Người dân vùng đầm phá vươn lên từ một dự án

Thứ Hai, 11/08/2014, 08:58
Ngày tôi về xã Hải Dương, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế), ông Đỗ Đắc Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã hồ hởi ra đón tận đầu con đường cấp phối dẫn vào xã. Ông Lộc phấn khởi: “Lâu lắm rồi người dân vùng đầm phá Tam Giang mới đón khách trong tâm trạng vui như thế này. Bởi lâu nay, chúng tôi đón khách chủ yếu chỉ sau mỗi trận bão lụt, là cán bộ, nhà báo về đây ghi nhận những thiệt hại do thiên tai gây ra…”.

Nhắc đến những miền quê bên phá Tam Giang, nhiều người nhớ đến điệu mái nhì man mác như nỗi niềm day dứt khôn nguôi về những vất vả gian lao, phận người cơ hàn, lam lũ. Nhưng nay cuộc sống ở đây đã không còn nghèo khó như xưa. Nhờ vào sự hỗ trợ của dự án “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai” đã làm đổi thay, khởi sắc diện mạo một vùng đất…

Ông Lộc dẫn tôi ra những thửa ruộng ngút ngàn màu xanh, phấn khởi cho biết: “Đây là giống lúa chịu mặn RVT do dự án “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai” hỗ trợ, thích ứng tốt với điều kiện đất ruộng kém dinh dưỡng, bị nhiễm mặn và nhiễm phèn, thiếu nguồn nước… Năng suất lúa đạt tới 60 tạ/hécta. Mô hình này đang mở ra triển vọng giúp cho bà con nông dân trong xã, cũng như các xã vùng đầm phá, ven biển chủ động về an ninh lương thực, thích nghi với biến đổi khí hậu”. Bên cạnh, mô hình trồng dưa hấu trên đất cát ven biển, cũng do dự án trên tài trợ, đã giúp cho hàng chục hộ dân ở hai xã Hải Dương và Hương Phong cải thiện đáng kể nguồn thu nhập.

Trồng dưa hấu trên cát trắng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân vùng đầm phá Tam Giang.

Bà Phan Thị Thúy, một nông dân trồng dưa hấu ở Hải Dương cho biết: “Trước đây miền đất cát chua phèn này khó gieo trồng các loại hoa màu. Ba năm nay nhờ có giống dưa hấu chống chịu trên đất cát nên với 2 sào dưa, gia đình tui đã có nguồn thu nhập ổn định hơn”. Ông Ngô Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Phong vui vẻ cho biết: “Lâu nay việc phòng chống thiên tai trong mỗi gia đình ở Hương Phong và Hải Dương đều do người đàn ông đảm nhận, người phụ nữ chỉ biết an phận lo công việc nội trợ và chăm sóc con cái. Nhưng kể từ khi có dự án “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khi hậu dựa vào cộng đồng”, nhận thức của mọi người đã thay đổi. Giờ đây chị em không chỉ nắm vững kiến thức và kỹ năng để ứng phó với thiên tai, mà còn là nhân tố tích cực tham gia các hoạt động xung kích tại cơ sở, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường. Sự tham gia của phụ nữ vừa phát huy nguồn lực của xã hội, đồng thời tạo sự bình đẳng giới trong mỗi gia đình”…

“Do cuộc sống khó nghèo, nhiều năm về trước, bà con ở bên bờ phá Tam Giang không mấy ai quan tâm đến chuyện học hành của con cái. Nhưng đến Hương Phong bây giờ, dù nghèo đến mấy cũng tạo điều kiện cho con cái có cái chữ trong đầu, để sau ra đời mở mày mở mặt với thiên hạ”, ông Thế nói thêm. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà cho biết, sự đổi thay trên, phần lớn là nhờ vào sự hỗ trợ tích cực của dự án. Bà dẫn chứng, năm 2011 qua khảo sát, Hương Phong và Hải Dương chỉ có 9% và 11% số người được hỏi cho biết ưu tiên quan tâm chăm lo đến con người, tiếp theo là tài sản nhà cửa và sản xuất, nghĩa là sự quan tâm đến con người rất hạn chế. Sau 3 năm, con số này tăng lên 82% đối với Hương Phong và 75% đối với Hải Dương. Về xử lý rác thải, nếu như năm 2011 chỉ có 53% hộ gia đình ở Hải Dương và 63,5% hộ gia đình ở xã Hương Phong tham gia chương trình quản lý chất thải, thì đầu năm 2014 đã có 100% hộ gia đình ở hai xã này tham gia và sẵn sàng trả lệ phí quản lý rác thải. Bà Hương chia sẻ: “Trước đây, chỉ một trận lũ là có thể toàn bộ tài sản mà người dân chắt chiu dành dụm được qua bao năm làm lụng vất vả, phút chốc bị cuốn trôi theo dòng nước. Bây giờ người dân đã ý thức hơn trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, ổn định theo các mô hình thâm canh, nuôi trồng; nhà cửa theo đó cũng được quan tâm xây dựng kiên cố hơn. Nỗi lo canh cánh mùa mưa lũ đã bớt đi nhiều lắm!”…

Đến những miền quê ven phá Tam Giang, nay đã không còn những triền cát chói chang, thay vào đó là màu xanh bạt ngàn, no ấm của các loại cây hoa màu. Câu ca “Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang” một thuở nay thực sự chỉ còn trong kỷ niệm...

Thanh Bình
.
.
.