Người dân Quảng Trị tích cực chống hạn

Thứ Hai, 28/07/2008, 11:01
Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNN Quảng Trị, tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Trị có trên 5.000ha lúa hè thu bị ảnh hưởng do hạn hán.

Ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng phòng Thủy lợi, Sở NN&PTNT Quảng Trị cho biết, sau khi UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo Công ty Thủy điện Rào Quán sớm khắc phục sự cố máy móc, kịp xả nước cứu lúa bị hạn cho dân, ngày 25/7, công ty này đã cho xả nước hồ trên, tuy nhiên nước về rất yếu. Nếu trời không mưa cùng với lượng nước ở đầu mối Nam Thạch Hãn không đủ đáp ứng, phần lớn diện tích lúa ở vùng cuối nguồn của 2 huyện Triệu Phong, Hải Lăng sẽ có nguy cơ mất trắng.

Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị cho biết, Quảng Trị có gần 300 công trình thủy lợi vừa và nhỏ. Các công trình thủy lợi có vốn đầu tư lớn như công trình Khe Lau (huyện Đakrông), Trạm bơm Cam Lộ (huyện Cam Lộ)... nhưng hiệu quả thấp? Các công trình được đầu tư xây dựng mới, và các công trình cũ được nâng cấp sửa chữa cách đây vài năm, nhưng chỉ phát huy tác dụng vào mùa mưa lũ...

Ông Hoàng Văn Nguyên, Trưởng thôn Vĩnh Đại, xã Cam Hiếu (Cam Lộ) cho biết: "Hồ thủy lợi số bảy xây dựng ở thôn năm 1988, đến năm 2000 thì van xả, đóng nước bị hư. Từ đó đến nay, ngành chức năng của huyện, tỉnh có tới 5 lần sửa chữa, nhưng hiện tại nó vẫn bị hư. Vụ đông xuân vừa qua, nước cứ thế chảy lênh láng ra ngoài, đến vụ hè thu thì cạn trơ đáy. Vụ hè thu năm nay, thôn Vĩnh Đại làm 130 sào ruộng, hiện tại có 70% trong số đó bị hạn nặng. Bà con đi mót nước ở hố đào lấy đất làm gạch của Công ty cổ phần Gạch ngói Quảng Trị, nhưng chỉ chống cháy cho lúa trước mắt".

Ông Trần Đình Xảo, Phó Chủ tịch UBND xã Gio Mỹ (Gio Linh) cho biết: "Vụ hè thu năm nay cả xã làm 411ha, hiện tại có trên 30% trong số đó bị hạn nặng, có nguy cơ mất trắng. Xã nhiều lần kiến nghị Sở NN&PTNT tỉnh cho hưởng lợi công trình thuỷ lợi Xi Phong - Cam Phổ, dẫn nước từ hồ chứa Kinh Môn. Nhưng Sở trả lời, dung lượng nước ở hồ này không đáp ứng được".

"Thực tế công trình này đã bỏ hoang từ 4 năm nay. Người nông dân năm nào cũng phải cắm mặt trên đồng ruộng, tự chống cháy cho lúa bằng nguồn nước ít ỏi ở các hố bom, sông suối nhỏ", ông Xảo nói

Phan Thanh Bình
.
.
.