại thôn Canh Lãnh, xã Canh Hòa (huyện Vân Canh). Giếng đào ở độ sâu hàng chục mét của các hộ gia đình đang dần khô kiệt, trơ đáy. Một số bể nước sinh hoạt tập trung do Nhà nước đầu tư tạm ngưng hoạt động do cạn nguồn nước hoặc bị hư hỏng. “Đường ống chính dẫn nước sinh hoạt từ công trình Suối Diếp về các bể chứa nước trong làng bị đứt, gãy. Nhiều tháng nay, 100 hộ dân trong vùng không có nước sử dụng. Để có nước tắm giặt, nấu nướng, hằng ngày, chúng tôi phải ra suối vét từng can nước… rất khổ sở!”, anh Đinh Văn Thảo, Trưởng thôn Canh Lãnh, than thở.

Nằm ở phía Đông huyện Vĩnh Thanh, gần 100 hộ sinh sống ở 2 thôn M9 và M10 của xã Vĩnh Hòa cũng khốn đốn vì khan hiếm nước sinh hoạt. Nguyên nhân do một số công trình nước tự chảy đặt ở đầu nguồn, sau thời gian sử dụng trở nên “tê liệt”. Chị Định Thị Tuyên, ở thôn M9, lắc đầu: “Nắng quá! Nước không có để dùng. Người dân khổ, cây cỏ chết héo; bò, trâu cũng sống vật vờ”. Tương tự, xóm 2, thôn Quy Hội, xã Phước An (huyện Tuy Phước) vào ngày này cũng trở nên khô khốc. Nhiều diện tích đất sản xuất hoa màu khô cằn. Cây cối vườn nhà chết héo; chum, vại, hồ nước dự trữ ở nhà dân cũng cạn đáy. Hàng chục hộ dân đã phải đi xin từng can nước để phục vụ những nhu cầu thiết yếu…

Chỉ biết chờ mưa!

Thực tế lâu nay, việc cung cấp nước sạch ở các vùng sâu, vùng xa dù đã được các cấp, ngành quan tâm đầu tư, song vẫn chưa mang lại kết quả bền vững, nhất là vào mùa khô, dẫn đến hệ quả người dân chỉ còn biết chờ “ông trời” để giải quyết cơn khát… nước sinh hoạt.

Để giải quyết bài toán nêu trên, mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản báo cáo Bộ NN - PTNT về tình hình hạn hán tại địa phương và đề nghị cơ quan này xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ hơn 56,4 tỉ đồng để triển khai chống hạn, cấp nước cho sản xuất và dân sinh. Theo thống kê hiện có khoảng 7.000 hộ dân trong tỉnh có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm nay.

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Bình Định, từ tháng 4 - 8 là thời kỳ ít mưa, mùa khô năm nay, hạn hán sẽ diễn ra gay gắt hơn mọi năm. Đặc biệt, các đợt nắng nóng cục bộ và kéo dài tập trung trong 2 tháng (tháng 7 - 8). Đến khoảng cuối tháng 8 thì tình hình khô hạn mới dần được cải thiện.

Hoàng Nguyên
.
.
.