Người anh hùng 21 năm tìm đồng đội

Thứ Năm, 06/06/2013, 18:37
Bảy mươi tuổi - ở cái tuổi nghỉ ngơi, vui thú điền viên, quây quần bên con cháu nhưng người lính già ấy vẫn ngày ngày miệt mài cùng chiếc xe máy cũ, chiếc túi da nhỏ bợt màu vì sương gió với bản đồ, giấy báo tử...  để đi tìm đồng đội.

Có một thời hoa lửa

"Ai về Đức Phổ nhớ đến Phổ Cường/ Nhớ thăm người mẹ dẫn đường qua đi". Đó là lời thơ của  những chiến sĩ Bộ đội cụ Hồ năm xưa ca ngợi mẹ Đặng Thị Lý đã làm cơ sở cách mạng của xã Phổ Cường trong những năm chiến tranh ác liệt. Chính mảnh đất ấy là nơi đã “sản sinh, vun trồng và nuôi dưỡng” nhiều anh hùng.

Vượt qua hơn 900km, chúng tôi dừng chân tại thành phố Quảng Ngãi tìm đến nhà Đại đội phó đặc công năm ấy - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Đình Nghiệp (xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Hồi ức về một thời hoa lửa, lừng lẫy những trận đánh vang dội và nỗi đau khi đồng đội ngã xuống lại sống dậy qua mỗi câu chuyện của ông kể.

Người anh hùng được ghi danh trong lịch sử.

Giọng người anh hùng hào sảng kể về những trận chiến năm xưa: “Trong chiến tranh, mỗi tấc đất giành được đều đo bằng máu thịt đồng đội, chiến sĩ ngã xuống. Trong hàng chục trận đánh ấy, để đời nhất có lẽ là ba trận đánh địch ở Liên Trì (huyện Bình Sơn), đánh đồn Đầu Voi (huyện Sơn Tịnh), trận Núi Giàng (huyện Đức Phổ)”.

Với lối đánh bất ngờ, táo bạo và quyết đoán, chỉ 7 phút đã làm chủ trận địa trong trận Núi Giàng,  cả trung đội của ông và các đội bạn hy sinh 7 người những đã làm nên trận đánh anh hùng. Trận thắng  vang dội đã đưa Phạm Đình Nghiệp – Đại đội phó đội đặc công của Đại đội 506A trở thành Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân vào tháng 9/1967. Ông vinh dự đại diện cho lực lượng vũ trang của Quảng Ngãi đi dự Đại hội Anh hùng toàn miền Nam năm 1967 tại Tây Ninh.

“Tôi đã khóc khi tìm thấy đồng đội”

Chiến tranh đã lùi xa nhưng vết thương bom mìn vẫn “gài” trong lòng người lính đặc công “may mắn”. Trở về từ Đại hội Anh hùng toàn miền Nam, niềm vui chưa kịp nhân lên thì hung tin đã ập xuống, cả đại đội ông hy sinh gần hết trong trận Nghĩa Hành.

42 năm, lòng ông lúc nào cũng canh cánh nỗi đau về những người đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trong lòng đất mẹ từ đêm đau thương ấy. Rời quân ngũ năm 1989, ông bắt đầu cuộc hành trình thầm lặng, đi tìm hài cốt đồng đội đã ngã xuống trong trận Nghĩa Hành. Đây là hành trình đầy gian khổ, khó khăn và đẫm nước mắt trong suốt quãng thời gian đi tìm đồng đội của ông Nghiệp.

Năm 2007, ông đã có thông tin chính xác về không gian, thời gian, địa điểm xảy ra trận đánh, điểm chôn tập thể các liệt sĩ, tìm được nhân chứng lịch sử sống là ông Sáu Phú. Ông Nghiệp đã bốn lần ra Hà Nội tìm nhờ sự giúp đỡ của các nhà ngoại cả, hai lần  làm tờ trình xin tỉnh để hỗ trợ khai quật

Thương người chồng, người cha mang nỗi đau cháy âm ỉ suốt mấy chục năm qua, cả gia đình ông đã hỗ trợ ông 20 triệu đồng để mua máy bơm nước, thuê thợ dò mìn, thuê nhân công để tìm kiếm các liệt sĩ. Ông đã  trực tiếp tham gia tổ chức đào, thăm dò tìm kiếm liệt sĩ.

Ông Nghiệp (đội mũ tai bèo) trong một lần tìm hài cốt liệt sĩ.

Qua 4 ngày tìm kiếm, sau lớp đất bùn đen đã phát hiện ra hài cốt liệt sĩ. Nhưng, liệt sĩ nằm dưới nước và bùn lầy rất phức tạp, kinh phí ông bỏ ra gần hết nên ông quyết định tạm dừng để xin ý kiến của các cấp thẩm quyền. Gặp được  Bí thư Tỉnh ủy với ông Nghiệp lúc ấy như cá gặp nước. Trước lời đề nghị tha thiết về việc làm nghĩa tình như thế, cơ quan ban ngành cùng vào cuộc, quyết định phương án tìm kiếm, khai quật mộ tập thể các liệt sĩ.

Cuộc khai quật lại tiếp tục. Những mẩu xương nằm lẫn với đồ quân trang của bộ đội đặc công đã được tìm thấy trong hố khai quật. Khi những mẩu xương đầu tiên được đưa lên khỏi mặt đất, ông Nghiệp đã òa khóc. 93 hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy ở 5 hố chôn tập thể và sân vận động cũ huyện Nghĩa hành. Hôm đón các anh về, quân kỳ phủ đỏ kín sân tang, máu thịt các anh hòa cùng đất nước. Đồng đội, chiến sĩ, nhân dân mắt đẫm lệ tiễn đưa các liệt sĩ.

Nhắc đến kí ức đau lòng, ông ngậm ngùi: “Đồng đội của chúng tôi đã nằm dưới hào nước lạnh suốt 42 năm, đây là cơ hội nghìn năm có một để đưa họ trở về cùng gia đình. Nếu không cứu anh em trong dịp này thì hàng ngàn năm sau họ sẽ vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất, tôi thấy có tội rất lớn với các gia đình liệt sĩ, với quê hương, đất nước”.

21 năm hay nhiều hơn nữa tôi vẫn sẽ đi tìm đồng đội

“Liệt sĩ đã hy sinh, họ không còn gì để mất. Tôi là người trong cuộc, tôi biết họ thiệt thòi như thế nào. Cho nên, hễ ở đâu có thông tin về hài cốt liệt sĩ thì ở đó có mặt tôi. Dù phải vượt những chặng đường dài, từ biển nguồn đến núi non, vào bất cứ lúc nào, đơn vị nào, khó khăn trở ngại đến đâu, tôi đều lăn xả, vượt qua tất cả để tìm đồng đội” – ông chia sẻ với chúng tôi.

21 năm lần theo từng con đường, dấu chân đồng đội đã đi qua. Số năm ông đi tìm đồng đội ngã xuống dài bằng cả những năm tháng chiến đấu trên khắp các mặt trận. Hiếm gặp được người anh hùng như ông. Không ít những gia đình liệt sĩ đã viết những bức thư tay “dài hàng nghìn cây số” để bày tỏ lòng cảm kích trước tấm lòng của ông. Nắng mưa, xa xôi, vất vả ông không nề chi, tìm được đồng đội ông còn hỗ trợ thêm kinh phí cho gia đình, hương hoa kính viếng những người đồng đội đã ngã xuống.

Ông luôn tâm niệm, mình chịu cực một chút, chi tiêu tiết kiệm một chút nhưng giúp được gia đình các liệt sĩ, đưa các anh trở về quê hương đó là niềm vui lớn nhất những năm cuối đời.

Vợ ông, giọng đứt quãng kể với chúng tôi: “Ông ấy cứ đi miết thế, nhiều lúc cực lắm. Người hiểu thì họ ủng hộ, người không hiểu lại nói sai! 70 tuổi, lẽ ra được an nhàn quây quần bên gia đình, con cháu, hưởng thụ tuổi già, nhiều lần tôi bảo ông ấy bỏ đi để các cơ quan chức năng làm thôi. Nhưng, đã là các tâm thì bỏ sao được. Cản ông ấy vẫn cứ đi”

Thủy Nhung - Thu Hòa
.
.
.