Nghĩa tình ở Cù Lao Chàm

Thứ Ba, 28/04/2015, 09:06
Xuất phát từ Cửa Đại, TP Hội An (Quảng Nam), sau 30 phút, chiếc ca nô cao tốc đã cập vào bãi chính của đảo Cù Lao Chàm, có tên gọi là bãi Làng. Một Cù Lao Chàm mở ra trước mắt chúng tôi với biết bao điều “lạ lẫm”...

Người phụ nữ tên Nhung làm nghề cho thuê xe máy ở bãi Làng, vui vẻ dẫn chúng tôi đến phòng trưng bày truyền thống, chỉ vào tấm bản đồ và bắt đầu làm hướng dẫn viên miễn phí. Chị còn hào phóng dẫn chúng tôi một vòng quanh bãi Làng, đến thăm giếng cổ trăm năm, trước khi giao hẳn chiếc xe máy cho khách lạ với chỉ một cam kết giản đơn: “Khi nào không muốn đi nữa thì tới chỗ bến thuyền trả xe cho chị”.

Thấy chúng tôi nửa tin nửa ngờ, chị Nhung cười hiền, bảo: “Ở đây nhà cửa để ngỏ cả ngày đêm không mất thứ gì, huống chi chiếc xe máy nặng nề như ri”.

Chúng tôi dạo một vòng quanh bãi Làng. Những ngôi nhà san sát nhau, hướng mặt ra biển, tựa lưng vào núi đá. Nhà nào cũng để ngỏ cửa. Đến đâu chúng tôi cũng nhận được lời mời đon đả với ấm nước lá ủ nóng sẵn sàng, dù chủ và khách chưa một lần quen biết. Trên con đường bê tông phẳng phiu chạy dọc bãi biển đi qua bãi Làng, bãi Hương, bãi Ông…, dưới những rặng dừa tỏa bóng, nhiều ngư dân, phần lớn là cánh phụ nữ ngồi mải mê đan lưới.

Bà Hoa, một ngư dân của đảo tâm sự: “Người cù lao không phải đi xa, với con thuyền nhỏ và chục tấm lưới, chỉ cần cất neo thuyền một đoạn là có thể buông lưới bắt cá. Mấy trăm năm qua, cuộc sống của người cù lao vẫn diễn ra như thế. Chưa ai bỏ xứ mà đi!”.

Ở Bãi Hương, chúng tôi rất ấn tượng với người phụ nữ tên Ngôn, 60 tuổi: “Trưa rồi ghé lại má nấu cơm cho mà ăn. Ở đây tìm hàng quán phải về bãi Làng, đường sá khó đi lắm!”.

Cô Trái đã hơn 30 năm miệt mài gieo chữ ở Cù Lao Chàm.

Bữa cơm của người mẹ xứ cù lao vỏn vẹn có bát canh rau cải nấu muối với đĩa cá sơn vớt vội bên mé biển, thật ấm tình. Sinh ra và lớn lên ở cù lao, hai mươi tuổi, bà kết duyên với một người con trai làng chài này. Có với nhau ba mặt con, khi đứa út được 2 tuổi thì chồng bà mất đột ngột. Mình bà một nách ba đứa con, phận gái không thể vươn khơi, đành buôn thúng bán bưng với mớ cá, hoặc ai kêu gì làm đó.

Những năm lại đây, khách đến cù lao ngày một đông, bà chọn mở cái quán tạp hóa cùng cà phê cóc để mưu sinh. Nghĩ đời con không thể vất vả như bố mẹ, bà quyết tâm cho con ăn học. “Cứ lên cấp 2 là tui vay mượn cho con vào đất liền theo học. Chừ hai đứa đầu tốt nghiệp cao đẳng, có việc làm ở đất liền. Đứa út năm nay lên lớp 11 rồi”, bà Ngôn khoe.

Bà Nguyễn Thị Nông, một cư dân ở bãi Hương tiết lộ với khách: “Đến đây mà chưa tới điểm Trường Mầm non – Tiểu học Tân Hiệp 2, xem các cháu học chữ và nghe chuyện về tấm lòng cô Trái bám đảo thì coi như chưa đến Cù Lao Chàm”. Tầm 5 giờ chiều, trường vẫn còn vang tiếng đọc bài. Bên cạnh 2 phòng dành cho bậc mầm non, một dãy khác gồm 3 phòng dành cho bậc tiểu học. Với vỏn vẹn có 3 cô giáo và 16 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, nhưng không khí dạy học diễn ra rất nghiêm túc.

Ấn tượng đập vào mắt chúng tôi là cô giáo lớp 5 với lớp học có sĩ số 5 học sinh. Những bước chân của cô hơi khó nhọc bởi tấm nẹp lưng làm mất đi phong thái tự nhiên. Trên bàn học của các em, mỗi bàn đều đặt sẵn một cây đèn dùng pin.

Cô Trái cho biết: “Ở đảo, tầm hơn 2h chiều là trời bắt đầu tối. Những ngọn đèn nhỏ này cùng một cây đèn tích điện lớn vừa được Phòng Giáo dục TP Hội An tặng đầu năm học để giúp có ánh sáng cho các em học chữ”.

Chúng tôi thắc mắc về chiếc nẹp lưng, cô Trái trầm ngâm kể: “Cách đây 6 năm, khi em về điểm trường chính để dự họp, người dân tình nguyện chở em đã không may lạc tay lái ở một khúc cua dốc núi đá. Tai nạn khiến cả 2 người bị đa chấn thương. Riêng em bị chấn thương nặng cột sống, phải nằm bệnh viện hàng tháng trời và vẫn phải tiếp tục bó nẹp lưng từ đó đến nay”…

Rời hòn đảo nhỏ Cù Lao Chàm thanh bình trên chuyến đò dập dềnh vượt sóng trở lại đất liền, sau lưng chúng tôi, lời cụ Nguyễn Bốn, 72 tuổi, một cư dân ở đảo vẫn vang vang: “Đất cù lao nhờ có những cô giáo giàu nhiệt huyết như cô Trái mà tụi trẻ được học con chữ, thoát đời chài lưới cơ cực”.

Thanh Bình
.
.
.