Liên quan đến sự việc hàng ngàn hộ dân ở khu đô thị Mỹ Đình II (Hà Nội) phải dùng nước sinh hoạt nhiễm Asen:

Nghịch lý người dân phải bỏ tiền túi mua nước nhiễm độc

Thứ Ba, 08/07/2014, 08:06
Hôm nay, 8/7, HĐND TP Hà Nội đã khai mạc kỳ họp thứ X, HĐND TP Hà Nội khóa XIV. Trong hàng loạt vấn đề dân sinh đang gây bức xúc dư luận, chất lượng nước sinh hoạt đang trở thành tâm điểm chú ý của hàng triệu cử tri Thủ đô, đặc biệt sau sự việcnước nhiễm Asen cao gấp 4 lần ngưỡng cho phép tại Trạm cấp nước Mỹ Đình II.

Cử tri mong mỏi và trông chờ vào những biện pháp quyết liệt của lãnh đạo TP, bởi nguồn nước sinh hoạt nhiễm độc có thể làm nguy hại đến sức khỏe và tính mạng của hàng nghìn hộ dân. Chúng tôi đã ghi lại một số ý kiến cử tri xung quanh vấn đề này:

Ông Phạm Duy Thái, Phó Ban quản trị nhà CT3B Khu đô thị Mỹ Đình II:

Khi biết đang phải sử dụng nguồn nước nhiễm Asen ở mức hơn nhiều lần mức cho phép, cư dân Khu đô thị Mỹ Đình II cảm thấy thực sự bị sốc. Không chỉ tôi, ai cũng rất bức xúc, nhiều người còn có ý định căng băng rôn, khẩu hiệu để biểu tình. Chúng tôi đã phải giải thích cho cư dân rằng, sự việc đang được các cơ quan chức năng có thẩm quyền đứng ra giải quyết nên chưa cần phải làm như vậy. Nhưng rõ ràng, suốt một thời gian dài, hàng nghìn người dân phải sử dụng nguồn nước độc để ăn uống, đây là điều rất khó chấp nhận. Tôi nghĩ đây là một kiểu kinh doanh thiếu văn hóa.

Với tư cách là cử tri, chúng tôi mong muốn được chính quyền TP Hà Nội quan tâm đến nguyện vọng của không chỉ cá nhân nào, mà là của hàng nghìn người đang sinh sống ở đây. Theo như lời đồng chí Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch sông Đà nói thì hệ thống đường ống của Viwaco đã phủ khắp khu vực Mỹ Đình, chỉ cần mở van là nước sẽ được cấp đến từng hộ gia đình thì tại sao điều chúng tôi mong mỏi là được dùng nguồn nước sạch này sau bao nhiêu cuộc họp vẫn chưa thể thực hiện được. Chúng tôi phải bỏ tiền ra mua dịch vụ trong đó có cả nguồn nước sạch mà lại phải dùng nguồn nước nhiễm Asen, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, ảnh hưởng tới tương lai của những đứa trẻ. Chúng tôi mong muốn TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng để chúng tôi được dùng nguồn nước sạch sông Đà.

Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn TP Hà Nội phải quan tâm hơn nữa đến các ban quản trị nhà chung cư, điều này đã có những quy định rất cụ thể và được luật hóa. Ở kỳ họp HĐND TP Hà Nội trước, đồng chí Giám đốc Sở Xây dựng đã nói mỗi khu dân cư phải có ít nhất 36m2 làm không gian sinh hoạt cộng đồng chung nhưng từ đó tới giờ mọi việc chẳng có gì biến chuyển. Với vai trò là cử tri, chúng tôi mong muốn TP Hà Nội phải chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo an sinh xã hội cho dân.

Trạm cấp nước Mỹ Đình II, nơi đang bị đề nghị ngừng cấp nước do nước nhiễm Asen quá cao.

Ông Phạm Tuấn Đạt (tổ 7, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy):

Có hai vấn đề luôn là mối quan tâm, băn khoăn của nhiều hộ gia đình, đặc biệt trong những tháng ngày hè nóng nực, đó là giá điện và nước sạch sinh hoạt. Vừa qua, rất nhiều hộ gia đình băn khoăn, thắc mắc vì sao giá tiền điện tháng rồi lên quá cao chưa có lời giải đáp thì ngay lập tức các hộ gia đình ở Khu đô thị Mỹ Đình II (Hà Nội) lại có câu chuyện với nước sinh hoạt.

Cá nhân tôi, những lần đi nước ngoài và qua phim ảnh đều thấy người dân nước ngoài có thể uống trực tiếp nước từ ngay vòi nước dùng để sinh hoạt. Điều đó chứng tỏ rằng nguồn cung cấp nước của họ vô cùng đảm bảo, chất lượng, họ không cần đun sôi cũng có thể sử dụng. Còn chuyện các hộ dân ở Khu đô thị Mỹ Đình II đang phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt nhiễm Asen lại là câu chuyện đáng buồn. Thành phố Hà Nội cũng đã có sự đầu tư cho các xí nghiệp, trạm cấp nước nhưng xem ra còn chưa đủ, hoặc các đơn vị cung cấp nước đã làm chưa hết trách nhiệm của mình.

Mỗi một kỳ họp HĐND của TP, người dân đều mong muốn các vấn đề liên quan đến dân sinh, dân kế được giải quyết ổn thỏa. Tôi cho rằng, đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Từ Liêm (cũ), Mỹ Đình (mới) nên trực tiếp xuống tiếp xúc với người dân để nắm bắt tình hình; đồng thời có kiến nghị với thành phố để có phương án khắc phục, nhanh chóng giúp cho người dân khu vực này có nguồn nước sạch đảm bảo để sinh hoạt.

Mấy năm gần đây, TP Hà Nội bắt đầu ngập úng, TP tập trung giải quyết vấn đề nước thải nên có thể chưa thực sự quan tâm đến nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt. Mong rằng tại kỳ họp này, vấn đề nước sinh hoạt cũng được đưa ra bàn bạc, thảo luận, có sự đầu tư hợp lý.

Bà Phạm Thị Hoạch, Tổ trưởng Tổ dân phố số 3, Khu đô thị Mỹ Đình II:

Cư dân chúng tôi đang khổ sở về vấn đề nước sinh hoạt mấy ngày nay khi không được cung cấp nước. Ngày 6/7, đại diện cư dân chúng tôi đã phải đề nghị Trạm cấp nước Mỹ Đình II bơm nước để dân có nước để sử dụng. Chúng tôi phải dán thông báo để người dân biết nguồn nước này bị nhiễm Asen nên chỉ dùng để tắm giặt, còn nước ăn thì người dân phải tự tính toán có thể dùng nước đóng bình hoặc cách nào đó.

Chúng tôi đề nghị với các cơ quan chức năng làm kiểu gì thì cũng phải có nước để người dân sinh hoạt, nước là nhu cầu sinh hoạt thiết yếu không thể không có được. Chúng tôi cũng đề nghị với TP Hà Nội phải khẩn trương chỉ đạo các đơn vị cấp dưới giải quyết để chúng tôi được dùng nguồn nước sạch của Nhà máy Nước sạch Sông Đà, cư dân Khu đô thị Mỹ Đình II đã quá mệt mỏi về vấn đề nước sinh hoạt rồi.

Chị Nguyễn Thanh Hương, số nhà 208 phố Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân:

Gia đình tôi cũng như phần lớn các hộ gia đình trong phường đều sử dụng nguồn nước Sông Đà do Công ty CP Nước sạch Vinaconex cung cấp. Thời gian vừa qua, chúng tôi thường xuyên phải chịu cảnh mất nước do vỡ đường ống, hoặc cắt nước đột ngột không báo trước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Nhưng điều khiến tôi bức xúc nhất là đồng hồ nước của gia đình tôi đã bị hỏng gần 3 năm nay, tháng nào chúng tôi cũng kiến nghị với nhân viên thu tiền nước, và đã nhiều lần liên hệ với công ty cấp nước nhưng đến nay vẫn chưa được sửa chữa hoặc thay mới. Khi chúng tôi đề cập đến chuyện sửa chữa đồng hồ nước, thu ngân nước có nói nếu muốn sửa luôn thì gia đình phải mất phí, chúng tôi chấp nhận nhưng sau đó vẫn không thấy bên Công ty CP Nước sạch Vinaconex cho người đến thay đồng hồ mới.

Và gần 3 năm nay, vì không có đồng hồ nước nên tháng nào gia đình tôi cũng phải đóng một khoản tiền theo cách tính ước lượng là 100.000 đồng, trong khi gia đình chỉ có hai người lớn và một trẻ con. Nếu với nhu cầu sử dụng bình thường, chúng tôi sẽ chỉ mất khoảng 20.000 đồng/tháng vì ban ngày không có ai ở nhà, chỉ sử dụng nước vào buổi tối.

Qua sự việc nước nhiễm Asen gấp 4 lần mức cho phép tại Trạm cấp nước Mỹ Đình 2, chúng tôi càng thêm băn khoăn về chất lượng nước sạch ở Hà Nội. Bởi lẽ, tại sao cùng một nguồn nước, cùng một trạm cấp nước xử lý mà Bộ Y tế xét nghiệm lại có kết quả Asen cao, trong khi Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cũng lấy mẫu nước đi xét nghiệm định kỳ lại có kết quả hoàn toàn bình thường? Chính sự không đồng nhất này khiến chúng tôi cũng nghi ngại về chất lượng nước nơi gia đình đang sử dụng. Đề nghị lãnh đạo UBND TP Hà Nội cần có sự quyết liệt hơn nữa trong việc đảm bảo nước sạch cho người dân, bởi lẽ nước uống không đảm bảo sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân

Ngọc Yến - Phan Hoạt
.
.
.