Nghĩa tình người lính nơi cửa biển, cửa sông

Thứ Bảy, 22/02/2014, 11:46
“Đêm nằm ngủ ở đất liền răng mà sướng lạ! Ngủ một giấc từ tối đến sáng mà cảm giác cứ như đã ngủ nhiều ngày”, mệ Hồ Thị Phúc trong căn nhà mới bên cửa biển, cửa sông thôn Phú Hội, xã Triệu An, huyện Triệu Phong, Quảng Trị cười rạng rỡ. Gần hết đời người mà với mệ, đó như chuyện nằm mơ!

Không chỉ mệ Phúc, hơn 40 bà con khác ở vùng đất này đã được lên bờ định cư, sinh sống trong những căn nhà xây vững chãi. Nghĩa tình này với bà con trước hết phải kể đến những người lính Biên phòng Đồn Cửa Việt, cùng với sự giúp sức của chính quyền, đoàn thể và người dân địa phương.

Con đường dẫn vào xóm nhà mới của người vạn đò thôn Phú Hội còn đó những dấu tích đau thương của chiến tranh. Tấm bia trên đường ghi danh bảy liệt sĩ hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ tăng gia sản xuất đã mãi để lại trong lòng đồng đội và người dân hình ảnh đẹp về những người cán bộ, chiến sĩ Biên phòng dũng cảm trong thời chiến, cần mẫn trong thời bình.

Theo Trung tá Đặng Ngọc Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Việt, thì cho đến nay, sau nhiều lần rà phá, vùng đất đồn đóng chân hiện tại vẫn còn rất nhiều bom mìn sót lại sau chiến tranh. Do nhu cầu của bà con vạn đò không muốn sinh sống ở nơi xa sông nước, Đồn Biên phòng Cửa Việt đã đề xuất với lãnh đạo Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Trị rà phá bom mìn, xây kè chắn sóng, tạo mặt bằng ở khu đất sửa chữa tàu thuyền của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh để xây dựng nhà cho 7 hộ dân vạn đò ở đây. Công việc bắt đầu vào đầu 2013, đến trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 3 tháng, những ngôi nhà mới được xây dựng hoàn thành. Bên cạnh Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, UBMTTQVN tỉnh và huyện Triệu Phong hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ, các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tỉnh và Đồn Biên phòng Cửa Việt còn giúp đỡ bà con gần 1.300 ngày công, làm việc tích cực trong nhiều tháng…

Cuộc sống của người dân vạn đò thôn Phú Hội đã có nhiều đổi thay nhờ sự giúp đỡ của những người lính Biên phòng.

Giêng hai nhưng nắng ấm vàng bờ bãi. Đứng ở khu nhà mới nhìn ra phía biển là cây cầu Cửa Việt lừng lững bắc qua dòng sông Hiếu. Hỏi chuyện sinh sống ở đây, mệ Phúc cười rạng rỡ: “Sướng lắm con ơi, nhất là ngủ được tròn giấc! Nhiều sáng mệ thức dậy mà cứ tưởng mình đang mơ!”. Cũng như bao người vạn đò khác, mệ Phúc không rõ quê hương bản quán của mình, chỉ biết lúc lớn lên sống ở vạn đò Phú Tân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Rồi lấy chồng, sinh con đẻ cái cũng ở đó, cho đến sau giải phóng, mệ theo chồng lang thang khắp các sông nước khác ở Thừa Thiên – Huế, rồi trôi dạt về sông nước Quảng Trị sinh sống đã hơn 35 năm nay. Đời người vạn đò dài về đêm vì chập chờn trong giấc ngủ và lúc lênh đênh trên mặt nước mưu sinh, nhưng cũng chóng qua như ai đó ném viên đá từ bờ sông bên này sang phía bên kia. Mệ bảo cảm giác mới đó mà đã gần qua hết một đời người, tóc đã bạc trắng và chẳng rõ lúc nào đã đẻ tới 13 người con, đứa Vơ, đứa Xó, rồi Mú, rồi Cỏ như chính cái kiếp sống của người dân vạn đò! Đời sống vất vả, thiếu thốn nên trong 13 người con, có tới 4 đứa chết do bệnh tật, không có thuốc thang chữa trị. 9 đứa còn lại thì 2 đứa theo chồng, ra riêng, rồi cùng chồng chèo “nhà” đi các con sông khác để kiếm sống. Khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, đại gia đình mệ Phúc với 7 hộ dân, sau khi đã lang bạt nhiều nơi trên các sông nước Quảng Trị, đã lần tìm về cuối dòng sông Hiếu để tá túc, mưu sinh. Và, đây sẽ là điểm dừng chân cuối cùng trong đời vạn đò của họ!

Ông Lê Văn Vơ, 68 tuổi, con đầu của mệ Phúc tâm sự: “Người dân ở đây sống rất hiền hòa và tình cảm, cửa sông cửa biển lại nhiều con cá con tôm nên tất cả anh em chúng tôi đều quyết định gắn bó lâu dài ở đây. May mắn hơn, anh em chúng tôi được Bộ đội Biên phòng cho đất ở cùng với sự giúp đỡ vật chất khác để xây dựng 7 ngôi nhà khang trang, sinh sống rất thuận tiện”. Rồi ông Vơ chợt nhìn ra phía sông nước, rơm rớm nước mắt xúc động: “Với chúng tôi, không có gì quý hơn sự giúp đỡ nghĩa tình này của các anh bộ đội. Các anh đã làm thay đổi số phận của hơn 40 con người chúng tôi. Được sống trên bờ, con cái chúng tôi mới có điều kiện học được cái chữ, mới có cơ hội và điều kiện để hướng tới tương lai, không còn phải nay đây mai đó lênh đênh trên sông nước nữa…”.

 Mỗi căn nhà ở đây đều được xây dựng khá rộng, gồm phòng khách, gian thờ, 2 phòng ngủ và bếp. Khi tôi đến, mệ Phúc đang tíu tít bên 2 cháu nội, cùng con trai út và người con dâu. Người con út được đặt tên đẹp nhất trong số 13 anh em, Lê Văn Ánh. Thấy vợ chồng hạnh phúc, tôi hỏi: “Thế hôm lên bờ, anh có tổ chức cưới lại chị không!?”. Anh Ánh trộm nhìn chị: “Có chứ! Cảm giác trên bờ khác lạ lắm!”, rồi cười nắc nẻ. Anh bộc bạch, nhờ sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng, chính quyền và người dân địa phương mà ngay khi đến đây sinh sống, anh đã nghĩ ngay đến việc cho các con đi học. Nhờ đó, con đầu của anh nay tốt nghiệp lớp 12 và đang học nghề ở TP Đà Nẵng, 4 cháu còn lại đều đang theo học từ mẫu giáo đến lớp 11...

Thanh Bình
.
.
.