Ngư dân Bình Thuận can trường ra khơi

Chủ Nhật, 01/06/2014, 09:46
Những ngư dân can trường ra khơi, bám biển đánh bắt thủy sản trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc là những con người dày dạn kinh nghiệm đi biển, lòng dũng cảm và sức sống mãnh liệt về tình yêu biển, tình yêu Tổ quốc cho dù phải luôn đối đầu với những nguy hiểm, đe dọa và tấn công của một số kẻ “cướp biển” người Trung Quốc tại Hoàng Sa hôm nay. Ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Thuận là những cột mốc sống khẳng định chủ quyền Tổ quốc trên biển Đông, ngày ngày vẫn ra khơi, đêm đêm vẫn rực đèn trên biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Các ngư dân huyện đảo Phú Qúy (Bình Thuận) ai cũng biết, ông Ngô Văn Chức - Tổ trưởng Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản xa bờ số 1 Phú Long, xã Long Hải là người tiên phong đóng tàu khai thác Trường Sa, có kinh nghiệm lão luyện nghề câu khơi hàng chục năm ở vùng biển Phú Quý. Ông đứng ra vận động bà con gia nhập Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản xa bờ với 21 tàu, công suất từ 250CV đến 400CV chuyên đánh bắt khu vực Trường Sa, Hoàng Sa với gần 500 thuyền viên lao động.

Mỗi lần ra khơi, đội tàu đi theo nhóm 4-5 chiếc, để kịp thời hỗ trợ cho nhau trong mọi tình huống bất trắc xảy ra, nhờ thế mà đội thuyền luôn vững tin, viện trợ nhau hoạt động đánh bắt trên biển. Từ khi biết tin Trung Quốc đang đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép ở vùng biển Hoàng Sa, hàng ngày ông liên lạc với các tàu thuyền trong khu vực để nắm thông tin, truyền đạt đến các chủ tàu cảnh giác, an tâm bám biển, khẳng định chủ quyền Việt Nam.

Ngư dân Bình Thuận kiên cường vươn khơi, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Biển Đông của Tổ quốc dậy sóng, với máy Icom liên lạc, ông Trần Sáu-một ngư dân kỳ cựu là chủ tàu cá số hiệu BTh. 98334 TS ở phường Bình Hưng, TP. Phan Thiết bày tỏ thái độ kiên quyết, không chùn bước trước mọi hành động đe dọa của Trung Quốc, luôn làm chủ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ông Sáu bật máy Icom liên lạc với các tàu thuyền bạn của Quảng Ngãi đang đánh bắt tại Hoàng Sa để nắm mọi diễn biến, thông tin. Nhiều ngư dân, bạn ghe (lao động biển) ngồi xung quanh ngóng tin nóng Hoàng Sa từ “sói biển” Mai Phụng Lưu của đảo Lý Sơn.

Lẫn trong tiếng sóng và gió của Hoàng Sa, tiếng “sói biển” Mai Phụng Lưu vang vang như đang tường thuật trực tiếp đấu trường tại đây: “Tình hình ngoài đây vẫn căng, ngư dân ngoài việc đánh bắt còn phải cử người “canh” tàu Trung Quốc. Không phải mình sợ hắn,  mà cử người canh để hắn không có cơ hội “giở” tánh côn đồ, cướp bóc. Ngư trường này cha ông đã đánh bắt bao đời nay thì không cớ gì mình lại dừng. Những gì mình làm hôm nay thì sau này con cháu mình cũng noi theo, tiếp tục bám biển, giữ chủ quyền đất nước”.

Các thông tin phấn khởi từ sức khỏe anh em, đến các mẻ lưới trúng đậm cá ngừ đại dương làm các ngư dân như quên hết mọi cản ngăn, đe dọa, quấy phá của tàu Trung Quốc, càng tăng thêm sự tự tin, dũng cảm của ngư dân lâu đời đánh bắt trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa mà không thế lực nào ngăn cản được. Vì đó là Tổ quốc Việt Nam, vì đó là nghiệp dĩ và cuộc sống của hơn 1 triệu ngư dân và khoảng 30 triệu người có liên quan trên bờ. Hải phận của Việt Nam mênh mông rộng dài hàng ngày có trên 1 triệu cột mốc sống chủ quyền trên biển.

Chi cục Thủy sản Bình Thuận là đơn vị mai mối, nối kết thông tin liện lạc giữa ngư dân ngoài khơi với đất liền và gia đình hằng ngày. Ngoài sự hỗ trợ  từ Chi cục Thủy sản, ngư dân còn nhận được sự hỗ trợ vốn từ 4 nghiệp đoàn nghề cá TP Phan Thiết, TX La Gi, huyện Tuy Phong và huyện Phú Quý Ngoài việc trang bị các văn bản pháp luật về ngành nghề, tạo sự đoàn kết gắn bó giữa các thành viên trên biển và trên bờ, các nghiệp đoàn còn hỗ trợ vốn, học bổng cho con em ngư dân, tạo dịch vụ hậu cần nghề cá để ngư dân an tâm vươn ra khơi.

Ông Nguyễn Bá Mỳ - Ủy viên BCH Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam cho biết: “Tất cả những gì mà Nghiệp đoàn nghề cá Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung hoạt động thời gian qua không ngoài mục đích hỗ trợ ngư dân ổn định cuộc sống. Chăm lo cho đời sống của hội viên, giúp hội viên tự tin đánh bắt ở những ngư trường lớn như Hoàng Sa, Trường Sa. Ngư dân Nguyễn Văn Tâm (Phú Hài, TP PhanThiết) mạnh dạn cho rằng: “Vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa là của mình, cứ đánh bắt không sợ gì Trung Quốc.

Khi chúng tôi ra khơi, còn có các lực lượng Cảnh sát biển, kiểm ngư, biên phòng hỗ trợ. Ngư dân luôn được tiếp sức và yên tâm vươn khơi”. Bên cạnh các Nghiệp đoàn nghề cá, đến nay tỉnh Bình Thuận đã thành lập trên 600 tổ đoàn kết đánh bắt trên biển. Đây là mô hình hợp tác giúp đỡ nhau trong khai thác, tiêu thụ sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm đánh bắt hải sản và hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố trên biển, đồng thời góp phần giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo.

Có hậu phương vững chắc sau lưng, có sự hỗ trợ của các lực lượng chấp pháp Việt Nam, cùng với quyết tâm, can trường bảo vệ chủ quyền lãnh thổ các ngư dân Bình Thuận cùng ngư dân các tỉnh duyên hải miền Trung ngày ngày vẫn cho tàu thuyền ra khơi, đánh bắt xa bờ tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

Hoàng Châu
.
.
.