Nghịch lý về tải trọng cầu đường đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Sáu, 07/08/2009, 14:31
Một tài xế xe tải kể rằng anh này đã phải đi lùi do một cây cầu tại Cần Thơ có một đầu cho phép tải trọng qua cầu là 30 tấn còn nếu di chuyển theo chiều ngược lại, tải trọng cho phép chỉ còn… một nửa.

Một cầu có 2 tải trọng (?!)

Đó là cầu Số 1, dài 24,5 mét, nằm trên QL91B (đoạn đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đưa vào sử dụng nhiều năm nay - PV) cạnh Bến xe Cần Thơ. Nếu đi từ hướng Bến xe 91B trở ra đường 3 tháng 2, thì tải trọng cho phép qua cầu là 30 tấn. Tuy nhiên, nếu di chuyển theo chiều ngược lại, tải trọng của cầu chỉ còn… một nửa.

Sáng 5/8, tài xế điều khiển chiếc xe tải 65K - 318… than dài, than vắn với PV Báo CAND rằng, chính anh và nhiều anh em đồng nghiệp từ nơi khác đến không phát hiện nghịch lý này đã bị lực lượng chức năng "vịn", nhắc nhở hoặc phạt hoài.

Tài xế chiếc xe tải 20 tấn mang BKS 54N - 034… thì kể một lần nọ, vì sợ bị phạt, anh đã phải dùng tới "chiêu" đối phó bằng cách cho xe đi lùi từ ngoài đầu đường 3 tháng 2 vào, qua cầu Số 1 tới điểm dừng để xuống hàng là siêu thị Metro Hưng Lợi. Bởi xe anh lúc đó chở đủ tải, nếu đi theo chiều thuận bình thường, vượt tải trọng 5 tấn là bị phạt ngay. Nhiều người dân có nhà cạnh cầu Số 1 này cũng lắc đầu không hiểu vì sao chủ đầu tư lại "đẻ" ra cây cầu kỳ lạ như thế.

Một bên thì tải trọng 30 tấn, bên còn lại chỉ một nửa.

Đường "vô tư", cầu "hạn chế"

Giới xe tải thu mua trái cây, cây kiểng, cây giống,… tại huyện Chợ Lách (Bến Tre) nhiều năm nay đau đầu vì hệ thống cầu trên QL57, đoạn ngang qua địa phận Bến Tre.

Cụ thể là mặt đường QL57 đã được làm xong, đưa vào sử dụng cả chục năm nay nhưng hệ thống cầu trên tuyến này (như cầu Chợ Lách, Cây Da, Cái Gà, Phú Phụng, Cái Mơn lớn, Ông Đình, Giồng Keo…)  là cầu sắt lót gỗ, hẹp và hiện đã xuống cấp nghiêm trọng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong số cả chục chiếc cầu trên QL57, hiện cây còn "cứng" nhất như cầu Chợ Lách thì chịu được tải trọng 10 tấn, còn lại chỉ 3 - 4 tấn.

Tại Cần Thơ, Báo CAND từng có lần phản ánh tải trọng của cầu Trà Nóc trên QL91 đang ngày càng xuống cấp trong khi cạnh đó là KCN Trà Nóc I và II mỗi ngày có vài trăm lượt xe tải nặng ra vào. Thực ra, ban đầu, chiếc cầu được xây dựng từ trước năm 1975 này chịu được tải trọng 25 tấn. Tuy nhiên, khoảng ba năm nay cầu đã xuống "sức" chỉ chịu được tải trọng 20 tấn.

Trên QL1A, sau khi đoạn Cần Thơ - Cà Mau (dài 180km) hoàn tất, nhiều người dân, doanh nghiệp đã đầu tư phương tiện để vận tải hàng hóa đi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác trong cả nước. Tuy nhiên, các chủ phương tiện đang bị kẹt do tình trạng trọng tải đường và cầu "vênh" nhau.

Ở tuyến giao thông từ QL1A ra cảng Gành Hào (thuộc huyện Đông Hải, Bạc Liêu) dài gần 30km, đường hẹp đã đành nhưng tải trọng nhiều cầu chỉ cho phép 5 tấn. Tương tự, tỉnh lộ 8 đi từ TP Sóc Trăng về cảng Trần Đề, đường cho phép 15 tấn nhưng cầu Kênh Ba chỉ cho phép 7 tấn.

Tại Cà Mau, ở huyện Năm Căn có dự án nhà máy đóng tàu và cảng Năm Căn. Tuy nhiên, thời gian qua không xe tải nào có thể đi từ Đầm Cùng tới Năm Căn được vì hệ thống 6 cầu đoạn này (thuộc dự án nâng cấp, mở rộng QL1A) đang được thi công, cầu tạm thì chỉ cho phép xe 5 - 6 tấn đi qua. Không còn đường trên bộ, nhiều doanh nghiệp phải chuyển sang hình thức vận tải hàng hóa bằng đường thủy.

Níu kéo phát triển và lãng phí

Thực tế, chuyện cầu và đường "vênh" nhau về tải trọng gần như ở địa phương nào tại ĐBSCL cũng có. Trong nhiều cuộc họp có liên quan đến chiến lược phát triển cầu đường ở khu vực ĐBSCL, đã có nhiều ý kiến của lãnh đạo địa phương đề cập đến thực tế giống như là một nghịch  lý này.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: "Tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo mục tiêu của các quyết định Chính phủ còn chậm. Việc chậm trễ hay thiếu đầu tư đúng mức và không đồng bộ là một thách thức hiện nay đối với quá trình phát triển của vùng ĐBSCL".

Còn TS Võ Hùng Dũng - Giám đốc Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ thì cho rằng: "Nhà nước tốn hàng triệu đôla xây đường cao tốc, quốc lộ hiện đại gì đi chăng nữa nhưng không chú trọng đến sự đồng bộ giữa cầu - đường, các tuyến đường nhánh... cũng là một sự lãng phí"

Thái Bình
.
.
.