Dự án đại lộ Đông Tây, TP Hồ Chí Minh:

Ngổn ngang "đại công trường"

Thứ Năm, 21/09/2006, 08:30
"Đại công trường" dự án đại lộ Đông Tây vẫn đang ngổn ngang. TP Hồ Chí Minh đã thành lập đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra toàn bộ dự án. Các doanh nghiệp tham gia dự án cũng thuộc đối tượng bị thanh tra.

Dự án đại lộ Đông Tây là một trong 12 chương trình - công trình trọng điểm của TP Hồ Chí Minh, có tổng chiều dài 21,8km. Kinh phí đầu tư cho dự án lên đến 9.863 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay ODA từ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) chiếm 6.394 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn đối ứng từ ngân sách thành phố.

Lẽ ra dự án đã được triển khai ngay từ năm 2003 và hoàn thành vào năm 2005 nhưng do thời gian chuẩn bị các thủ tục, công tác tiến hành đền bù giải tỏa, việc thay đổi thiết kế kéo dài nên đến ngày 31/1/2005, dự án mới chính thức được khởi công và dự kiến hoàn thành vào quý IV năm 2007. Tuy nhiên, đến nay khi đã bước vào quý IV năm 2006, "đại công trường" dự án đại lộ Đông Tây của thành phố vẫn còn đang ngổn ngang, mới chỉ đạt xấp xỉ 20% phần việc của tất cả các gói thầu. Ngoài những thiệt hại về kinh tế do tiến độ triển khai - hoàn thành dự án kéo dài gây ra, đại diện cho chủ đầu tư của dự án là Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước thành phố đang có nguy cơ phải đối mặt với việc các nhà thầu kiện về vi phạm thời gian bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu! Nguyên nhân vì sao vậy?

Dự án đại lộ Đông Tây đi qua 8 quận, huyện của thành phố, có 6.754 hộ và 368 cơ quan đơn vị phải di dời để phục vụ dự án. Ngay từ năm 2001, UBND thành phố đã ra quyết định về công tác đền bù, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư cho những hộ, cơ quan đơn vị bị giải tỏa, riêng phần tái định cư đã có hơn 20 dự án về căn hộ chung cư và nền nhà. Giao cho Hội đồng Đền bù thiệt hại và Giải phóng mặt bằng các quận, huyện (cũng được thành lập trong thời gian đó) lập phương án đền bù trình Hội đồng Thẩm định và UBND thành phố phê duyệt. Thời gian thực hiện công tác đền bù giải tỏa trong 2 năm, năm 2001 đạt 25% và năm 2002 phấn đấu xong dứt điểm để bàn giao mặt bằng. Thế nhưng đến nay, công tác này tại một số quận, huyện vẫn chưa được thực hiện dứt điểm, trên toàn tuyến còn hơn 200 hộ dân và cơ quan đơn vị cùng các công trình tiện ích như ống nước, đường dây điện, điện thoại... chưa di dời!

Nguyên nhân chủ yếu do mức giá thực tế tài sản bất động sản của các hộ dân so với mức giá được áp dụng đền bù có sự chênh lệch quá lớn. Hai bên không thống nhất được mức giá đền bù hỗ trợ nên đã xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài ở hầu hết các quận, huyện mà dự án này đi qua. Bên cạnh đó, việc thay đổi hàng loạt thiết kế như thiết kế lại cầu Khánh Hội, đoạn tuyến qua khu đô thị mới Thủ Thiêm, đoạn ngã ba Cát Lái với khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc... cũng ảnh hưởng đến nhiều tiến độ thực hiện dự án. Không hiểu từ tháng 7/2001 đến tháng 9/2002 dành cho việc tư vấn thiết kế công trình và phê duyệt thiết kế dự toán toàn bộ dự án được thực hiện ra sao mà khi đi vào triển khai lại phải thay đổi nhiều đến vậy? Và trách nhiệm của các nhà thầu tư vấn thiết kế ra sao?

Được biết, ngày 30/6 vừa qua, Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã quyết định lập đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra toàn bộ dự án. Đoàn đã tiến hành thanh tra việc chấp hành thủ tục đầu tư và xây dựng công trình bao gồm việc lập và thẩm định dự án, công tác thiết kế, dự toán, tuyển chọn tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát, kế hoạch đấu thầu, xét thầu, tuyển chọn nhà thầu thi công, hợp đồng thi công... Cùng với Ban quản lý dự án, 7 công ty - tổng công ty và 2 liên trong, ngoài nước tham gia dự án trên cũng thuộc đối tượng bị thanh tra!

Đức Thắng
.
.
.