Hà Nội đầu tư vài chục nghìn tỷ đồng cho thoát nước:

Người dân nhiều nơi vẫn phải lo lắng (!)

Thứ Ba, 06/05/2014, 17:43
Cơn mưa đầu mùa tại Hà Nội đã cuốn trôi đi nhiều lời hứa về một Thủ đô không bì bõm sau khi ngân sách đã “thả” và đây hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhiều người dân bắt đầu nghi ngờ về lời hứa năm 2015, Hà Nội sẽ hết ngập…

Cơn mưa cuối tháng 4/2014 lại khiến nhiều nơi trong Thủ đô ngập nước. Đến khoảng 9h ngày 27/4, tuyến phố Trần Bình, Nguyễn Xiển… nhiều đoạn nước vẫn còn ngập đến đầu gối người lớn. Đặc biệt, đoạn đầu phố Trần Bình dài khoảng 500m (từ điểm nối với đường Hồ Tùng Mậu đến gần bến xe Mỹ Đình) biến thành sông cả ngày 27/4. Còn tại một số trường ở khu vực Mai Dịch như Đại học Thương mại, Đại học Sân khấu điện ảnh thì đến giữa trưa chìm trong “biển nước”. Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, lượng mưa đo được từ 23h ngày 26/4 đến 8h30’ ngày 27/4 tại Vân Hồ là 106mm, Thanh Liệt 165mm, Trung tâm Hội nghị quốc gia 126mm, Hồ Tây 95,5mm, Đông Anh 92mm...

Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, năm 2013, với những trận mưa cường độ gần 100mm trở lên, Hà Nội vẫn còn xuất hiện khoảng 21 khu vực úng ngập, trong đó có những khu vực mới phát sinh như Nguyễn Xiển, Phạm Văn Đồng, Lĩnh Nam… Năm 2014, Công ty đã tiếp nhận các dự án, công trình đầu tư, cải tạo cùng với việc duy tu, duy trì hệ thống thoát nước nên giảm được 10 điểm úng ngập tại khu vực các đường Nguyễn Xiển, Lê Trọng Tấn, Trương Định, Lĩnh Nam, Nguyễn Lương Bằng, Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, Hàng Chuối - Phạm Đình Hồ, Tôn Đản - Lê Lai… Các khu vực khác thời gian tiêu thoát cũng nhanh hơn.

Hà Nội vẫn chưa thể thoát ngập. Ảnh: Việt Đức.

Thế tại sao trong trận mưa đêm 26/4, khu vực Nguyễn Xiển cũng ngập cục bộ? Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội giải thích, đường Nguyễn Xiển và một số vị trí khác Phạm Văn Đồng, nút Mai Dịch, phố Thanh Đàm là do đang được xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đô thị hóa hoặc không có hệ thống thoát nước. Còn các vị trí khác ở phố Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy), phố Vĩnh Tuy, phố Liễu Giai, Đội Cấn, Trần Bình, Phan Văn Trường, ngã ba Quan Nhân - Vũ Trọng Phụng… xảy ra úng ngập do ảnh hưởng của việc đang triển khai thi công các công trình trên mương Cống Vị, mương Vĩnh Tuy, mương Đõ, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trên sông Tô Lịch.

Thêm nữa, theo đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, do thành phố mở rộng, các công trình hạ tầng kỹ thuật tiếp tục được xây dựng nên tình trạng úng ngập phát sinh mới chủ yếu tại các khu vực vành đai, các khu vực đang thi công dở dang hoặc chuẩn bị đầu tư dự án như đường Phạm Văn Đồng, đường 70, lưu vực sông Nhuệ, khu vực Tây Hồ Tây, chân cầu Vĩnh Tuy, Thanh Đàm, Vĩnh Hưng…

Trong khi đó, việc thi công dự án xây dựng, cải tạo hệ thống cống thoát nước ngầm của cả khu vực nội thành Hà Nội (dự án tổng mức đầu tư khoảng 400 tỉ đồng, thi công tại 44 tuyến phố của 7 quận, với tổng chiều dài là 21.160m cống các loại. Dự án này phải thành toàn bộ vào cuối quý II năm 2014) lại đang được tiến hành một cách cẩu thả, vá víu, tạm bợ. Nhiều người dân sinh sống tại 44 tuyến phố của 7 quận đang hết sức bức xúc với cung cách thi công theo kiểu “đào đường lên rồi lấp vội vã”. Liệu những công trình này có phát huy tác dụng thoát nước khi mùa mưa tới?

Nhìn tổng thể, dù có nhiều quy hoạch, kế hoạch, dự án nhưng Hà Nội chưa có cái nhìn tổng thể về công tác thoát nước cho Thủ đô hay nôm na là chống ngập. Thêm nữa, một nguyên nhân khác là hàng loạt ao hồ điều hòa khi trời mưa đã “biến mất” cùng với quá trình đô thị hóa, cùng với sự xuất hiện của nhiều khu đô thị mới. Tuy nhiên, tại các khu đô thị mới, hệ thống thoát nước thường bị cả chủ đầu tư lẫn cơ quan chức năng “bỏ quên”. Do vậy, lời hứa “thoát khỏi ngập úng vào năm 2015” của lãnh đạo UBND TP với cử tri có lẽ sẽ vẫn chỉ là lời hứa, ít nhất là đối với những khu vực ven các quận nội thành của Hà Nội. Và người dân vẫn có cái để lo khi mùa mưa đã gần kề.

Mục tiêu của Kế hoạch phát triển hạ tầng thoát nước đô thị giai đoạn 2011-2015: Giải quyết cơ bản tình trạng úng ngập do nước mưa khu vực nội thành; giảm thời gian, mức độ úng ngập tại các quận mới, như quận Hà Đông, quận Long Biên, thị xã Sơn Tây, các khu đô thị mới phía Tây thành phố. Đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, cải tạo hồ nội thành phục vụ mục đích điều hòa nước mưa, tạo cảnh quan, cải thiện môi trường nước, nâng cao sức khỏe và đời sống nhân dân Thủ đô; xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật nói chung và hệ thống thoát nước nói riêng theo từng trục đường giao thông được xây dựng.

Chi Linh
.
.
.