Người bệnh lao đao vì chưa được cấp thẻ BHYT

Thứ Năm, 03/03/2011, 15:45
Cho đến nay, đã bước vào tháng 3/2011, nhưng nhiều địa phương, đơn vị vẫn chưa được nhận thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của năm 2011, dù đúng ra, vào ngày 1/1/2011, họ đã được sử dụng. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho người bệnh...

Trả lời trên một tờ báo ra ngày 22/2, ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, khẳng định: "Các nhóm đối tượng chưa cấp xong gồm trẻ dưới 6 tuổi, học sinh, sinh viên, người dân tộc thiểu số" và giải thích lý do chậm trễ: "Với nhóm người nghèo, hiện vừa có chuẩn mới áp dụng từ năm 2011, trong khi danh sách cấp thẻ BHYT phải thực hiện từ tháng 11, 12/2010. Nhóm người dân tộc thiểu số vẫn còn bị lọt nhiều, vì nhiều hộ sống không ổn định, họ tên bị nhầm".

Nhưng thực tế, không hoàn toàn như vậy. Xin đơn cử: Là đơn vị đóng giữa Thủ đô Hà Nội, nhưng đến nay, khi quý I của năm sắp trôi qua, mà những người sử dụng thẻ BHYT ở Báo CAND vẫn chưa nhận được. Dĩ nhiên, các đối tượng có thẻ BHYT ở Báo không phải "là người dân tộc thiểu số" hay thuộc "nhóm người nghèo phải áp chuẩn mới", càng không phải ở vùng sâu, vùng xa hay "sống không ổn định". Chính vì sự chậm trễ này, nhiều người đã phải rất tốn kém khi đi khám, chữa bệnh, do phải chi trả 100%.

Trường hợp gia đình anh Nguyễn Phi Hùng là một ví dụ. Ngay những ngày đầu năm, mẹ anh (người được hưởng BHYT theo diện người thân sĩ quan trong LLVT) đã phải cấp cứu vì bệnh tim. Nhưng vì không có thẻ BHYT, gia đình đã phải chi gần trăm triệu để chữa bệnh, khiến hoàn cảnh đã khó khăn càng khó khăn. Cũng vì chưa có thẻ BHYT, mà lẽ ra, ca mổ tim của bà đã được tiến hành, đành phải hoãn lại để chờ thẻ BHYT.

Anh Hùng tâm sự: Việc phải lùi thời gian mổ do không có thẻ BHYT là một vấn đề thách thức với sức khỏe của mẹ tôi. Nhưng nếu mổ khi không có BHYT, thì với khoản chi sẽ lên tới hàng trăm triệu đồng nữa, gia đình cũng rất khó khăn.

Không chỉ anh Hùng, nhiều người ở Báo CAND cũng phải tự chi trả 100% khi đi khám và mua thuốc chữa bệnh, dù vẫn luôn nộp BHXH cũng như BHYT đầy đủ.

Nhiều người bệnh phải chi trả 100% viện phí vì việc chậm cấp thẻ BHYT.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi vào chiều 1/3, bà Nguyễn Lệ Dung, Phó Giám đốc BHXH quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) lại khẳng định, việc chậm cấp thẻ BHYT không thuộc về cơ quan BHXH. Bởi theo bà Dung, chỉ cần có đơn đặt hàng, danh sách và trả tiền đầy đủ, là sau 1 tuần, sẽ có thẻ BHYT. Thế nhưng, việc có đơn vị bị chậm cấp thẻ BHYT như Báo CAND, dù đã làm các thủ tục từ nhiều tháng trước, đến nay, vẫn chưa có thẻ, là một thực tế mà có lẽ, người quản lý chưa kiểm soát hết.

Đây không phải là năm đầu tiên, việc cấp thẻ BHYT cho người dân bị chậm trễ. Một số năm trước, báo chí đã lên tiếng về việc, đến tận tháng 10 người dân nhiều địa phương vẫn chưa nhận được thẻ BHYT. Hơn ai hết, cơ quan chức năng biết rõ, hậu quả của việc này gây thiệt thòi cho người dân lớn trong việc chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là với những người dân nghèo, ở miền núi, vùng cao.

Vì vậy để quyền lợi của người dân được đảm bảo như Luật BHYT đã xác lập, thiết nghĩ cần sớm đưa "Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT" mà Bộ Y tế đã xây dựng vào cuộc sống. Bởi theo đó, nếu chậm cấp thẻ BHYT sẽ bị phạt 10 triệu đồng, đồng thời, phải chi trả chi phí khám chữa bệnh cho người có thẻ trong thời gian chậm trễ

Dạ Miên
.
.
.