Người đàn bà vượt qua số phận

Thứ Tư, 30/01/2008, 15:55
Gặp chị Nguyễn Thị Dung vào một buổi chiều cuối tuần ở shop ảnh Kỹ thuật số 190 Lò Đúc (Hà Nội), tôi dễ dàng bị cuốn hút bởi khuôn mặt và cách nói chuyện còn lưu lại rất nhiều nét duyên dáng của người đàn bà đã bước qua tuổi 50 này. Tạm quên đi những khó khăn, thiệt thòi về đôi chân khuyết tật của mình, chị Dung say sưa tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề và những ước mơ cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Khi 7 tháng tuổi, chị Dung bị dịch bại liệt làm teo tay phải và chân trái. Mặc dù gia đình đã rất cố gắng đưa chị đi chữa trị nhưng rồi cuối cùng đôi chân chị vẫn không thể lành lặn được. Ngày xưa đất rộng, có sẵn ao chuôm, ông bà nuôi sống cả gia đình mười khẩu ăn bằng nghề buôn cá giống từ Hà Nội lên các tỉnh vùng cao Tây Bắc.

Nỗ lực để “tàn nhưng không phế”

Vì phải chịu thiệt thòi nhất trong 8 người con nên chị Dung được bố mẹ thương, ưu tiên không bắt làm các công việc nặng nhọc. Nhờ đó chị là người con duy nhất trong gia đình theo học được hết cấp 3.

Bố mẹ chị cũng khuyến khích các con đi học nhưng vì công việc buôn bán mưu sinh của gia đình luôn tất bật nên các anh em chị cũng đều bỏ học từ sớm để làm kinh tế gia đình.

Thi trượt Đại học, chị Dung đi học nghề may. Làm thợ may mấy năm thì chị lên Điện Biên bán hàng cho gia đình ở trên ấy. Những lúc rảnh rỗi, chị thường cắt quần áo giúp cho mọi người. Ở khu vực chị sinh sống thời ấy chẳng ai có máy khâu nên họ toàn nhờ chị cắt để về tự khâu tay.

Vì chị không lấy tiền công nên mọi người thường trả ơn bằng hoa quả hái ở vườn nhà. “Tôi làm công việc buôn bán cũng có tiền rồi nên những việc như cắt may làm được thì giúp bà con thôi. Lúc nào trên bàn, trên giường nhà tôi cũng chất đầy cam, chuối của mọi người mang đến”.

Ở Điện Biên 3 năm, chị Dung lại trở về Hà Nội mở một cửa hàng cắt may nhỏ ở ngõ Tự Do trên đường Đại La. Trước thì may hàng chợ, sau thì làm may đo. Cũng có thời gian chị tham gia phân xưởng May ở Xí nghiệp sản xuất 202 của những người khuyết tật. Đến khi công việc không được thoải mái, chị lại về kết hợp, chung vốn với bạn bè, họ hàng để làm ăn.

Nhưng rồi chuyện tiền bạc nhạy cảm, dễ làm tổn hại đến tình cảm nên chị quyết định mở cửa hiệu may riêng. Về sau, vì điều kiện không đi lại, cập nhật được các thông tin mới về mode, về thị hiếu của khách hàng nên chị cho thuê cửa hiệu rồi theo cô em gái đi làm ảnh.

Chị Dung đang chụp ảnh cho khách.

Lần đầu tiên cầm máy chụp ảnh cũng không khác gì lần đầu tiên chị cầm kéo học cắt may. Tất cả lại phải nỗ lực từ đầu. Học ngắm nhân vật qua ống kính, học lấy nét, căn độ sâu của ảnh, cúp hình...

Dần dần đâm say mê, cứ có thời gian là chị lại đi lang thang ngoài phố chụp những tấm ảnh lưu lại những khoảnh khắc yêu thích. Ngoài chụp ảnh, nhận chỉnh sửa ảnh ra, chị còn bán thêm phim ảnh, pin và các phụ kiện dành cho nghề ảnh.

Chị Dung là người trực tiếp cầm máy ảnh chụp sau đó thuê một người chuyên chỉnh sửa ảnh bằng photoshop, mang phim đến phòng rửa và trả ảnh cho khách hàng. Thu nhập ổn định hàng tháng bây giờ cũng được ngót nghét chục triệu đồng.

Lận đận tình đời

Ngày nhỏ thơ ngây, chị không biết buồn nhưng khi đã đến tuổi trưởng thành, chị Dung luôn ý thức được sự thiếu may mắn của mình. Giống như nhiều người khuyết tật khác, chị không tránh khỏi cảm giác tự ti, mặc cảm khi bị thiên hạ nhìn với một con mắt thiếu cảm thông, chia sẻ. Bước vào nơi nào chỉ có riêng mình là người khuyết tật, chị luôn cảm thấy mọi con mắt đều đổ dồn lại làm cho đôi chân vốn đã chẳng vững vàng lại càng chới với hơn.

Dẫu vậy, trái tim chị cũng bắt đầu rung lên khi gặp một chàng sinh viên Hà Nội. “Anh ta ở nhờ nhà anh chị trên Hà Nội để ăn học. Tôi yêu và rất khâm phục anh vì anh dám bất chấp dư luận xã hội, bạn bè, người thân, gia đình để đến với tôi. Thời gian đó anh đang mắc lỗi bị nhà trường kỷ luật, tôi đã phải động viên rất nhiều để anh tiếp tục học nốt năm cuối.

Nhưng rồi đến khi chuẩn bị ra trường, anh ta lại bảo với tôi là bị phân công công tác ở trong Đồng Nai. Anh ta đã không còn đủ nghị lực để yêu tôi và cũng không có đủ can đảm để nói thẳng chuyện đó với tôi. Lúc ấy tôi cứ tưởng là anh ta nói thật. Tôi còn tổ chức một buổi liên hoan nho nhỏ để chia tay.

Mãi đến 9h tối anh ta mới đến, đi cùng một cô gái và giới thiệu là người cùng được phân công vào Đồng Nai công tác. Lúc ngồi nói chuyện tôi thấy cô gái đó không được tự nhiên cho lắm mà cứ cúi gằm mặt xuống. Đến khi ra về, cô gái đó nói với tôi một câu: “Sau này nếu có chuyện gì xảy ra thì em rất cảm ơn chị!”. Tôi nghe mà không hiểu chuyện gì.

Mấy ngày sau, tôi lên trên nhà anh ta chơi, khi tôi nhìn qua cửa sổ thấy người yêu mình và cô gái hôm trước đang ôm nhau, thế là tôi quay về luôn. Tìm hiểu ra tôi biết được cô gái đó là đồng nghiệp của chị dâu anh ta ở xí nghiệp Dệt kim. Nhà tôi lúc đó dù không phải quá lo lắng đến miếng cơm manh áo nhưng vẫn ở nhà tranh vách đất. Còn cô gái kia thì có ngôi nhà gạch, lại không bị tật nguyền nên có ưu thế hơn tôi.

Khi bị mất niềm tin và biết mình bị lừa dối, tôi đã đau khổ đến kiệt cùng. Sau đó, anh ta còn gửi tặng tôi tập truyện ngắn có tên “Giăng thề” kê về một người khuyết tật đáng thương với cuộc sống con cái nheo nhóc.

Không thể chịu đựng được sự ám ảnh của những việc vừa qua, tôi quyết định lên Điện Biên bán hàng cho gia đình mấy năm. Phải hơn một năm trời sau, tôi mới nguôi ngoai được nỗi đau quá lớn ấy. Cũng thời điểm đó thì anh ta cưới cô gái kia làm vợ”.

Ở Điện Biên, chị quen một anh chàng cũng khuyết tật như mình. Chị cứ nghĩ “đồng bệnh tương lân”, người ta sẽ đồng cảm và thương yêu mình thật lòng hơn. Nhưng rồi mọi chuyện cũng chẳng đi đến đâu và từ đấy đến nay chị không còn nghĩ đến chuyện lập gia đình nữa.

Truyền nghị lực và niềm tin cho những người đồng cảnh

Từ năm 2004, chị Dung bắt đầu tham gia hội những người tàn tật. Hiện chị là  Trưởng nhóm người khuyết tật “Bạn và Tôi”, phó chủ nhiệm CLB phụ nữ khuyết tật TP Hà Nội.

Từ khi nhóm “Bạn và Tôi” không còn nhận được tiền tài trợ từ Hội những cựu chiến binh Mỹ nữa thì chị Dung và những thành viên của nhóm đã phải bỏ tiền túi để tự tổ chức sinh hoạt với nhau. Mỗi chuyến đi xa, mỗi cuộc giao lưu với các cơ sở người khuyết tật ở nhiều địa phương đã đem lại cho chị và những người đồng cảnh một niềm vui, niềm tin, một bản lĩnh để đứng vững trong cuộc sống.

Đi nhiều nơi, gặp nhiều người, chị Dung nhận ra rằng tuy nhìn lên mình chẳng bằng ai nhưng nhìn xuống lại thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều những người khuyết tật khác. Thấy bạn bè đồng cảnh ở những vùng cao, xa xôi hẻo lánh còn quá khó khăn, được ít tổ chức xã hội quan tâm, biết đến, nhóm “Bạn và Tôi” của chị đã tự nguyện đóng góp những món đồ hữu ích như xe lăn cũ để tặng lại cho những người còn khó khăn hơn.

Chị Dung và bạn bè đã tặng cho một nhóm người khuyết tật Lạng Sơn 3 chiếc xe lăn cũ. Trong đó một chiếc được trao tặng cho Tuấn. Một cậu bé khuyết tật từng phải ngồi trên chiếc xe lăn bằng gỗ cũ kỹ do em tự đóng bằng gỗ chắp vá để đi lại.

Sau sự việc đó, chị Dung nhận được một bức thư xúc động mà khi đọc xong chị không cầm được nước mắt.

Lá thư có đoạn viết: “Hôm nay có lẽ là ngày đáng nhớ nhất của cháu khi lần đầu tiên cháu được tặng quà. Chiếc xe lăn không còn mới lắm nhưng thật đẹp và bền, rất có ý nghĩa đối với cháu”.

Và người viết bài này tin rằng, nghĩa cử cao đẹp đó còn có ý nghĩa sâu sắc đối với tất cả những con người có một trái tim nhân ái trong cuộc sống hôm nay

Hải Châu
.
.
.