Thừa Thiên - Huế:

Nghị lực vươn lên của “triệu phú” vùng cát

Thứ Tư, 29/10/2014, 09:48
Chưa tròn 25 tuổi, Hồ Kham (trú thôn Cổ Tháp, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã “dính” vào vòng lao lý. Thế nhưng, bằng sự cảm hóa của các cán bộ ở Trại giam Bình Điền và nghị lực của bản thân, nên sau khi mãn hạn tù, Kham đã thi đỗ vào Trường Đại học Kinh tế Huế để trở thành một trong những “triệu phú” ở vùng cát trắng Cổ Tháp bây giờ…

Một đêm giữa năm 2000, người thân của Kham bàng hoàng nghe tin Kham bị Công an bắt khi tham gia một vụ xô xát, ẩu đả giữa 2 nhóm thanh niên làm nhiều người bị thương. Sau khi bị Công an huyện Quảng Điền khởi tố về hành vi “cố ý gây thương tích”, Kham bị TAND cùng cấp xử phạt 9 tháng tù giam. Trong những ngày cải tạo ở Trại giam Bình Điền, được các cán bộ trại giam quan tâm, ân cần động viên nên Kham dần nhận ra được lỗi lầm của mình. Mãn hạn tù, Kham đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Điền để nộp đơn xin học tiếp chương trình cấp 3. Tốt nghiệp THPT, năm 2005, Kham thi đỗ vào Trường Đại học Kinh tế Huế. “Sau 4 năm miệt mài đèn sách, mình háo hức cầm tấm bằng cử nhân kinh tế đi xin việc tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và cả Hà Nội; nhưng không ngờ rằng, vì một “chấm đen” trong quá khứ, nên không có cơ quan nào chịu nhận mình cả. Bất lực, mình đành quay về tìm cách mưu sinh trên quê nhà bằng việc chăn nuôi gà, lợn...”, hướng đôi mắt nhìn lên bầu trời xa xăm, Kham tâm sự trong nỗi buồn.

Anh Hồ Kham (ngoài cùng góc phải) được Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tuyên dương về thành tích tái hòa nhập cộng đồng.

Dẫn chúng tôi ra trang trại của Kham nằm giữa mênh mông màu xanh keo tràm, ông Nguyễn Tường, Bí Thư Đảng ủy xã Quảng Lợi, cho biết thêm: Khi nghe tin Kham chấp hành xong án tù, nỗ lực thi đỗ đại học, nhưng vẫn không xin được việc nên năm 2010, địa phương đã cấp cho gia đình Kham 6ha đất trên vùng cát Cổ Tháp này để làm trang trại... “Thật không ngờ sau 4 năm, anh Kham đã trở thành một trong 15 hộ dân làm kinh tế giỏi của xã với thu nhập từ 180 đến 250 triệu đồng/ năm. Trang trại của anh Kham còn tạo việc làm thời vụ cho 10 lao động địa phương với mức lương 5 triệu/ tháng. Đây là thành quả mà địa phương hết sức ghi nhận bởi anh Kham đã vượt qua sự mặc cảm, nghi kỵ của xã hội sau ngày ra tù để vươn lên làm giàu!”, ông Tường khẳng định.

Đứng bên khu nuôi lợn được xây dựng với quy mô gần 100 triệu đồng, “triệu phú” trẻ đang ở tuổi tứ tuần còn hồ hởi chia sẻ rằng, bình quân mỗi năm anh cho xuất chuồng khoảng 10 nghìn con gà; 500 lợn thịt và 2 tấn cá. “Ngoài gà, lợn và cá, mình còn nuôi thêm 2 khu chuồng lợn rừng trên 50 con và trồng 3ha rừng keo tràm. Tới đây, rừng tràm này mình sẽ bán và thu lợi trên 100 triệu đồng. Có thêm vốn, gia đình mình sẽ tiếp tục mở rộng mô hình trang trại này”, anh Kham khẳng định quyết tâm.

Với sự nỗ lực và ý chí vượt khó, Hồ Kham đã trở thành tấm gương điển hình được Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tuyên dương và trao tặng giấy khen trong công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Nghị định 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Đặc biệt hơn, hiện có hàng chục hộ dân ở xã Quảng Lợi đã và đang học tập, đầu tư làm kinh tế theo mô hình trang trại của anh để thoát nghèo, vươn lên làm giàu…

Lê Anh
.
.
.