Người có uy tín ở Phú Yên: Tham gia xóa đói giảm nghèo, giữ bình yên buôn làng

Thứ Ba, 11/02/2014, 13:45
Nhiều năm qua, Phú Yên là địa phương có phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phát triển sâu rộng với nhiều mô hình, biện pháp sáng tạo, hiệu quả. Đặc biệt, nhờ phát huy được vai trò của người uy tín trong cộng đồng 31 dân tộc anh em đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự vùng đất miền duyên hải Nam Trung Bộ…

Giữ bình yên buôn làng

Tháng Giêng ngoài Bắc đang se sắt trong cái lạnh của gió mùa tràn về từ phương Bắc, nhưng ở thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), nắng vẫn vàng óng ả như rót mật. Tôi ngồi trò chuyện với Đại tá Lê Xuân An, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên khi ngoài cửa những bông mai vẫn đang hé nụ đua sắc. “Có lẽ không ở đâu có thành phần dân tộc lại đa dạng như tỉnh Phú Yên – Đại tá An bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng một nhận định như vậy. Nước Việt mình có 54 dân tộc thì riêng ở Phú Yên đã có tới 31 dân tộc. Bao đời nay, người Chăm, Êđê, Ba Na, Hrê, Hoa, Mnông, Raglai, Tày, Nùng, Sán Dìu, người Kinh đã chung lưng đấu cật, đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Dân số của Phú Yên hiện có hơn 862.000 người, sinh sống ở 7 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố trong đó có 3 huyện miền núi: Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khoảng gần 50.000 người, chiếm 28,6% dân số”.

Những năm gần đây, các huyện miền núi Phú Yên luôn được xác định là địa bàn quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng của tỉnh. Thượng tá Nguyễn Hữu Phỉ, Trưởng phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ cho biết “Hiện nay, ở Phú Yên đang có 246 người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS hoạt động tích cực, có nhiều đóng góp trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ”.

Từ năm 2008 đến nay, lực lượng Công an các cấp của tỉnh đã tiến hành tiếp xúc, tranh thủ cá biệt trên 700 lượt người có uy tín trong vùng DTTS, góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn tỉnh. Một số vụ việc tiêu biểu người có uy tín trực tiếp tham gia giải quyết ổn định, điển hình như: Ngày 13/4/2008, theo sự kích động của bọn FULRO lưu vong số đối tượng FULRO, “Tin lành Đêgar” trên địa bàn xã EaLâm, huyện Sông Hinh tụ tập trước cổng trụ sở UBND xã đã phá rối an ninh với các yêu sách: Đòi đất, đòi thả người vi phạm pháp luật bị tạm giữ trước đó...

Già làng buôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh trao đổi thông tin về an ninh trật tự với cán bộ Công an huyện Đồng Xuân (Phú Yên). Ảnh: CTV.

Trước tình hình trên, lực lượng Công an đã chủ động tiếp xúc, tranh thủ già làng Oi Mai, Mí He, Ma Hia, Ma Hon, Mí Dung, Mí Lít, Ma Sương… tích cực vận động giải thích cho số đối tượng trên không tiếp tục phá rối an ninh, phát động rộng rãi phong trào quần chúng tham gia giải quyết ổn định tình hình, không để các đối tượng đeo bám, gây mất ổn định ANTT. Nhờ có sự tham gia tích cực của già làng, người có uy tín trong buôn, vụ việc phức tạp trên đã được kịp thời giải quyết. 5 năm qua, người dân trong tỉnh đã cung cấp 7.905 nguồn tin về ANTT, giúp cho Công an đấu tranh làm rõ 6.953 vụ việc, xử lý 6.598 đối tượng phạm pháp. Đặc biệt, người dân trực tiếp và phối hợp hỗ trợ truy bắt, vận động đầu thú 554 đối tượng có lệnh truy nã và phạm tội đang lẩn trốn, thu hồi, giao nộp 1.180 vũ khí, vật liệu nổ…

Tham gia xóa đói giảm nghèo

Chúng tôi tìm đến nhà già làng La Chí Thái ở buôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân. Từ lâu, người đàn ông dân tộc Chăm này đã nổi tiếng không chỉ ở huyện Đồng Xuân mà cả tỉnh Phú Yên, ông có công lớn trong việc xây dựng buôn Xí Thoại trở thành buôn văn hoá đầu tiên của tỉnh Phú Yên. Buôn Xí Thoại là địa bàn sinh sống của bà con dân tộc Chăm, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, vất vả. Quyết không để cái đói cái nghèo mãi đeo đẳng, ông La Chí Thái đã tự mình đi học cách canh tác lúa nước, thâm canh cây màu, phát triển diện tích trồng mía để phát triển kinh tế hộ gia đình. Không chỉ vậy, với uy tín của mình, ông La Chí Thái còn vận động hàng chục gia đình trong buôn Xí Thoại mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thâm canh tăng vụ, phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ một thôn có hơn 70% đói nghèo, đến nay Xí Thoại đã vươn lên khá giả, số hộ giàu, hộ khá chiếm hơn 70%, cả thôn không còn hộ đói, chỉ có 5% hộ nghèo.

Ông Võ Trọng Nam, Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh, cho biết: “Xã Xuân Lãnh có 4/8 buôn, thôn (với gần 1.000 hộ/2.460 hộ) có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm qua, người có uy tín luôn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả cao, từ đó bà con trong thôn, buôn học tập làm theo”.

Biết chúng tôi từ Hà Nội vào, già làng Mí Dung ở xã EaLâm, huyện Sông Hinh đã mời mọi người trong đoàn đến gia đình ông dự bữa cơm thân mật. Vít cần rượu thơm hương trời đất, già làng Mí Dung cười vui bảo rằng “Tết vừa rồi EaLâm đã bình yên rồi. Người EaLâm tự hào đã và đang đuổi được cái đói, cái nghèo ra khỏi buôn làng”. Chúng tôi rời Phú Yên trong tiếng trầm bổng, réo rắt đến mê đắm lòng người âm thanh của đàn đá Tuy An – di sản đặc biệt của người Phú Yên và cảm nhận được sự yên bình, ấm áp của dải đất duyên hải Nam Trung Bộ này…

Ngọc Oanh
.
.
.