Nghịch lý trong xử lý vi phạm các điểm TNXH: 19 lần nhẹ hơn 1 lần

Thứ Tư, 28/09/2005, 08:05

Có những cơ sở vi phạm chỉ từ 1-3 lần là bị phạt nặng, bị rút giấy phép kinh doanh còn những Ben Ben, Sahara, 030 và nhiều điểm khác vi phạm lần thứ 10, thậm chí 19 lần thì chẳng hề hấn gì.

Trước thời điểm xóa sổ "động lắc" Song Ngọc (Bình Thạnh) thì quận Thủ Đức đã triệt tiêu một tụ điểm ăn chơi nổi tiếng, đó là quán bar Monaco tọa lạc tại tổ 3, khu phố 3, Linh Trung.

Trước năm 2005, mỗi đêm, tại đây có hàng trăm thanh niên say sưa với những điệu nhảy điên cuồng. Thời gian mà họ ra về thì đồng hồ đã điểm sang ngày mới, làm náo loạn cả một khu phố, gây bất bình cho người dân địa phương. Trước tình hình đó, nên sau khi xử phạt hành chính quán này 2 lần về hành vi không đăng ký danh sách lao động với cơ quan Công an, để xe lấn chiếm lòng, lề đường, quận đã tước giấy phép khi tiếp tục vi phạm lần thứ 3.

Monaco không còn tồn tại, an ninh trật tự khu phố được lập lại nhưng dân chơi thì vẫn chưa chịu dừng chân. Thế là họ "mò" sang hai điểm ăn chơi khác là bar Ngộ 3 (phường Bình Thọ) và P.M. (phường Linh Đông). Dân chúng phản ánh, lãnh đạo Quận ủy, UBND quận Thủ Đức lập tức họp bàn và giao cho Công an quận xóa sổ Ngộ 3 và P.M. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, chẳng bao lâu sau, hai địa điểm nói trên bị Công an quận Thủ Đức bắt quả tang đang tổ chức "sân chơi" cho hàng trăm con lắc. Hai điểm này lập tức bị rút giấy phép.

"Động lắc" gần như không còn nữa ở quận Thủ Đức vào thời điểm này. Nhưng, "con đường đệ nhất ngoại ô" mang tên Hoàng Diệu 2 thì vẫn còn đó. Ngoài những quán bia ôm, massage có tên tuổi thì con đường dài gần 2km còn tồn tại hơn 10 điểm hớt tóc có massage… chui!

Từ đầu tháng 9 đến nay, Đoàn 814 rồi lực lượng Công an quận lần lượt đóng cửa 12 điểm hớt tóc có vấn đề, trả lại sự trong sạch cho con đường Hoàng Diệu 2. Ngoài ra, một vài điểm tệ nạn nổi cộm khác của quận cũng đều bị xử phạt hành chính, rút giấy phép kinh doanh.

Cùng với quận Thủ Đức, quận Phú Nhuận cũng rất quyết tâm bài trừ tệ nạn thể hiện qua việc xử lý các điểm vi phạm. Lật lại hồ sơ cho thấy, chỉ với việc bị phát hiện 2 nữ tiếp viên cùng với khách thực hiện hành vi dâm ô mà điểm karaoke Gia Tiến (phường 4) bị phạt 41 triệu đồng và rút giấy phép kinh doanh.

Từ năm 2004 đến nay, Công an quận đã đề xuất phạt nặng và rút giấy phép kinh doanh hàng chục điểm kinh doanh là nhà hàng, khách sạn, karaoke… chỉ từ sau 2-3 lần bị xử phạt hành chính mà vẫn tiếp tục tái phạm.

Tại sao những điểm tệ nạn mà chúng tôi nêu trên vi phạm chỉ từ 1-3 lần là bị phạt nặng, bị rút giấy phép kinh doanh còn những Ben Ben, Sahara, 030 và nhiều điểm khác vi phạm lần thứ 10, thậm chí 19 lần thì chẳng hề hấn gì để rồi tiếp tục vi phạm?

Việc cấp phép liên quan đến lĩnh vực văn hoá như karaoke, vũ trường, băng đĩa nhạc… là do Sở VHTT cấp, còn giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì do Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp. Từ đó tạo nên sự bất cập, cụ thể như, thông thường, những hành vi vi phạm của các tụ điểm tệ nạn xã hội bị triệt phá thì không nằm trong 7 trường hợp bị thu hồi giấy phép kinh doanh theo Nghị định 109/CP, nhưng nếu căn cứ theo Nghị định 88/CP, thì chỉ với những loại vi phạm như "sử dụng phương thức gợi dục để kinh doanh", "thiếu trách nhiệm để xảy ra việc sử dụng ma túy trong khu vực mình quản lý" là đã đủ điều kiện để rút giấy phép.

Việc xử lý do vậy trở nên hết sức tế nhị và tùy thuộc vào quyết tâm xóa tệ nạn của chính quyền hay không. Thế mới xảy ra tình trạng "thương" thì vận dụng quy định này, còn "ghét" thì áp dụng quy định kia, mà… cái nào cũng đúng! Tuy nhiên, đối với các quận như Thủ Đức, Phú Nhuận… cũng áp dụng các quy định này, song, chỉ đối với lần vi phạm thứ 1, thứ 2 chứ đến lần thứ 3 là kiên quyết xử lý nặng, dù lỗi vi phạm ấy không nằm trong trường hợp quy định bị rút giấy phép

M.T.Phong
.
.
.