Người đàn ông biết "nói tiếng chim trời"

Chủ Nhật, 09/05/2010, 09:54
Kim đồng hồ vừa điểm 6h sáng, một người đàn ông tóc húi cua, đội nón cao bồi như "điệp viên" tay cầm 2 lon ni-gô màu trắng tiến tới đài hoa, khu vực Nhà thờ Đức Bà. Thấy dáng anh, từ trên nóc bưu điện thành phố, đàn chim câu đông đúc chia thành nhiều nhóm giương cánh tung bay, lượn lờ rồi sà xuống "chủ nhân".

"Nhờ gắn bó với đàn chim như hình với bóng mà người đàn ông ấy hiểu được tiếng nói của chim trời, khi anh gọi thì chúng sà xuống, lúc anh xua tay thì chúng bay đi. Và nếu quý mến ai đó, anh sẽ tặng họ một kỷ niệm không bao giờ quên là "bỏ nhỏ" với đàn chim để chúng lớp bay đậu trên tay, lớp tung cánh rập rờn quanh vị khách để người ấy có được pô ảnh để đời".

Thoạt đầu nghe chị Lâm Bích Duyên (Thanh tra xây dựng quận Bình Tân) nói, tôi bán tin bán nghi nhưng khi mục diện, mới biết ấy là chuyện lạ có thật. Người đàn ông có biệt tài ấy là anh Nguyễn Huy Cường, 42 tuổi, hành nghề bán tiền xưa, tem cổ trước khu vực Nhà thờ Đức Bà (quận 1, TP HCM).

Hình ảnh đẹp giữa lòng thành phố

Để được tận mắt chiêm ngưỡng đàn chim được xem là biểu tượng hòa bình tung cánh đón chào ngày mới cùng người đàn ông tên Cường có biệt tài nói tiếng nói chim trời, từ trước 6h sáng, chúng tôi đã có mặt tại khu vực đài hoa trước Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện thành phố. Đây cũng là thời điểm mà nhiều cư dân sống quanh khu vực này cùng các đoàn khách du lịch quốc tế thích thú vui đùa, chụp ảnh lưu niệm với đàn chim.

Câu chuyện của chị Duyên làm tôi nhớ đến kỷ niệm khi du khảo sang nước bạn Campuchia 1 năm trước. Khi ấy cũng vào thời khắc này, bác tài chạy xe tuk tuk đưa chúng tôi đến Quảng trường Thành Vua ở Thủ đô Phnôm Pênh để có được những tấm hình lưu niệm tuyệt hảo với đàn chim câu cả ngàn con tung cánh.

Theo bác tài tuk tuk, Quảng trường Thành Vua nằm hướng mặt ra dòng sông 4 mặt, là nơi vua thường ra hóng gió nên mới được dân chúng gọi là Thành Vua (có người gọi Đền Vua). Khó có thể diễn tả cảm giác phấn khích của chúng tôi vào ngày hôm ấy. Với gói đậu xanh giá 2.000 rieal (tương đương 8.000 VNĐ), chúng tôi như thể điều khiển được đàn chim câu, đi đâu chúng cũng lẽo đẽo theo sau, khi xòe tay ra thì chúng dạn dĩ chấp chới cánh mổ mồi thật kỳ thú. Khi ấy không ai bảo ai, mọi người trong đoàn đều có chung suy nghĩ, ước gì các thành phố lớn của Việt Nam mình như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP HCM… có sự hiện diện của đàn chim hòa bình này.

Anh Cường đang chăm sóc một chú chim bị phường săn bắn gãy cánh.

Được như vậy du khách trong nước cũng như bạn bè thế giới hẳn sẽ thích lắm! Nhưng ước mơ chỉ vừa thoáng qua đã gặp trở ngại vì mọi người tin điều ấy sẽ chẳng thể nào trở thành hiện thực. Bởi chim trời các loại, đặc biệt là chim bồ câu là món khoái khẩu của mấy ông khoái lai rai đặc sản...

Kim đồng hồ vừa điểm 6h sáng thì phía bên kia đường Lý Tự Trọng, một người đàn ông tóc húi cua, đội nón cao bồi trông rất giống "điệp viên" tay cầm 2 lon ni-gô màu trắng tiến tới đài hoa. Người đó chính là anh Nguyễn Huy Cường. Thấy dáng anh, từ trên nóc bưu điện thành phố, đàn chim câu đông đúc chia thành nhiều nhóm giương cánh tung bay, nhìn từ xa như những áng mây trắng, mây hồng, mây xám… lượn lờ rồi sà xuống "chủ nhân".

Chẳng mấy chốc cả khoảnh sân rộng lớn đặc dáng chim câu. Chẳng thèm bận tâm đến sự hiện diện của nhiều vị khách lạ, đàn chim khoan thai đi lại, lắm con cố tiến đến thật gần "người biết nói tiếng chim trời". Khi anh Cường mở chiếc lon ni-gô vốc những nắm đậu xanh tung ra khoảnh sân, đàn chim lao xao đến lạ. Chúng liên tục mổ đầu xuống đất dùng bữa điểm tâm trong sự nhìn ngắm, chụp ảnh, vuốt ve thích thú của nhiều cư dân thành phố và du khách quốc tế. Sau này chúng tôi mới biết chúng dạn vì cảm nhận được sự chở che của "chủ nhân".

Khoảng 7h, chừng như no bụng nên hơn phân nữa đàn chim tung cánh bay. Lúc này chúng tôi được dịp mục kích hình ảnh kỳ thú khác. Anh Cường lôi trong vạt áo một lon ni-gô khác xốc xốc và bỗng từ các phía, đàn chim sẻ đông đúc sà xuống khiến vạt cỏ xanh trải rộng bỗng chốc sậm đen. Không như chim câu ăn đậu, món khoái khẩu của đàn sẻ là thóc. Thấy hình ảnh lạ, vài vị khách hiếu kỳ mon men tiếp cận nhưng vừa thấy bóng người lũ sẻ dáo dác bay đi, một lúc sau chúng lại sà xuống.

"Sẻ nhát hơn chim câu rất nhiều" - anh Cường cho biết: "Trong tự nhiên, chim sẻ là một trong những loài chim bị săn bắt nhiều nhất. Người ta bẫy chúng để phục vụ cho mục đích phóng sanh, để bán cho các quán đặc sản chim trời đặng phục vụ cho mấy ông khoái tăng lực với các món tiết chim sẻ, chim sẻ nấu cháo đậu xanh... Có lẽ vì điều này mà bầy sẻ rất nhạy cảm với những gì mà chúng không quen thuộc".

"Làm vú em cho chim trời... không dễÎ"

Khoảng 8h sáng, những đàn chim sẻ, chim câu cùng các vị khách bặt dạng. Nguyễn Huy Cường cho biết mỗi ngày anh tốn 3kg lúa và 0,5kg đậu xanh để lo cho bữa ăn của hai đàn chim. Anh tâm sự: "Nghe qua thấy đơn giản nhưng kỳ thực, phải gắng lắm tôi mới lo chu đáo cho đàn chim. Tính ra tiền ăn cho bầy chim tôi đi đứt hơn 2 triệu đồng mỗi tháng. Bên cạnh đó, chỉ riêng việc mua lúa cho chúng ăn cũng "trần ai khoai củ" rồi. Ở thành phố kiếm chỗ bán bia bán rượu thì dễ chứ chỗ bán lúa thì đếm trên đầu ngón tay". Dứt lời, anh trĩu giọng: "Để đàn chim đều đều gia tăng quân số và dạn dĩ với con người, nói thiệt tôi chịu nhiều bầm trầy lắm! Chỉ cần mình sơ ý một chút là đàn chim lọt vào tầm ngắm của cánh phường săn ngay. Cũng may mà nhà tôi nằm đối diện đài hoa nên cũng thuận lợi cho việc quan sát đàn chim. Bởi chỉ cần bị tấn công vài lần, cảm nhận sự không bình yên là đàn chim sẽ cất cánh bay không hẹn ngày trở lại".

Những người dân sống quanh khu vực đài hoa cho biết không ít lần anh Cường bị thóa mạ, dọa đánh cũng vì cố sức bảo vệ đàn chim: "Có những người ác lắm, thấy đàn chim đậu là dùng đá chọi, lao xe tông thẳng khiến chúng bị gãy cánh gãy chân mà thương. Cũng có người chờ lúc tôi cho đàn chim ăn giả bộ là khách đến chộp chim bẻ cổ. Những lúc như thế tôi cự kịch liệt thì bị họ cự lại, họ bảo "chim trời cá nước chứ có phải của tôi, có ai cấm săn bắt đâu mà lấy quyền gì xía vô". Còn chuyện các bác tài chụp ảnh đám cưới để có được tấm hình đẹp cố ý xua đuổi cho đàn chim sợ tung cánh bay. Tôi thấy chướng mắt ra nhắc nhở thì họ kéo cả chục người dọa đánh. Ngó bề ngoài thấy bình yên nhưng có dấn sâu vào mới biết làm vú em cho chim trời… không dễ".

"Học được nhiều điều từ thế giới loại chim"

Mỗi ngày, Nguyễn Huy Cường có 2 giấc cho chim ăn, tầm 6h sáng và khoảng 3h chiều. "Ăn xong chúng vui chơi đến khoảng 4-5h chiều thì tản ra bay về tổ. Ngoài nóc Bưu điện thành phố, nóc Nhà thờ Đức Bà, đàn chim sẻ - chim câu còn làm tổ trên các thân cây cao, nóc các khu cao ốc ở quanh đây". Cường tấm tắc khen đàn chim rất thông minh ví như chúng không bay đi đâu xa, chúng chỉ sống quanh khu vực nơi anh sinh sống, đến giờ là xuống ăn và lại về tổ. Nhờ tránh được nhiều sự nhòm ngó của thiên địch nên bầy đàn chúng mới gia tăng theo từng ngày.

Chúng tôi hỏi "vú em" của đàm chim trời điều mà nhiều người muốn biết, rằng "có đúng là anh hiểu được ngôn ngữ của loài chim, anh có thể sai khiến chúng làm theo ý muốn của anh?" thì "vú" cười mà rằng: "Đúng là khi tôi gọi, tôi huýt gió, tôi lắc lon, búng tay... là đàn chim hoặc sà xuống hoặc bay đi, hoặc chúng đậu trên tay tôi, hay tay người khác. Khi cảm thấy có sự bất ổn, tôi sẽ ra ám hiệu để đàn chim rút êm… Khi tôi thể hiện những cử chỉ giao tiếp này, nhiều người bảo tôi hiểu được ngôn ngữ của loài chim nhưng ở một chừng mực khác, sao ta lại không đặt vấn đề rằng, đàn chim hiểu được điều tôi muốn nói với chúng?!".

Cuộc trò chuyện với "vú em" chim trời Trần Huy Cường gián đoạn khi có một phụ nữ luống tuổi đừng xe tiến đến trao cho anh một bọc nilon đen đầy lúa rồi rồ máy bỏ đi. Lúc này "vú em" của đàn chim giọng vui đến lạ: "Trên hành trình chăm dưỡng đàn chim, tôi không hề đơn độc. Bên cạnh những kẻ luôn chực chờ cơ hội ra tay sát hại đàn chim thì cũng có những người yêu thương, hết lòng chăm sóc, bảo vệ chúng. Chị vừa trao tôi bọc lúa là ví dụ điển hình. Từ một người đi đường thấy hay hay ghé xem, rồi chị không thể xa đàn chim được. Cứ vài ngày một lần là chị ấy ra cho đàn chim ăn. Khi nào bận quá thì gửi thóc nhờ tôi cho chim ăn hộ. Hiện có gần chục người, trong số đó có phân nửa là các em sinh viên hết lòng với đàn chim đấy!".

Trao đổi với chúng tôi về "lý lịch" của đàn chim, anh Cường cho biết: "Đàn chim sẻ có mặt tại đây từ năm 1990. Lúc ấy chúng do một bác chụp ảnh dạo mà anh em tôi quen gọi là bác Ba chăm sóc. Sau này bác Ba mất thì có anh phó nhòm chụp chung tổ với bác Ba tên Vũ Khắc Điệp đảm đương trọng trách. Đến năm 2003, anh Điệp chuyển nghề thì tôi lao vào. Đàn sẻ hiện có trên 600 con, hơn gấp 20 lần nhưng ngày đầu chúng được bác Ba nuôi dưỡng".

Nói về đàn chim câu, giọng anh trìu mến đến lạ: "Hồi rộ lên cái vụ dịch H5N1 nhà nhà buộc phải tiêu hủy gia cầm, chim câu, chim cảnh, không nỡ nhìn những con vật lông vũ bị thiêu tro, một số người đã lén thả chúng. Khi cơn địa chấn qua đi, vào một buổi sáng giữa năm 2004 tôi ra cho đàn sẻ dùng điểm tâm thì đàn chim câu khoảng ngoài 20 con từ trên nóc bưu điện sà xuống ăn chực. Thấy chúng lông cánh xác xơ nên tôi thương quá, cho ăn luôn. Hôm sau và hôm sau nữa đám này tiếp tục sà xuống ăn chực, lúc ấy tôi mới bừng lên suy nghĩ, tại sao mình không gây dựng bầy chim câu thành một đàn đông đúc. Qua xem báo và tivi, tôi thấy nhiều quốc gia mạnh về du lịch như Pháp, Thái Lan, Campuchia… đều có những đàn chim hòa bình đông đúc rất thu hút khách, vậy sao Việt Nam mình lại không? Từ những suy nghĩ ấy mà tôi chú tâm dưỡng đàn chim này. Nhờ vậy mà chúng tăng quân số, hiện có hơn 200 con đấy!".

"Từ tập tính sống ấy, tôi phát hiện chim chời cũng có trí khôn. Vùng đất lành chúng sẽ cư ngụ, nơi đất dữ là chúng sải cánh bay ngay" - anh Cường, chia sẻ: "Với đàn chim sẻ, tôi học từ chúng tính cẩn trọng, ý thức đề cao cảnh giác. Với đàn chim câu, tôi học từ chúng lối sống hiền từ, biết yêu thương nhường nhịn. Bằng chứng là khi tôi cho ăn chúng không có kiểu tranh giành, xô đẩy. Đến mùa giao phối, rất hiếm khi thấy các  con đực vì tranh giành con cái mà đấu đá chí chóe như các loài khác. Tôi cũng học được bài học lớn từ 2 loài chim câu - chim sẻ về sự tôn trọng lãnh thổ, chủ quyền. Khi tôi cho ăn, đàn chim câu không bao giờ tràn sang khu vực của đàn chim sẻ và ngược lại".

Nguyễn Thành Dũng
.
.
.