Người dân kêu trời vì điện chập chờn như... đom đóm

Thứ Bảy, 26/04/2014, 10:04
Theo phản ánh của nhiều hộ dân ở xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), nhiều tháng qua, tình hình điện ở địa phương rất thất thường, khiến cho cuộc sống, sinh hoạt cũng như sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn, thiệt hại rất lớn nhưng ngành Điện vẫn chưa giải quyết, khắc phục cho bà con.

Ông Nguyễn Quốc Nhặt (ngụ ấp Hòa Tân, xã Hòa Tú 1) cho biết: Đã hơn 1 năm nay, điện bị cúp liên tục. Bình quân mỗi ngày bị cúp ít nhất cũng vài chục lần. Thậm chí, 3 - 5 phút bị cúp một lần, cúp cả ngày lẫn đêm. Có nhiều ngày bị cúp điện suốt cả ngày. Việc cúp điện liên tục đã gây khó khăn, thiệt hại rất lớn cho bà con trong sinh hoạt, trong sản xuất, kinh doanh. Học sinh học bài phải dùng đèn dầu; điện chập chờn hay bị cúp liên tục cũng làm hư hỏng nhiều thiết bị điện như tivi, tủ lạnh, máy tính…

Riêng với người nuôi tôm, không có điện thiệt hại không thể nào tính được. Ông Nhặt cho biết: “Gia đình tôi nuôi 1 ao tôm khoảng 4.000m2. Để đảm bảo cho tôm phát triển tốt phải có quạt tạo khí. Mỗi ao ít nhất phải có 2 dàn quạt. Nếu điện ổn định chì chỉ cần mua 2 chiếc mô-tơ là đủ. Nhưng do điện cúp liên tục, thường xuyên nên tôi phải mua máy nổ chạy dầu. Mỗi máy như vậy, ít nhất cũng phải 5 triệu đồng. Chạy một ngày, mỗi máy hết khoảng 8 lít dầu, tính giá hiện nay là 23.000đ/lít thì mỗi ngày chạy máy cũng hết 184.000 đồng. Như vậy, 2 máy nổ mỗi ngày tôi phải chi ra khoảng 360.000 đồng tiền mua dầu, so với dùng điện thì chi phí cao hơn rất nhiều”.

Không có điện, người dân xã Hòa Tú 1 phải mua máy dầu để chạy quạt tạo khí ao tôm.

Theo bà con nuôi tôm, do cần điện nuôi tôm nên một số hộ có vốn đã bỏ tiền mua bình hạ thế riêng cho gia đình nên điện của các hộ này không bị cúp như của bà con. Nhưng không phải người dân nào cũng có điều kiện hạ thế riêng vì chi phí quá cao. Theo ông Nhặt, cán bộ điện lực cho biết muốn có bình hạ thế riêng thì phải đầu tư trên 100 triệu đồng, trong đó bình hạ thế khoảng 30 triệu đồng, còn lại là cột điện, dây điện và công cán thợ lắp bình. Với giá này, người nông dân không thể nào đầu tư được. Vả lại, theo nhiều người hiểu biết về ngành Điện, chi phí như vậy là quá cao so với thực tế chỉ khoảng 70 triệu đồng. Trong khi đó, bình hạ thế của ngành Điện do có nhiều hộ cùng sử dụng nên luôn bị cúp vì quá tải. Theo lý giải của bà con, trước đây ít bị cúp điện vì ngành Điện dùng CP (thiết bị như cầu dao điện) ở cột hạ thế loại công suất cao, nhưng sau đó thay bằng CP loại công suất nhỏ nên nếu bà con sử dụng nhiều thì CP tự động cúp điện.

Cũng do sử dụng điện chạy quạt nuôi tôm nhiều nên xảy ra tình trạng quá tải, do vậy ngành Điện không cho bà con kéo điện chạy quạt mà chỉ cho sử dụng trong sinh hoạt bằng cách điện lực thay cầu chì loại nhỏ, ai dùng điện chạy quạt thì cầu chì bị đứt ngay. Ông Nguyễn Đoàn (61 tuổi) bức xúc: “Ngành Điện quá quan liêu. Điện đóm chập chờn gây thiệt hại cho bà con đủ thứ nhưng kêu mãi mà họ không khắc phục. Để có điện chạy quạt nuôi tôm, nhiều hộ dân phải chấp nhận mua điện của các hộ có bình hạ thế riêng với giá từ 3.000-3.500/kW điện, cao gấp đôi so với giá của ngành Điện nhưng vẫn phải mua vì dù sao cũng còn rẻ hơn là chạy máy dầu”.

Theo ông Trương Hoàng Khai, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tú 1: Xã Hòa Tú 1 nuôi tôm vẫn là kinh tế chủ lực của phần lớn hộ dân ở đây. Toàn xã có trên 2.000 hộ nuôi tôm nên nhu cầu sử dụng điện rất cao. Thế nhưng điện luôn bị cúp khiến cho sinh hoạt, sản xuất của bà con bị ảnh hưởng nhiều. Một thực trạng buồn là dù người dân đã vào điện, ở ngay dưới đường dây điện nhưng nhiều hộ dân vẫn phải mua điện của những hộ có bình hạ thế riêng. Chúng tôi cũng nhiều lần đề nghị với ngành Điện nhưng chưa được giải quyết”

V.Đức – X.C.
.
.
.