Người dân trồng khoai mì ồ ạt, thương lái ngưng thu mua

Thứ Hai, 24/12/2012, 15:00
Tại xã Đông Phước A (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đang xảy ra tình trạng người dân ồ ạt trồng khoai mì (sắn) lấy lá, ngọn bán cho thương lái. Tuy nhiên, sau một thời gian lá khoai mì được thương lái thu mua với giá cao thì bất ngờ bị “tuột giá” khá nhanh. Nhiều vườn khoai mì đến ngày thu hoạch, nhưng không có thương lái đến thu mua, khiến người dân lo lắng.

Dọc tỉnh lộ 925, đoạn qua địa bàn xã Đông Phước A, nhiều mảnh vườn trồng khoai mì xanh ngắt. Vừa lui cui cắt ngọn và lá khoai mì, chị Lê Tuyết Thu (ấp Phước Long, xã Đông Phước A) bộc bạch: “Dân ở đây trồng khoai mì chỉ lấy lá và ngọn, không lấy củ. Sáng giờ tôi cắt được gần 400 kg lá và ngọn, bán với giá 1.200 đồng/kg nhưng năn nỉ mãi thương lái mới chịu đến lấy. Không như năm trước, họ đặt hàng mình, giá cũng ở mức 1.500 đồng/kg”. Theo lời chị Thu, việc trồng khoai mì lấy lá và ngọn bán xuất hiện gần 2 năm nay. Trước kia chỉ có một số hộ trồng, còn nay khoai mì được trồng nhiều ở các ấp: Phước Long, Phước Hưng, Hưng Thạnh… Cung vượt cầu nên giá khoai mì giảm mạnh.

“Chúng tôi tận dụng các khoảng trống trong vườn để trồng như trồng xen khoai mì với cam, nhãn, bưởi… Đây là cây ngắn ngày, chỉ tốn nước tưới và phân nên chi phí không nhiều”, chị Thu cho hay. Thấy lá khoai mì được thương lái thu mua với giá cao, bà Đặng Thị Hồng Cúc cũng “tăng canh” bằng cách trồng xen khoai mì trong 10 công (1 công/1.000m2) cam sành của gia đình để cải thiện thu nhập. Nhưng hơn 2 tháng nay, khoai mì đã đến ngày thu hoạch, thì không thấy thương lái đến hỏi mua. “Do trồng xen canh, khoai mì giờ cao hơn cam sành, bón bao nhiêu phân cho cam sành đều bị khoai mì “lấy” hết, làm cây cam chậm lớn. Thương lái không đến mua chắc tôi phải đốn bỏ khoai mì để giữ cam”.

Người dân khốn khổ vì thương lái thu mua lá và ngọn khoai mì giảm.

Nhiều thương lái cho biết, lá và ngọn khoai mì được thu mua rồi về bán lại cho Công ty Phú Thạnh (đặt tại khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành, Hậu Giang). “Nhưng mấy tháng nay thu mua chậm vì công ty còn hàng trong kho chưa xuất đi được”, anh Giang, một thương lái cho hay.

Bà Đinh Thị Thanh Loan, cán bộ bảo vệ thực vật xã Đông Phước A cho biết: Trung bình khoảng 2 tháng là khoai mì đủ tuổi để hái lá và ngọn, một công khoai mì  thu hoạch được từ 1-1,5 tấn lá, ngọn. Người dân thu được lợi nhuận từ 1-1,5 triệu/công. Trong 2 năm trở lại đây, diện tích khoai mì của xã có tăng nhanh. Người dân tận dụng khoảng đất trống ven lộ, vườn cây ăn trái để trồng chứ không phải đốn cây ăn trái lâu năm để trồng khoai mì. Đồng thời, thương lái là người ở ấp Tân Long đến thu mua và bán lại cho Công ty Tân Phú Thạnh, chứ không phải là thương lái “bí ẩn” như một số báo đã thông tin”.

Ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng NN-PTNN huyện Chậu Thành cho hay: “Thương lái mua khoai mì là người dân địa phương và họ bán lại cho Công ty Tân Phú Thạnh. Sau khi thu mua, công ty này sẽ sấy khô, đóng gói và xuất khẩu sang Châu Phi hoặc làm phụ gia. Chúng tôi đã vận động bà con không nên mở rộng diện tích trồng khoai mì vì nếu trồng nhiều, cung vượt cầu, thương lái sẽ ép giá”. Cũng theo lời ông Hành, ngành nông nghiệp cũng thường xuyên theo dõi, nếu có thương lái Trung Quốc đến huyện thu mua hoặc thuê người trồng cây nông nghiệp sẽ ngăn chặn

Văn Vĩnh
.
.
.