Người dân hiến kế giải bài toán giao thông

Thứ Sáu, 27/04/2012, 03:20
Dù hiến kế cho giao thông trên trời (đường hàng không) hay dưới đất (đường bộ), những người tham gia giải bài toán giao thông đều có chung mục đích, đảm bảo giao thông thông thoáng và hạn chế đóng góp của người dân. Điển hình phải kể đến giải pháp “đường bay vàng”, “kỹ sư giao thông ra đường”, “5 x 5” hay mới đây nhất là 6 biện pháp không cần tăng thu phí...
>> Thu phí phương tiện GT cá nhân: Người dân cần được chia sẻ

Rút ngắn đường bay, giảm Cảnh sát ngoài đường

“Đường bay vàng” là ý tưởng của cựu phi công Mai Trọng Tuấn. Đường bay rút ngắn 200km chặng Hà Nội – Tp Hồ Chí Minh so với lộ trình đang thực hiện. Kỹ sư Trần Đình Bá, một chuyên gia kinh tế về giao thông là người ủng hộ nhiệt tình giải pháp này. Ông Bá còn đưa ra con số 45 triệu USD thu về mỗi năm khi đưa vào áp dụng. Còn thời gian bay mỗi chuyến sẽ rút ngắn 20 phút.

Hiện nay, giải pháp đường bay theo trục đường thẳng của kinh độ 106, xuyên qua 3 nước Đông Dương từ Hà Nội – TP Hồ Chí Minh đến nay chưa được áp dụng. Tuy nhiên, những người đưa ra và ủng hộ ý tưởng “đường bay vàng” vẫn tin tưởng, nó có tính khả thi sau khi được hàng loạt cơ quan liên quan phản biện, nghiên cứu. Điều này cho thấy, lợi ích tiết kiệm mấy trăm triệu USD mỗi năm có sức hút không nhỏ đối với các chuyên gia giao thông, hàng không dân dụng. Nó cũng thể hiện việc tiết giảm chi phí luôn là mối quan tâm của cả người quản lý, kinh doanh lẫn khách hàng.

Ngoài CSGT, Thanh tra giao thông cũng tham gia điều hành giao thông ở Hà Nội để chống ùn tắc.

Sự kiện Viện Khoa học Công nghệ giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) “tung” kỹ sư ra... đứng đường được xem là việc làm mang tính thực tiễn cao. Sau một thời gian điều hành giao thông trên đường Láng, con đường có chiều dài và mật độ phương tiện lớn, các kỹ sư đã “bắt bệnh” ùn tắc giao thông ở Thủ đô. Sau khi “bắt bệnh”, họ cũng bạo dạn “kê đơn”. Theo Tiến sỹ Doãn Minh Tâm, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ giao thông thì việc điều chỉnh, mở rộng các nút giao thông, các điểm quay đầu là việc làm cần thiết để dòng xe lưu thông tốt hơn.

Qua khảo sát, ông cũng đánh giá khả quan về ý thức của người tham gia giao thông, cơ sở hạ tầng. Đây là tín hiệu khả thi bởi chúng ta không mất quá nhiều tiền bạc, thời gian để xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Nó cũng cho thấy, cách làm này không tốn kém là mấy và người dân cũng không phải trả thêm phí để được tham gia giao thông. Điều đáng nói là với cách làm này, sẽ bớt sức người. Nó cũng khắc phục được thực tế đáng buồn là phải bố trí CSGT điều hành giao thông ngay ở trụ đèn xanh, đèn đỏ.

Và những giải pháp không tốn tiền khác

Mới đây, 6 giải pháp của ông Nguyễn Trường Sơn, sống tại Hà Nội, về việc giảm ùn tắc giao thông không cần thu thêm phí cũng thu hút sự quan tâm của dư luận. Cả 6 giải pháp ông Sơn đưa ra đều không mới song lại không thể phủ nhận, nếu được thực hiện đồng bộ thì có hiệu quả và chẳng tốn kém gì.

Đó là: Giải quyết vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; không để các trường học bám mặt đường; khi xây dựng các tòa nhà cao ốc bắt buộc phải xây dựng điểm đỗ xe; điều chỉnh hoạt động của xe bus; cấm xe cỡ lớn, tải trọng lớn hoạt đông trong giờ cao điểm; nâng mức xử phạt đối với người vi phạm giao thông. Nhìn một cách tổng thể thì thấy các giải pháp này đều được nhắc đến rất nhiều lần trong các hội nghị đảm bảo trật tự giao thông ở Thủ đô.

Ví dụ như việc giải quyết vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Ai cũng biết rằng, lòng đường dành cho lưu thông, vỉa hè dành cho người đi bộ. Thế nhưng ở Hà Nội, vỉa hè bị lấn chiếm thành nơi buôn bán, bị giăng dây để trông xe. Lòng đường nhiều đoạn được kẻ vạch để đỗ ôtô, trông giữ xe máy. Chưa nói đến việc lấn chiếm trái phép, thành phố còn cấp phép cho việc sử dụng vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe. Điển hình như quận Hoàn Kiếm, mô hình “khoán quản” đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh ngay trên hạ tầng giao thông và không loại trừ họ còn lấn chiếm để tăng diện tích... kiếm tiền. Nếu như trả lại lòng đường cho lưu thông, trả vỉa hè cho người đi bộ, xem như nạn ùn tắc đã giảm một nửa.

Đối với giải pháp bắt buộc đối với các chủ đầu tư các tòa nhà cao ốc phải xây dựng các điểm đỗ xe thì rõ ràng là cách để giải quyết tình trạng thiếu điểm đỗ hiện nay. Nếu như các tòa nhà tự bố trí được điểm đỗ xe thì chẳng còn chuyện xe cộ đỗ tràn lan ở ngoài đường như hiện nay.

Tiến sỹ Doãn Minh Tâm, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ giao thông cho rằng, xây dựng bãi đỗ xe là yêu cầu bắt buộc khi phê duyệt phương án kiến trúc cho các nhà cao tầng. Việc làm này đối với cơ quan quản lý là không khó... Các giải pháp mà ông Sơn đưa ra đều không mới mẻ, không khó thực hiện và cũng chẳng tốn kém là mấy. Nếu được thực hiện đồng bộ, vấn nạn ùn tắc giao thông, thiếu điểm đỗ xe sẽ được giải quyết về cơ bản. Thế nhưng...

UBND TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mới đây cũng nhận được hiến kế của ông Mai Trọng Tuấn về việc điều chỉnh hoạt động giao thông trong lĩnh vực đường bộ. Đó là kế 5x5. Nghĩa là cấm ôtô 5 ngày trong tuần, 5 giờ trong ngày... Cái lý ông Tuấn đưa ra là ôtô chiếm quá nhiều diện tích lưu thông, điểm đỗ. Nếu hạn chế lưu thông của ôtô, 95% người sử dụng phương tiện giao thông là xe máy sẽ tránh được nạn ùn tắc...

Tham gia hiến kế giải bài toán giao thông với những giải pháp không cần phải đụng đến túi tiền của người dân và được đông đảo dư luận quan tâm. Nó cũng thể hiện rõ ý thức trách nhiệm của những người hiến kế đối với xã hội. Đồng thời, nó cũng thể hiện sự sát sao với đời sống. Thiết nghĩ, các cơ quan chuyên môn, đại diện chính quyền các tỉnh, thành phố “nóng” về giao thông nên xem xét, nghiên cứu và nếu tính khả thi cao thì đưa vào áp dụng trong thực tiễn

Cao Hồng
.
.
.