Người CCB xứng danh truyền thống Đoàn tàu không số

Chủ Nhật, 23/10/2011, 09:54
Từng là người lính trải qua bao khó khăn gian khổ và cận kề cái chết, Đào Hồng Tuyển thấu hiểu nỗi khổ của cuộc sống nghèo khó, nên trái tim nhân hậu của người lính trong Đoàn tàu không số năm nào luôn rung lên nhịp đập yêu thương với những người có hoàn cảnh éo le trong cuộc sống.

Có mặt trong đoàn cựu chiến binh của Đoàn tàu không số Anh hùng về Hà Nội vào Lăng viếng Bác và gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chiều 20/10, cựu chiến binh Đào Hồng Tuyển chối đây đẩy khi được phỏng vấn về mình. Anh bảo, so với sự hy sinh của đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng đội mình, cống hiến của anh thật nhỏ bé, nên chả có gì đáng nói. Nhưng câu chuyện của chính những người lính từng vào sinh ra tử trong Đoàn tàu không số đã giúp tôi hình dung rõ hơn về anh.

Người cựu chiến binh thầm lặng

Nhìn vào sự thành đạt của vị doanh nhân, cảm tưởng như anh chẳng biết đến mùi súng đạn là gì. Ấy nhưng, Đào Hồng Tuyển lại từng có mặt trên con đường huyền thoại trên biển của Đoàn tàu không số những năm chiến tranh ác liệt. Việc Phó Đô đốc Trần Thanh Huyền, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân trao tặng bộ quân phục mang quân hàm Thượng tá danh dự cho Đào Hồng Tuyển mới đây là một điều xác tín.

Đào Hồng Tuyển đã khai tăng tuổi để nhập ngũ và có mặt trong đội quân thầm lặng của Đoàn tàu không số từ năm 1969. Thông minh và năng động, anh chiến sĩ trẻ nhất khi đó đã sớm trở thành một thợ máy. Những năm cuối đầy khốc liệt của cuộc chiến, Đào Hồng Tuyển đã 5 lần cùng đồng đội cưỡi sóng gió, xuyên dưới bom đạn dày đặc của kẻ thù để vận chuyển vũ khí vào chiến trường và đưa cán bộ lãnh đạo vào Nam, ra Bắc, trong đó, có cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc ngoại xâm.

Trung tá, Anh hùng LLVTND Hồ Đắc Thạnh, người thuyền trưởng tài ba của con tàu 41, hai lần được phong Anh hùng với 12 chuyến tàu chở vũ khí vào Nam, nhớ lại: Những năm chiến tranh, Đào Hồng Tuyển là một thợ máy giỏi và tận tụy. Ngoài nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào chiến trường, anh còn phục vụ vận chuyển tàu 2 đáy, thường xuyên phải sống xa đất liền. Đây là công việc rất khó khăn, đòi hỏi những người có tay nghề cao và bản lĩnh cùng lòng trung thành tuyệt đối. Như những người lính của Đoàn tàu không số, những năm tháng ấy, Đào Hồng Tuyển phải sống bí mật, nhiều năm liền không được thư từ về nhà. Gia đình không biết anh ở đâu, còn sống hay đã hy sinh và anh cũng không biết tin nhà. Nhưng cũng như đồng đội, Đào Hồng Tuyển đã thầm lặng cống hiến, thầm lặng hy sinh vì sự nghiệp của cả dân tộc. Bởi thế, mãi sau này, khi Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển được thành lập ở các tỉnh, đồng đội của anh cùng ôn lại, nhắc nhớ từng người, mới tìm lại anh và đầy tự hào khi doanh nhân thành đạt kia chính là cựu binh của Đoàn tàu không số.

Phó Đô đốc Trần Thanh Huyền, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân trao tặng bộ quân phục mang quân hàm Thượng tá danh dự cho cựu chiến binh Đào Hồng Tuyển.

Chiến tranh kết thúc, trong khi nhiều người lính lần lượt trở về với gia đình, thì Đào Hồng Tuyển tiếp tục gắn bó với biển khơi, cùng đoàn quân tình nguyện Việt Nam sang Campuchia giúp bạn thoát khỏi họa diệt chủng.

Ân tình đồng đội

Rời quân ngũ, Đào Hồng Tuyển từng có thời kỳ khốn khó, chật vật làm đủ mọi việc để kiếm sống. Nhưng tư duy năng động, nhạy bén và táo bạo, cùng với sự giúp đỡ của bè bạn đã giúp anh từ một người tay trắng trở thành doanh nhân thành đạt và nổi tiếng. "Chúa đảo Tuần Châu" Đào Hồng Tuyển đã thực sự biến nơi đây thành viên ngọc, như mong muốn của Bác Hồ "biến Tuần Châu thành Ngọc Châu". Nhưng khác với vô số người, dẫu đã có trong tay hàng ngàn tỷ đồng, Đào Hồng Tuyển vẫn luôn coi trọng ân tình đồng đội.

Đại tá Tô Hải Nam, Ủy viên Thường trực, Chánh Văn phòng Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển, chia sẻ: 17 năm trước, các cựu binh của Đoàn tàu không số đã tìm lại được Đào Hồng Tuyển. Từ đó, anh trở thành linh hồn của các cựu binh Đoàn tàu không số, giúp mọi người từ Bắc vào Nam gắn bó hơn với phương châm "Tất cả vì nghĩa tình đồng đội". Vì thế, tại hội nghị của Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển, dù Đào Hồng Tuyển không có mặt, đồng đội vẫn bầu anh làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội.

Anh hùng LLVTND Hồ Đắc Thạnh tự hào: Đào Hồng Tuyển đặc biệt quan tâm đến đồng đội cũ. Mới đây, anh đã tặng hàng trăm suất quà cho con em các cựu binh Đoàn tàu không số, rồi trao nhà tình nghĩa, cưu mang những người có hoàn cảnh khó khăn v.v… Vì thế, chúng tôi đều quý trọng anh ấy. Hồi nghe tin anh phá sản, tôi bay từ Phú Yên ra gặp Tuyển chỉ để xem thực hư. Thấy nụ cười và câu nói lạc quan "đó chỉ là tin nhảm trong đời sống thương trường cạnh tranh, còn em, vẫn xứng là người lính của Đoàn tàu không số với phẩm chất cách mạng", tôi mới yên tâm ra về.

Chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển, anh Tuyển đã cấp toàn bộ kinh phí để Hội hoạt động xứng tầm. Chỉ riêng đầu tư cho bộ phim và cuốn sách "Huyền thoại tàu không số", đã ngốn mất 1,8 tỷ đồng, chưa kể đến 6 tỷ xây dựng bộ phim 40 tập của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh. Thế mà, anh ấy còn đầu tư 30 tỷ để thành lập Công ty Đoàn tàu không số cho Hội. 

Ông Lê Văn Nhược, Trưởng Ban liên lạc đường Hồ Chí Minh trên biển khu vực Hà Nội, cho biết: Từng là người lính trải qua bao khó khăn gian khổ và cận kề cái chết, Đào Hồng Tuyển thấu hiểu nỗi khổ của cuộc sống nghèo khó, nên trái tim nhân hậu của người lính trong Đoàn tàu không số năm nào luôn rung lên nhịp đập yêu thương với những người có hoàn cảnh éo le trong cuộc sống.

Đào Hồng Tuyển còn giúp đỡ các gia đình có công với cách mạng, xây nhà tình nghĩa cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, xây dựng gần 5.000 ngôi nhà cho người nghèo và đồng bào lũ lụt. Đến nay, số tiền mà anh làm từ thiện đã lên tới hàng trăm tỷ đồng. Với những cống hiến lớn lao cho cộng đồng, Đào Hồng Tuyển đã 5 lần được nhận Bằng khen của Thủ tướng. Là Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam, anh có nhiều đóng góp cho phong trào "Vì người nghèo" và là một trong ít người được đặc cách tặng "Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc".

Trong chương trình nghệ thuật "Bên hoa anh đào" do Báo CAND, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Công ty CP Truyền thông và Bảo hiểm dầu khí PV Media tổ chức vào tháng 4/2011, Đào Hồng Tuyển còn ủng hộ 1 triệu USD giúp đỡ nhân dân Nhật Bản trong thảm họa động đất và sóng thần, bày tỏ tình cảm của nhân dân Việt Nam với nhân dân Nhật, góp phần vun đắp tình hữu nghị giữa 2 nước

Thanh Hằng
.
.
.