Người dân vẫn chủ quan trước nguy cơ lây lan dịch cúm trên người

Thứ Năm, 23/01/2014, 14:27
Trường hợp đầu tiên tử vong vì cúm A/H1N1 ở Bình Phước, cùng với thông tin có thêm 7 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trong 3 tuần đầu tháng 1/2014 đều đang trong tình trạng nghiêm trọng, mà Trung Quốc vừa thông báo cho WHO, khiến Bộ Y tế nhận định nguy cơ lây lan của dịch cúm là rất cao, nếu không có các biện pháp quyết liệt.

Đặc biệt, hiện đang là thời điểm cận Tết, hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm lậu đang gia tăng, trong khi cúm A/H5N1 cũng trở lại ở Trung Quốc, cùng sự xuất hiện virus cúm độc lực cao H5N2 và H10N8. Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở, khi Bắc Ninh đã xuất hiện dịch cúm gia cầm với gần 10.000 con mắc và là ổ dịch đầu tiên trong năm 2014.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm, ngày 22/1, PV CAND đã có cuộc khảo sát tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội và thấy rằng người dân dường như vẫn chưa ý thức được nguy cơ từ dịch. Đặc biệt, việc giết mổ gia cầm sống tại chỗ vẫn diễn ra phổ biến và công khai. Hoạt động này dù bị cấm vẫn diễn ra thường xuyên hằng ngày từ nhiều năm nay (trừ những ngày có lực lượng chức năng vào kiểm tra) và chưa có dấu hiệu sẽ ngưng lại dù đã xuất hiện người tử vong vì dịch cúm.

Tại chợ Nguyễn Công Trứ, hoạt động mua bán gà sống vẫn diễn ra bình thường, gà lông vẫn được bày bán và được mổ ngay tại chợ, phục vụ nhu cầu của các bà nội trợ chuẩn bị cúng ông Công, ông Táo. Cả người bán và người mua đều không có vẻ lưu tâm đến sự đe dọa của dịch. Càng trong những ngày này, người tiêu dùng càng ưa thích việc mua gà sống và giết mổ tại chỗ với quan điểm như vậy mới "tươi", phù hợp với việc thắp hương ngày Tết.

Tại chợ Nguyễn Cao họp ngay trong các con ngách chật chội trong khu dân cư, hoạt động này còn diễn ra nhiều hơn. Trên bậc thềm nhà hay sát lề đường, chỉ lót trên một cái bao gai, gia cầm được giết mổ lập tức để phục vụ khách, kể cả làm lòng, mề. Dạo một vòng, chúng tôi thấy ít nhất có 4 hàng đang giết mổ gia cầm tại chỗ, không găng tay, không khẩu trang… không có một phương tiện bảo vệ nào. Chợ này họp tràn trên lề đường các con ngách chật chội, ngay bên cạnh nhà dân nên vừa gây mất vệ sinh, vừa rất dễ lây lan nếu có virus. Tuy nhiên các chợ này không phải là thiểu số. Hỏi bất cứ bà nội trợ nào cũng sẽ nhận được cái gật đầu về tình trạng giết mổ gia cầm tại chợ gần khu vực gia đình họ.

Tại chợ tạm Thanh Xuân Bắc, mặc dù họp ngay trong khu dân cư, và gần ngay Trường Mầm non Thanh Xuân Bắc và Tràng An, nhưng những người bán hàng cũng không ngần ngại giết mổ gia cầm, rất mất vệ sinh và gây nguy cơ cao lây nhiễm bệnh. Một phụ huynh sinh sống trong khu tập thể cho biết rất phiền lòng về tình trạng này, bởi gia cầm được giết ngay trên đường chị đón con về nhà, nước bẩn, lông gà vương vãi khắp nơi. Tình trạng này diễn ra đã lâu nhưng chưa thấy lực lượng chức năng xử lý. Ở chợ tạm Kim Giang, chợ Vàng, chợ Cam (Gia Lâm), chợ Nông nghiệp I… đều diễn ra tình trạng tương tự. Trong khi đó, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cũng cho biết, kết quả giám sát tại 147 chợ buôn bán gia cầm sống tại 44 tỉnh, thành cho thấy, có tới gần 6% gia cầm dương tính với virus H5N1 và 61% số chợ có virus H5N1.

Giết mổ gia cầm sống tại chợ Nguyễn Cao (Hà Nội) ảnh chụp sáng 22/1.

Trên thực tế lực lượng chức năng cũng đã nhiều lần kiểm tra và thu giữ gia cầm vi phạm tại các chợ, trong đó có cả chợ Nguyễn Công Trứ, tuy nhiên chỉ cần vắng bóng lực lượng này là mọi việc lại diễn ra như cũ. Việc làm mang tính chất đối phó, thời điểm như vậy không phát huy hiệu quả và không giúp người bán hàng cũng như người tiêu dùng nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm hay dịch bệnh. Khi thấy PV đến chụp ảnh, một người bán hàng còn chạy ra năn nỉ "em có ăn con gà chị bê cho, đừng đưa chị lên báo, ngày Tết ngày nhất để các chị buôn bán một tí".

Đứng cạnh cái lồng có 4, 5 con gà; một người bán hàng khác cũng tha thiết mong "thông cảm cho chị, nhà hoàn cảnh lắm, anh ốm liệt giường mà chỉ có mấy con gà" dù chúng tôi mới chỉ hỏi "chị có biết đã có người chết vì cúm gia cầm không". Nhiều người bán hàng biết thông tin về dịch, tuy nhiên vẫn nghĩ là chuyện của người khác chứ không phải của mình, hoàn toàn chủ quan trong việc phòng chống dịch. Càng cận Tết Nguyên đán, hoạt động buôn bán gia cầm càng diễn ra tấp nập. Nếu không có biện pháp thông tin đến người dân và nâng cao nhận thức về dịch, rất khó để phòng chống lây lan khi hầu hết người dân còn hết sức chủ quan.

Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trước tình hình dịch cúm gia cầm A/H5N1 diễn biến phức tạp, ngành thú y các tỉnh đã yêu cầu các trạm thú y huyện, thị tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm; thành lập các đoàn kiểm dịch động vật và kiểm soát giết mổ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chi cục Thú y TP Cần Thơ cho biết, trong 2 ngày 8 và 9-1, đã phát hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm mới tại hộ Nguyễn Văn Lý (ấp Tân Long, xã Tân Thới), với số lượng 782 con gà và hộ Nguyễn Văn Tý Anh (ấp Nhơn Thuận, xã Nhơn Nghĩa, cùng huyện Phong Điền), với số lượng 121 con gà. Lực lượng chức năng đã tiêu huỷ toàn bộ số gia cầm nói trên, tiến hành phun xử lý môi trường toàn bộ tại những nơi phát hiện ổ dịch...

Ghi nhận của PV Báo CAND sáng 22/1, tại khu vực chợ Bà Bộ (giáp ranh giữa Ninh Kiều với quận Bình Thủy), nhiều tiểu thương bày bán gia cầm sống tràn lan trên lề đường, hoạt động rất nhộn nhịp. “Lực lượng chức năng đã rất nhiều lần kiểm tra, xử lý. Nhưng hễ thấy bóng dáng lực lượng chức năng thì các hộ này gom hàng bỏ chạy. Khi lực lượng chức năng đi khỏi thì lại bày bán trở lại nên rất khó xử lý triệt để”, ông Dũng nói.

Theo lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp, điều đáng lo ngại trong công tác phòng, chống dịch hiện nay là đàn vịt chạy đồng. Vịt chạy đồng đi qua nhiều nơi, dễ lây lan dịch bệnh. Trong khi đó, ý thức của một bộ phận người dân vẫn còn khá lơ là trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, đặc biệt là các hộ dân nuôi nhỏ lẻ; việc mua bán, giết mổ gia cầm sống ở các chợ vẫn còn diễn ra phổ biến; tỉ lệ mầm bệnh lưu hành trên đàn gia cầm khỏe mạnh chiếm khá cao, dễ phát sinh mầm bệnh.

Trong năm 2013, tỉnh Đồng Tháp có một trường hợp tử vong do nhiễm dịch cúm gia cầm A/H5N1. Ngành thú y đã tiêu hủy 357 con gia cầm bị nhiễm bệnh; phát hiện 87/660 mẫu gia cầm lấy tại các chợ mẫu dương tính với virus cúm A/H5N1.

Khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp, hiện có 4 chốt kiểm dịch hoạt động tại các khu vực cửa khẩu Dinh Bà, Thông Bình, Thường Phước và Sở Thượng. “Lực lượng chức năng chưa phát hiện các hoạt động buôn bán gia cầm qua các cửa khẩu. Việc mua bán gia cầm, nếu có là người dân lén lút, mua bán qua các đường tiểu ngạch, không khai báo, kiểm dịch. Thời điểm này, các huyện biên giới đã xuống lúa vụ đông xuân, nên xảy ra tình trạng vịt chạy đồng di chuyển sang các cánh đồng bên kia biên giới kiếm ăn, đây cũng là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh”, Thạc sĩ Bạch Tuấn Kiệt, Trưởng phòng Dịch tễ, Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp cho hay.

Bộ Y tế: Chủ động đối phó nguy cơ lây truyền dịch cúm ở người

Được biết, ngay khi có thông tin về trường hợp tử vong, Bộ Y tế đã có các biện pháp nhằm đối phó với nguy cơ lây truyền dịch cúm ở người. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Bộ Y tế đã tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng, chống cúm A(H7N9), cúm A(H5N1) tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Tĩnh, Bắc Giang... và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, để đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thông tin kịp thời, chính xác về tình hình cúm A(H7N9), cúm A(H5N1), đồng thời, phối hợp với WHO, FAO, USCDC nhằm chia sẻ thông tin, hợp tác và đề nghị các tổ chức quốc tế giúp đỡ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch cúm A(H7N9), cúm A(H5N1).

Thanh Hằng - Vũ Hân - Văn Vĩnh
.
.
.