Người đàn ông đơn thân và nguyện vọng “cống hiến” sau khi chết

Chủ Nhật, 07/04/2013, 21:40
Một ngày đầu năm, tôi bất ngờ nhận được thư của một độc giả 88 tuổi, người mà tôi đã gặp cách đây hơn 10 năm tại nhà ông ở phố Nguyễn An Ninh, Hà Nội. Hơn 10 năm, tâm nguyện hiến xác cho khoa học của ông vẫn nguyên vẹn. Thế nhưng, hơn một thập kỷ trôi qua, “tấm vé” “Quà tặng cuộc sống” đã bị thất lạc nên ông muốn nhờ tôi kết nối nhận lại tấm vé này để khi trăm tuổi, được hiến thân cho khoa học.
“Sống đã hết lòng cùng đất nước. Chết đi cũng muốn ích cho đời. Của riêng còn lại là thân xác. Xin nguyện đưa ra hiến tặng người”, tôi đem bức tâm thư cùng những câu thơ trên của độc giả Hoàng Hồ đến gặp bác sỹ Khuất Duy Thái, Phó Chủ nhiệm khoa Ngân hàng Mô và Điều trị vết thương, Viện Bỏng Quốc gia.

Đọc lá thư, bác sỹ Thái cho biết, chắc chắn trong danh sách những người tình nguyện hiến xác có ông Hoàng Hồ. Tuy nhiên, những lá đơn tình nguyện hiến xác chỉ là bước khởi đầu. Còn để việc hiến xác thành hiện thực phải có một quá trình với rất nhiều thủ tục, trong đó điều quan trọng nhất là sự đồng ý của thân nhân người tình nguyện. Thế nên, từ năm 2002 đến nay mới có một trường hợp hiến xác qua Ngân hàng Mô được thực hiện.

Số lượng đơn tình nguyện hiến xác, hiến mô mà Ngân hàng Mô nhận được hàng nghìn. Thế nhưng, cả một thập kỷ qua, chỉ duy nhất một trường hợp hiến xác được thực hiện đã thôi thúc tôi tìm hiểu về vấn đề này. Không ngần ngại, bác sỹ Khuất Duy Thái cho tôi tiếp cận bộ hồ sơ về người tình nguyện đã được thỏa ước nguyện chết có ích.

“Kính thưa Tiến sỹ Phạm Quang Ngọc! Tên tôi là N.H.V., sinh năm 1959, dân tộc Kinh, quê quán: Hà Đông, Hà Tây.

Tôi xin Tiến sỹ bỏ qua sự đường đột này. Tôi biết ông rất bận nên không được phép làm mất thời gian của ông. Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết nơi ông làm việc hiện là cơ sở tiếp nhận xác của những người sau khi chết mà có đơn tình nguyện hiến. Tuy vậy, phần vì trình độ có hạn, đồng thời đón nhận thông tin còn chắp vá nên tôi viết thư này nhằm nắm bắt sự giải đáp cụ thể của ông về thủ tục. Bản thân tôi có một số vướng mắc thiệt thòi, tôi hy vọng Tiến sỹ giải tỏa cho tôi.

Bố mẹ tôi đều là những người đi làm cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa. Vì một số lý do, gia đình tôi tan vỡ. Anh em chúng tôi lớn lên trong sự đói khát tình cảm. Tôi sớm nhận thức được vị trí của mình nên tôi đã phấn đấu theo học bằng quyết tâm lớn nhất. Năm 1977, rất tiếc tôi thi trượt đại học. Tôi lập tức theo học Trung cấp Giao thông Vận tải đường bộ. Học được 1 năm, tôi đột nhiên bị hen phế quản. Vậy là cơn hen đã nhũng nhẵng cản trở bước tiến sự nghiệp đời tôi. Tôi lại theo học trường Trung cấp Công nhân kỹ thuật, thậm chí làm đơn tình nguyện đi vùng kinh tế mới, đơn tham gia nghĩa vụ quân sự... Tất cả những cố gắng đó đều không toại nguyện, tôi chán nản rầu rĩ, mặc cho sự thất nghiệp cắn xé. Sống như một người mắc bệnh trầm uất, tôi xa lánh mọi người, lảng tránh tất cả.

Bệnh tật vùi dập tôi, nó còn giết chết đời tôi. Để chữa hen, tôi đã sử dụng thuốc phiện để rồi nghiện nặng. Điều này đem đến cho tôi nỗi đau tê tái. Tuổi thanh xuân tôi cống hiến được gần 3 năm nghĩa vụ quân sự. Thật là một số phận thất bại hoàn toàn lại còn đem lại điều tiếng xấu xa. Tôi đã tự đánh mất lòng tin. Tôi trống rỗng cô đơn. Gia đình hắt hủi. Họ hàng ghê tởm. Bè bạn xa lánh. Sự tuyệt vọng luôn hướng tôi tới con đường tự chấm dứt đời mình. Vừa qua, bằng sự vận động nhiệt tình với nỗ lực phi thường, gia đình đã cho tôi lên Trung tâm 06 cai nghiện. Tôi đã cố gắng. Cố đào thải sức hủy diệt tàn bạo của thuốc. Tôi đã thành công, thực sự cắt khỏi cơn nghiện. Đơn thư này nếu để tố cáo tác hại của nghiện ngập thì không biết bao nhiêu chương cho đủ. Nếu thể xác tôi mắc nghiện, liệu có cản trở tới công việc hiến xác? Tôi bị mắc bệnh hen nhưng đầu óc, tứ chi..., cơ thể tôi đầy đủ, không mắc khiếm khuyết gì cả…

Tôi chết đi. Không phải gia đình không lo được cho tôi một đám ma, 2m2 đất chôn vùi. Nhưng đau đớn quá thưa chủ nhiệm? Giỗ lạt, rằm tuần làm gì còn có ai cho tôi nén nhang, nhành hoa. Tôi vĩnh viễn bơ vơ vì không vợ, chẳng chút con cái... Tôi rất yêu cuộc sống. Tôi mong muốn đến mòn mỏi ao ước được cống hiến cho xã hội. Tôi kính mong được Tiến sỹ và tập thể Ngân hàng Mô dành cho tôi sự ưu ái – giúp tôi được ra đi thanh thản với sự cống hiến nhỏ bé của mình...”.

Gia đình và cơ quan y tế làm lễ truy điệu anh N.H.V.

Tâm tư của anh N.H.V. gửi Tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc, lúc đó là Chủ nhiệm Khoa Ngân hàng Mô và điều trị vết thương viết ngày 10/6/2002. 17 ngày sau (đêm 27/6/2002), mẹ của anh, bà V.T.N.B. đến Ngân hàng Mô gặp ca trực đêm và làm báo cáo gửi lãnh đạo Viện Bỏng Quốc gia về việc xin hiến xác và tạng của con mình trong khi anh đang hấp hối. Biên bản ghi: “Hiện tại (21h15 ngày 27/6/2002), con trai bà là N.H.V. bị hôn mê. Từ lúc 19h cùng ngày, anh đang được cấp cứu tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện tỉnh Hà Tây. Bà N.B thiết tha xin được làm thủ tục hiến xác con trai cho khoa học”.

Vì sao bà mẹ 80 tuổi, một lão thành cách mạng lại tức tốc tới Ngân hàng Mô để bày tỏ nguyện vọng xin được hiến xác con trai mình cho khoa học trong khi anh đang sắp lìa cõi trần? Các cán bộ Ngân hàng Mô đã làm gì để hoàn thành tâm nguyện của anh N.H.V và mẹ anh? Đọc đơn tình nguyện ký ngày 27/6/2002 của bà V.T.N.B., chúng tôi mới biết rằng, bà dõi theo mọi việc của con và quyết tâm giúp con mình hoàn thành tâm nguyện.

“Tôi có con trai là N.H.V., 41 tuổi. Thể theo nguyện vọng của con tôi, tôi đã nhất trí để cháu được vinh dự hiến thân thể cho khoa học. Đơn thư của cháu (thư gửi Tiến sỹ Phạm Quang Ngọc vừa nêu ở trên – PV) vừa bỏ vào thùng thư Bưu điện Quang Trung lúc 9h sáng nay – Hiện còn bì thư lưu. Bỗng 19h hôm nay, cháu đi nắng về, có lẽ là tắm nên tôi vào nhà đã thấy cháu gục trên ghế, chân tay không cử động được, cho đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh Hà Tây. Tôi không thể làm sai ước nguyện của con tôi, tôi đã được chỉ dẫn đến để tình nguyện xin cho con tôi được hiến xác”.

Trước tâm nguyện của người tình nguyện (khi còn sống) và người thân của anh N.H.V., mọi thủ tục pháp lý được hoàn tất. Cán bộ Ngân hàng Mô, bộ môn Giải phẫu (Học viện Quân y) đã làm các thủ tục tâm linh và khoa học để tiếp nhận xác của anh N.H.V. phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo. Sự cống hiến của anh N.H.V. đã giúp nhiều thế hệ sinh viên Học viện Quân y, những bác sỹ tương lai được học tập trong điều kiện tốt nhất, giúp họ có hành trang vững chắc khi bước chân vào nghề trị bệnh, cứu người

Cao Hồng
.
.
.