Người dân Lào Cai đón Tết muộn nhưng vui vì cứu được đàn trâu

Thứ Hai, 07/02/2011, 17:51
Nhiều hộ chăn nuôi đại gia súc vùng cao Lào Cai, như: Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương... chưa có Tết vì phải đưa trâu sơ tán xuống vùng thấp tránh rét. Mùng 3 Tết (tức 5/2), tiết trời vùng cao Lào Cai bắt đầu nắng ấm, những người chăn nuôi mới thở phào bởi thời tiết thuận lợi đang "cứu nguy" cho cây trồng, vật nuôi của họ.

Lùa đàn trâu 4 con từ dưới núi về bản, ông Châu A Giàng, dân tộc Mông ở thôn Chu Lìn I, xã Trung Chải, huyện Sa Pa gặp ai cũng vui vẻ: "Tết này ăn Tết muộn, nhưng vui, nhất là đàn trâu còn khoẻ mạnh".

Xã Trung Trải có gần 1.000 con trâu, bò. Năm 2008, xã này do chủ quan đã để trâu đổ bệnh và chết rét hàng trăm con, chiếm 20% trong tổng số trâu bị chết toàn huyện Sa Pa. Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay, qua theo dõi thời tiết rét đậm rét hại kéo dài, bà con được ngành chức năng khuyến cáo, chính quyền và các tổ chức đoàn thể hỗ trợ vải bạt chắn gió, tiêm thuốc và tăng cường thức ăn chống rét đã chủ động sơ tán trâu xuống vùng thấp và các khe núi tránh gió.

Chủ tịch xã Trung Chải ông Châu A Phò cho biết: "Trước Tết, Đảng uỷ và chính quyền đã đi thăm chúc Tết đồng bào rồi. Địa phương là xã 135, toàn xã có hơn 700 con trâu. Tìm cách bảo vệ đàn trâu trong mùa rét cho đồng bào, xã đã thống nhất cách làm là tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào đưa trâu đi tránh rét. Chủ trương của xã lúc đầu không nhận được sự đồng tình của người dân. Nhiều người cho rằng, bao đời nay con trâu vẫn thả rông, đưa trâu đi ra khỏi nhà thì phải có người chăn dắt, như thế rất mất thời gian, tiền của".

Giải quyết vấn đề này, xã đề ra phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm": Chính quyền hỗ trợ 5 kg cám trên 1 đầu trâu và 4m2 bạt nilon. Đồng thời, cùng với chính quyền xã Cốc San (huyện Bát Xát) quy hoạch khu lán trại nuôi trâu theo phương thức nuôi nhốt. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đồng bào ở các thôn Chu Lìn, Móng Sến, Lùng Sui… đồng loạt đưa trâu đi tránh rét. Đến nay, đàn trâu ở Trung Chải (Sa Pa) không chết nhiều như năm 2008. Thấy vậy, đồng bào phấn khởi tin tưởng vào chủ trương của xã".

Đợt rét đậm, rét hại đã chấm dứt, nắng xuân đã về cùng năm mới, tiết trời từ ngày 1 tháng Giêng đã ấm dần lên, nông dân Lào Cai không còn phải lo lắng nhiều về việc trâu, bò bị chết rét. Ở vùng thấp, từ mùng 3 Tết, các hộ nông dân đã mở cửa chuồng cho trâu, bò ra ngoài để hít thở khí trời và ăn cỏ. Khắp các ngả đường liên thôn, liên xã vùng cao với vùng thấp những ngày đầu năm này, ở đâu cũng dễ nhận thấy từng tốp người lùa những đàn trâu về bản chuẩn bị làm đất cho vụ Xuân tới. Nét mặt ai cũng phấn khởi vì đã bảo vệ được đàn trâu qua mùa rét.

Theo thống kê, từ đầu vụ rét 2011 đến nay toàn tỉnh có gần 3.000 con trâu, bò bị chết rét, bằng 20% số thiệt hại năm 2008, mặc dù mức độ rét đậm rét hại kéo dài và ác liệt hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do người chăn nuôi chưa ý thức đầy đủ mức độ nguy hiểm của thiên tai để đề phòng cho gia súc tránh rét

Lục Văn Toán
.
.
.