Từ 2 ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên tại Hải Phòng:

Người dân chủ quan, coi thường dịch bệnh

Thứ Hai, 27/07/2009, 08:45

Bác sĩ Phan Trọng Khánh, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng vừa cho biết: tại thành phố này đã chính thức có 2 trường hợp cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm A/H1N1. Đó là người bệnh P.T.T.T., 22 tuổi, và  ông P.V.T. (bố đẻ của người bệnh) ở tại số 107/292, phường Kênh Dương (quận Lê Chân).

Nguồn gốc phát dịch có yếu tố nước ngoài

Ngày 18/7, chị P.T.T.T. cùng con gái, 2 tuổi từ Canada về Hải Phòng thăm gia đình. 3 ngày sau,  thấy có biểu hiện ho và sốt, chị đã đến khám tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp). Ông P.V.T. cũng đến bệnh viện túc trực chăm sóc con gái. Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy, cả chị T lẫn bố đẻ đều dương tính với virus cúm A/H1N1. Ngoài ra, thời gian về thăm gia đình, chị T. còn tiếp xúc với mẹ, em trai và một số người khác.

Đến ngày 23/7, bà N.T.N. (mẹ đẻ của người bệnh) cũng có biểu hiện ho, sốt, đau họng được các bác sĩ tư vấn đến khám tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp).

Như vậy, đây là lần đầu tiên Hải Phòng xuất hiện ổ dịch cúmH1N1. Ngay khi xác định tiếp nhận thông tin trên, Trung tâm y tế dự phòng quận Lê Chân tiến hành xử lý ổ dịch và lấy danh sách những người từng tiếp xúc với người bệnh. Cán bộ trung tâm y tế dự phòng phát khẩu trang, tư vấn và khuyến cáo những trường hợp từng tiếp xúc với người bệnh thực hiện tự cách ly, hạn chế việc tiếp xúc và đi ra ngoài cộng đồng.

Phát khẩu trang cho hành khách khi vừa xuống máy bay nhập cảnh qua cửa khẩu Nội Bài.

Bộ máy phòng, chống dịch đã..."khởi động"

Theo Sở Y tế Hải Phòng, khi đã xác định ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên trên địa bàn, ngành đã khuyến cáo người dân không vì thế mà tỏ ra quá hoang mang, lo sợ. Thay vào đó, hãy tự biết cách chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ bản thân không để trở thành tác nhân lây nhiễm dịch. Cách thức phòng dịch tốt nhất là thực hiện theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, súc miệng bằng nước sát khuẩn, đeo khẩu trang nơi đông người, làm thông thoáng nơi ở, sinh hoạt; hạn chế sử dụng điều hòa…

Cũng từ đây, UBND thành phố ra ngay văn bản chỉ đạo Sở Y tế và các quận, huyện tăng cường biện pháp phòng, chống dịch cúm A/H1N1 với những nội dung cụ thể.

Theo đó, yêu cầu Sở Y tế phối hợp với các ngành và địa phương triển khai nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm A/H1N1. Cung cấp và định hướng công tác thông tin; tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thành phố tuyên truyền, phổ biến rộng rãi khuyến cáo của ngành Y tế để mọi người biết và tự giác thực hiện những biện pháp phòng dịch, không để người dân hoang mang, lo lắng.

Ngành Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Y tế, giám sát chặt chẽ những trường hợp đến từ vùng dịch hoặc tiếp xúc với người bệnh; tổ chức xử lý ổ dịch theo đúng quy trình, cách ly và điều trị kịp thời người bệnh; khống chế không để dịch lây lan, không xảy ra tử vong; chủ động chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất và dụng cụ, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất trong trường hợp dịch bùng phát.

Người dân quá chủ quan, coi thường dịch bệnh

Theo ghi nhận của chúng tôi, trước khi xác nhận có 2 trường hợp đầu tiên trên địa bàn bị dịch cúm A/H1N1, hầu như không mấy ai quan tâm đến công tác phòng tránh, dù là theo cách thức đơn giản như khuyến cáo của Bộ Y tế. Ngay cả khi thông tin Hải Phòng có dịch được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mọi sinh hoạt hàng ngày, thói quen ăn uống, giao tiếp vẫn không có gì thay đổi. Nghĩa là vẫn thoải mái, tự nhiên như không xảy ra chuyện gì.

Qua khảo sát, tâm lý chung của người dân Hải Phòng chia thành 3 nhóm. Đặc biệt, trước câu hỏi câu hỏi chung: "Làm gì khi phát hiện cơ thể có dấu hiệu nhiễm dịch"? Cả 3 nhóm đều tỏ ra rất ái ngại phải đến bệnh viện để được tư vấn, điều trị. Nguyên nhân: Họ rất sợ trở thành mục tiêu "đặc biệt chú ý" của báo chí truyền thông, sợ bị quay phim, chụp ảnh đưa lên đài, báo, sợ bị cách ly, bị cộng đồng xa lánh...(!?)

Có thể coi đây là trở ngại lớn nhất, quan trọng nhất khiến ý thức tự giác của người dân chưa được đề cao. Do đó, chính quyền, các cấp các ngành và cả các cơ quan truyền thông bên cạnh việc tăng cường biện pháp, hình thức tuyên truyền, hướng dẫn, sao cho tâm lý người dân từ chỗ xem thường không chuyển sang hoang mang lo sợ mà chủ động, tích cực hợp tác với cơ quan chức năng thực hiện tốt các thao tác phòng, chống dịch

Lê Minh Triết
.
.
.