Người Vân Kiều, Pa Kô với việc hiến máu tình nguyện

Chủ Nhật, 05/04/2015, 10:38
Lúc đầu, khi cán bộ địa phương đến tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo, bà con Vân Kiều, Pa Kô trên dãy Trường Sơn của tỉnh Quảng Trị đều từ chối, vì sợ Giàng bắt tội. Nhưng, nhờ sự tâm huyết vận động “mưa dầm thấm lâu” đến nay, bà con đã tình nguyện hiến máu rất đông và nhiệt thành.

Chúng tôi gặp chị Hồ Thị Lan (36 tuổi, trú bản Ra Hàng, xã A Túc, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) người dân tộc Pa Kô ở Trung tâm Thể dục thể thao huyện Hướng Hóa, trong lần đầu tiên chị đi hiến máu nhân đạo. Đôi bàn tay chị đan vào nhau, gương mặt tỏ rõ sự lo lắng.

“Lần đầu tiên mình đi hiến máu nhân đạo nên mình lo lắm; lỡ mắc bệnh gì đó không hiến được thì buồn lắm. Mình nghe anh chị tuyên truyền viên bảo rằng hiến máu tốt cho sức khỏe, nhưng mình vẫn sợ hiến máu xong sẽ bị đau ốm”.

Đến lúc hiến máu xong, chị Lan vui mừng vì sức khỏe vẫn tốt, không bị choáng váng hay biểu hiện gì xấu cả. Chị yên tâm về nhà với quà tặng của chương trình hiến máu và hứa rằng: “Lần sau mình tiếp tục đi hiến máu”. Chị Hồ Thị Thương (35 tuổi, xã Hướng Tân, Hướng Hóa) người dân tộc Vân Kiều cũng lo lắng không kém.

Nhiều bà con dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô tham gia hiến máu nhân đạo.

Chị cho hay, 3 lần trước chị bị bác sĩ từ chối vì ven quá nhỏ. “Lần này mình rút kinh nghiệm, uống nước C sủi rất nhiều để dễ lấy máu; đồng thời nói trước với bác sĩ rằng phải cố gắng lấy được ven để mình hiến máu, nếu không thì mình ăn vạ ở đây. Thế là bác sĩ cố gắng mãi, cuối cùng lấy được ven, mình được hiến máu. Mình mừng lắm vì đã góp được một chút gì đó cho việc cứu người”.

Không lo lắng như chị Lan, chị Thương, anh Hồ Văn Thu (35 tuổi, trú bản Cồn, xã Tân Lập, Hướng Hóa), người dân tộc Vân Kiều rất tự tin. Hớn hở trước món quà là chiếc ba lô nhỏ xinh của trung tâm hiến máu tặng, anh Thu cười tươi bảo rằng: “Mình đã có 3 cái thẻ đỏ rồi đấy”, nói rồi anh Thu chìa 3 cái giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện màu đỏ tươi cho tôi xem.

Theo lời kể của anh Thu, lần đầu tiên anh hiến máu vào tháng 8/2011. Lúc đó anh cũng lo lắng như chị Lan, chị Thương bây giờ. Nhưng sau mỗi lần hiến máu, sức khỏe anh vẫn tốt, vẫn lên nương trồng cây phát cỏ bình thường. Thế là anh yên tâm hiến máu lần 2, lần 3 và sẽ thêm nhiều lần khác nữa.

“Mấy năm trở về trước, đồng bào mình không đi hiến máu đâu. Vì Giàng cho mình giọt máu mà mình đem cho người khác thì Giàng sẽ bắt tội, phạt vạ ốm đau, bệnh tật. Nhưng nay, được cán bộ vận động, cho biết cái hay, cái đúng nên đồng bào mình đi hiến máu đông lắm. Bản thân mình cũng thường vận động bà con hiến máu”, anh Thu vui vẻ cho biết.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó Ban chỉ đạo hiến máu huyện Hướng Hóa cho hay, khoảng 2 năm trở lại đây, đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô đã thay đổi nhận thức của mình. Tuy điều kiện xa xôi cách trở, đi lại khó khăn nhưng bà con đi hiến máu khá đông, lên đến hàng trăm người. Đó là công sức của một quá trình tuyên truyền, vận động lâu dài và phải liên tục trong thời gian tới.

Bảo Ngọc
.
.
.