Người Chứt bây giờ…

Chủ Nhật, 18/01/2015, 12:58
Cách đây hơn 20 năm, trong lúc đi tuần tra biên giới, những người lính Biên phòng của tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện một bộ lạc người sống trong hang đá giữa đại ngàn Trường Sơn. Sau khi được tập làm quen với cuộc sống văn minh cho đến bây giờ, người Chứt đã có một cuộc sống đủ đầy hơn trước gấp cả trăm lần…

Ngay sau được phát hiện vào năm 1991, người Chứt được Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh xây dựng làng, nhà cửa sinh sống tại bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê. Lúc đó, bộ lạc này có 20 người, sinh sống bằng săn bắt, hái lượm.

Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng tổ công tác bản Rào Tre, người có thâm niên 10 năm gắn bó với đồng bào Chứt, cho biết: “Đến nay đồng bào Chứt đã bỏ được rất nhiều thói quen xấu và hủ tục. Các cán bộ, chiến sĩ “cắm bản” phải thường xuyên xuống tận bản làng, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con; hướng dẫn cho bà con từng chi tiết nhỏ cách tiếp cận đời sống văn minh. Dần dà bà con mới tin và làm theo”.

Từ 20 nhân khẩu ban đầu khi phát hiện, nay bản Rào Tre đã có tới 33 hộ dân, với 132 nhân khẩu. Ban đầu đưa bà con về bản, những người lính Biên phòng phải bám bản thường xuyên. Tìm mọi cách vận động bà con bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan. Khó nhất là hủ tục mời thầy mo cúng bái chữa bệnh. Ngày đó, các cán bộ, chiến sĩ không chỉ vận động người bệnh mà còn tìm cách vận động cả thầy mo. Rồi đưa khoa học ra chứng minh làm sao cho bà con tin, thầy mo tin để từ bỏ hủ tục.

Cuộc sống của người Chứt đã được cải thiện nhiều.

Còn nhớ vài năm về trước, vận động mãi mà thầy mo Hồ Phúc không chịu nghe theo. Mãi đến khi chính thầy mo bị bệnh, ông cũng cương quyết ở nhà tự chữa bằng cách cúng bái khiến bệnh ngày càng nặng. Lúc đó, các chiến sĩ Biên phòng đến tận nhà vận động người thân đưa bệnh nhân đến Trạm y tế.

Sau khi được bác sĩ thăm khám, cắt cơn sốt, Hồ Phúc mới gật đầu phục tài của bác sĩ Biên phòng và bỏ hẳn việc cúng bái chữa bệnh…

Tôi gặp Trưởng bản Hồ Kinh, ông đang dắt theo một bé gái tầm 10 tuổi, phấn khởi khoe: “Nó chính là bằng chứng của cuộc sống văn minh ở bản người Chứt chúng tôi!” Chuyện về đứa trẻ ấy như một cuốn phim chạy chậm qua lời kể của ông: “Cháu bé tên là Hồ Thị Lài, đang học lớp 5.

Cách nay 11 năm, người mẹ Hồ Thị Lĩnh sinh khó. Chị gần như kiệt sức theo mỗi nhịp gõ mo cúng bái của thầy mo. May thay, được những người lính Biên phòng phát hiện, kịp thời đưa đến Bệnh viện huyện… Bản Rào Tre bây giờ hết tin thầy mo rồi. Chỉ có bác sĩ mới chữa khỏi con bệnh cho đồng bào. Không cần phải bán gia sản để thuê thầy mo như trước đây nữa.

Các chiến sĩ Biên phòng cắm bản còn bắt tay vào việc vận động bà con ăn chín, uống sôi. Tập thói quen canh tác theo hình thức thâm canh, thay thế cho phương thức săn bắn, hái lượm vốn đã thành thói quen cố hữu của bà con

Một trong những điều đáng mừng nhất đó là các phụ huynh ở đây đã đồng ý cho con trẻ tới trường. Mặc dù việc tới trường của các em chưa được tự giác lắm, còn cần phải có sự nhắc nhở thường xuyên của chính quyền địa phương, thầy cô giáo và chiến sĩ Biên phòng cắm bản!...

Phan Thanh Bình
.
.
.