“Ngôi nhà bình yên” - Mái ấm cho phụ nữ bất hạnh

Chủ Nhật, 01/02/2009, 11:19
Dự án "Ngôi nhà bình yên" ra đời với sự tài trợ của nhiều tổ chức trên thế giới, với mục đích giúp đỡ những phụ nữ và trẻ em Việt Nam từng bị buôn bán vì các mục đích bóc lột tình dục, sức lao động hoặc bị bao lực gia đình...

Câu chuyện của người trở về

Tôi tìm gặp Nguyễn Thị Thanh (tên nạn nhân đã được thay đổi) khi Tết Nguyên đán đã cận kề. Lúc ấy, Thanh đang nô đùa với cô con gái 4 tuổi... Tiếng cười trong trẻo của đứa con thơ dường như là liều thuốc hữu hiệu, giúp người phụ nữ ấy xua đi những muộn phiền trong lòng.

Thanh là nạn nhân duy nhất của dự án đồng ý gặp gỡ với phóng viên, khi biết chúng tôi có ý định viết về "Ngôi nhà bình yên" thuộc Trung tâm phụ nữ và phát triển, nơi cô đang được giúp đỡ, sau những chuỗi ngày dài bị đầy đọa trong các nhà chứa rẻ tiền ở bên kia biên giới.

Thanh nói với tôi, Tết này, em cũng không muốn về nhà, bởi ở đây, em tìm thấy được hơi ấm của tình người.

Hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời  

Họ - những nạn nhân bị bóc lột về thể xác lẫn tinh thần tìm đến với "Ngôi nhà bình yên" - trong trạng thái tinh thần hoảng loạn với nỗi mặc cảm về những tháng ngày đã qua. Với họ, nỗi đau về thể xác không thể sánh được nỗi đau tinh thần đang hàng ngày, hàng giờ gặm nhấm.

Nhiều người trong số họ đã mất lòng tin với chính bản thân mình. Họ sống khép kín hoặc tìm cách rời bỏ làng quê nơi đã sinh ra. Bởi khi trở về, họ không nghề nghiệp, không một đồng vốn, cơ hội để làm lại cuộc đời gần như bị khép kín...

Dự án "Ngôi nhà bình yên" ra đời với sự tài trợ của nhiều tổ chức  trên thế giới, với mục đích giúp đỡ những phụ nữ và trẻ em Việt Nam từng bị buôn bán vì các mục đích bóc lột tình dục, sức lao động hoặc bị bao lực gia đình. Cái khó nhất đối với những cán bộ của dự án chính là làm lành được những tổn thương về mặt tâm lý. Để phá được những khoảng cách vô hình đó, các cán bộ của dự án có cách tiếp cận của riêng họ...

Đó không phải là những câu hỏi như một thủ tục điều tra, mà thực sự là sự quan tâm, chia sẻ của một người thân trong gia đình. Từ những tình cảm chân thành đó, họ dần có được lòng tin của các nạn nhân, hiểu được những  tâm sự sâu kín, cháy bỏng trong lòng họ. Những nạn nhân vào đây được ăn, ở trong vòng 18 tháng, con cái được nuôi dưỡng, được đi học.

Sau thời gian đó, họ được học nghề phù hợp với nhu cầu và khả năng của bản thân, được cấp một khoản vốn nho nhỏ khi rời "Ngôi nhà bình yên". Từ mái nhà bình yên đó đã có hơn 20 nạn nhân hồi gia, có cơ hội làm lại cuộc đời, nhiều người trong số đó đã lập gia đình, tìm được mái ấm hạnh phúc của riêng mình.

Câu chuyện mà Nguyễn Thoan, một cán bộ dự án của trung tâm kể lại về nghị lực phi thường của Nguyễn Thị Toan (tên nạn nhân đã được thay đổi) là một minh chứng. Bố bỏ nhà đi khi Toan chỉ là một cô bé lẫm chẫm, 4 mẹ con Toan côi cút nuôi nhau...

Cô gái Tuyên Quang đẹp người, đẹp nết luôn ôm ấp ước mơ được bước chân vào giảng đường đại học. Nhưng số phận không mỉm cười với Toan, cả hai trường đại học Toan đều bị thiếu điểm. Thương mẹ vất vả, Toan xin về Hải Dương, vừa làm công nhân kiếm sống vừa tranh thủ ôn thi đại học, ấp ủ cho kỳ thi tới.

Nhưng ước mơ của cô gái 18 tuổi đó đã không bao giờ trở thành hiện thực khi cô trở thành nạn nhân của một đối tượng buôn người. Toan không thể quên được cái buổi chiều oan nghiệt đó, nó đã cướp đi tương lai và tuổi trẻ của em.

Chiều đó, hết ca làm việc, Toan ra cổng để chờ bạn thì gặp một cô gái đến trò chuyện. Cho đến bây giờ, Toan cũng không cắt nghĩa được tại sao cô lại đồng ý khi đi cùng cô gái này để đòi nợ dù không hề quen biết với cô ta rồi bị đưa vào một nhà nghỉ ở bên kia biên giới.

Vì em xinh xắn nên chủ nhà nghỉ quản lý em rất chặt... Mãi sau này, nhờ sự giúp đỡ của một người đàn ông nước bạn thường xuyên lui tới, Toan đã có cơ hội trốn thoát được về nước.

Toan trở về nước trong sự cảm thông, chia xót của gia đình, rồi bạn bè, nhưng những chuỗi ngày bị đày đọa nơi đất khách quê người vẫn luôn ám ảnh quay quắt, em sống khép kín và ngại ngùng khi phải tiếp xúc với mọi người. Thời gian này, Toan thường xuyên bị chóng mặt, mệt mỏi, em không đủ sức để làm những công việc nặng nhọc như trước...

Toan đến với "Ngôi nhà bình yên" khi trong lòng mang đầy những mặc cảm. Trong một lần xét nghiệm, Toan biết mình đã bị nhiễm HIV. Toan thực sự hoảng loạn, em muốn gào lên bởi sao số phận luôn trớ trêu với em, lẽ nào cánh cửa cuộc đời lại đóng với em một lần nữa. Sau những đêm trằn trọc, Hoa nghĩ chỉ có thể san sẻ với chị gái.

Lúc này, Toan mới biết rằng người chị ấy đã biết kết quả từ lần xét nghiệm trước nhưng vẫn giấu em mình. Lúc ấy, các cán bộ của dự án "Ngôi nhà bình yên" đã thường xuyên gần gũi, động viên, giúp Toan lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống.

Cô hiểu rằng phải sống để báo hiếu mẹ, gắng dành khoảng thời gian còn lại để làm được những việc có ích cho gia đình và xã hội. Mới đây, sau khi rời "Ngôi nhà bình yên", Toan và chị gái đã mở một cơ sở kinh doanh.

Toan, Thanh... và những người con gái có cảnh ngộ như cô đã tìm được lại niềm tin trong cuộc sống. Họ như những bông hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời. Bởi họ không cô đơn vì ở ngôi nhà bình yên đó vẫn có những người luôn chờ đón. Ngôi nhà ấy luôn là điểm tựa cho những phụ nữ có hoàn cảnh đáng thương

Xuân Mai - Hương Vũ
.
.
.