Ngọn đèn trên núi Ta Ri

Chủ Nhật, 16/11/2014, 10:00
Người Pa Cô, Vân Kiều ở Ta Ri đã chọn ngày 20/1 dương lịch hàng năm, cái ngày mà già Thao đã tổ chức chia đều phần ruộng cho người dân, làm ngày Tết của bản. Đồng thời, đây cũng là dịp để bà con bày tỏ tấm lòng mình đối với già Thao.

Trên dãy Trường Sơn thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị, có rất nhiều già làng, trưởng bản được đồng bào người miền ngược hết lòng yêu quý, do họ đã không quản ngại khó khăn, dấn thân vào con đường thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho dân bản. Một trong những con người đó phải kể tới già làng Hồ Văn Thao, ở thôn Ta Ri, xã Húc, huyện Hướng Hóa…

Thôn Ta Ri ngày càng no ấm nhờ công lao của già làng Hồ Văn Thao.

Già Thao năm nay đã ngoài 70 tuổi. Chuyện của già Thao qua hơn 10 năm dấn thân vào con đường thoát nghèo cho dân bản có thể chép ra thành một cuốn sách dày. Nhưng, tựu trung có hai việc lớn mà chỉ có già Thao mới làm được, còn những người khác thì không. Đó là vào năm 2003, hạn hán hoành hành kéo dài ở Quảng Trị, nhiều cánh rừng, sông suối bị khô kiệt nước.

Ở thôn Ta Ri, bà con đã phải dậy sớm từ lúc 3h sáng, đi sâu vào rừng già mới tìm thấy nước để mang về dùng tiết kiệm mỗi ngày. Già Thao và đứa con út (Hồ Văn Thơ) vì thương dân bản đã cơm đùm gạo bới, vất vả đánh vật với những con đường đất, đá gồ ghề và đèo dốc, leo lên các ngọn núi cao để tìm nguồn nước.

Sau 3 ngày đêm ăn cơm nắm, uống sương rừng, cuối cùng họ tìm thấy một mạch nước ngầm ở lưng chừng núi Trô, cách bản Ta Ri chừng 3 cây số. Có điều lượng nước sau khi chảy khỏi núi chưa tới 300m là cạn dần. Nguyên nhân, do khu vực cây cối, đất đá ở phía dưới bị hạn hán lâu ngày nên hút nước rất mạnh. Hai bố con già Thao đã nghĩ cách dẫn nguồn nước trực tiếp từ đây về tới bản. Tuy nhiên, họ bế tắc, bởi lẽ chưa kể tới việc thi công sẽ vô cùng khó khăn, kinh phí mua vật liệu hàng ngàn mét ống nhựa cỡ lớn là ngoài khả năng tài chính của gia đình…

Già Thao liền thông báo sự việc, đồng thời vận động bà con đóng góp để thi công. Qua ba lần họp dân, số người đồng ý chưa tới một nửa. Bà con cho rằng rừng núi vốn rất hiểm trở và phức tạp, cứ cho là sẽ dẫn được nước ở đó về bản, song ai sẽ đảm bảo nguồn nước đó cung cấp cho dân bản được bao lâu. Trong khi, người dân còn rất nghèo, việc xoay ra tiền để đóng góp sẽ rất khó khăn.

Bàn ra, tán vào, già Thao vẫn không chịu thối lui. Ông họp gia đình, bàn với vợ con, quyết định cầm cố tài sản gia đình, vay Ngân hàng Chính sách Chi nhánh huyện Hướng Hóa 50 triệu đồng. Ông kiên trì thực hiện bài toán khó, đó là nguồn nước sau khi về bản, một mặt cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, mặt khác ông tận dụng nguồn nước này để sản xuất nông nghiệp, khai hoang mở rộng diện tích lúa nước và hoa màu trên toàn thôn.

Sau hơn 2 tháng thi công, công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng, người dân thôn Ta Ri từ đó không còn phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt vào mùa hè hạn hán. Ba năm sau đó, tổng diện tích lúa nước ở Ta Ri đã từ 3 héc-ta tăng lên tới hơn 12 héc-ta, chiếm phần lớn là diện tích do gia đình già Thao khai hoang, phục hóa nên. Song, ông đã đem chia đều số diện tích này cho mọi gia đình trong thôn. Đó cũng là việc làm thứ hai mà theo người dân Ta Ri chỉ có già Thao mới làm được.

Người Pa Cô, Vân Kiều ở Ta Ri đã chọn ngày 20/1 dương lịch hàng năm, cái ngày mà già Thao đã tổ chức chia đều phần ruộng cho người dân, làm ngày Tết của bản. Đồng thời, đây cũng là dịp để bà con bày tỏ tấm lòng mình đối với già Thao. Rằng trên ngọn núi Ta Ri linh thiêng này, trong lòng bà con dân bản bao giờ cũng vậy, già Thao như một ngọn đèn sáng!

Thanh Bình
.
.
.