Nghị lực phi thường của cô sinh viên tật nguyền

Thứ Hai, 13/12/2010, 19:21
Với lòng quyết tâm và nỗ lực cố gắng, cô bé bại liệt Nguyễn Thùy Chi đã vượt qua tất cả khó khăn để trở thành sinh viên của Học viện Báo chí và tuyên truyền... Câu chuyện của Nguyễn Thùy Chi như một câu chuyện cổ tích, khiến ai cũng phải khâm phục nghị lực phi thường của em.

Tuổi thơ khó khăn và thiếu thốn tình mẫu tử

Chi kể: Em bị liệt từ nhỏ. Dây thần kinh số 7 bị cứng nên khi đã đến tuổi biết lẫy, Chi không biết lẫy như những đứa trẻ bình thường khác, rồi Chi không biết ngồi. Và nỗi buồn nối tiếp nỗi buồn. Mẹ em đã bỏ đi, bỏ lại đứa con bé bỏng tật nguyền côi cút để đi tìm hạnh phúc mới. Tuổi thơ của Chi lớn lên trong bệnh viện với những đợt châm cứu, những đợt vật lý trị liệu và sau đó là gắn liền với chiếc xe lăn.

Nhưng bù đắp lại sự thiếu hụt tình cảm mẫu tử, em được nhận vô vàn sự yêu thương của ông bà nội và người bố của mình. Chi được đi học bằng bạn bằng bè là do ông bà cõng trên lưng, đưa em đến lớp. Khi lớn hơn một chút, em được ông bà đặt lên xe lăn và đẩy đến lớp. Nhưng ước mơ ham học đã có sẵn trong con người Chi, mặc dù đối với Chi, việc học hành thực sự là khó khăn. Với cơ thể như vậy, em không thể tự viết, chỉ học bằng cách nghe cô giáo giảng bài và nhớ lại. Nghe những bài cô giảng, những con chữ cứ thế đi vào tâm hồn em. Niềm đam mê đã giúp Chi vượt qua mọi khó khăn. Và 12 năm học cứ thế trôi đi. Chi đã tốt nghiệp THPT và không dừng lại ở đó, Chi nuôi ước mơ được vào đại học.

Nguyễn Thùy Chi và ông bà nội.

Ngay trước kỳ thi đại học, Chi được mời tham gia trong chương trình "Góc nhìn cuộc sống" trên kênh VTV6. Có một khán giả đã tặng cho em chiếc bánh ga tô có dòng chữ "Thùy Chi cố lên". Điều này đã đem lại niềm phấn khích rất lớn cho Chi. Và cũng trong dịp này, Thùy Chi đã được đi thăm Trung tâm Nghị lực sống và gặp Giám đốc Nguyễn Công Hùng, một người bị khuyết tật. Chi đã nhớ như in lời khuyên của anh Hùng: "Nếu chúng ta có nghị lực sống, chúng ta sẽ có được ước mơ".

Với tất cả những nguồn động viên đó đã thôi thúc Thùy Chi tham dự kỳ thi đại học. Và cô đã trúng tuyển nguyện vọng 2 Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Khoa Quản lý xã hội.

Dang đôi cánh ước mơ

Căn phòng nhỏ bé trong ký túc xá nhưng chứa bao ước mơ của Chi. Một chiếc máy tính, những quyển vở được viết in trên nền giấy than. Chi nhờ các bạn khi ghi bài, sẽ kê thêm một chiếc giấy than. Chi sẽ mang bản này về nhà học. Trên bàn có những cuốn giáo trình, và những quyển vở với nét chữ nguệch ngoạc. Tôi giở ra xem. Chi bảo, Chi đang học tiếng Trung. Một điều thật bất ngờ ở trang sau, nét chữ đã tròn đầy hơn.

Để đạt được ước mơ, sự cố gắng của Thùy Chi là đáng kinh ngạc. Nhưng đồng hành cùng với em, là tấm lòng của những người thầy, người bạn và của cả gia đình, họ hàng ở quê. Cả nhà đã chắt chiu từng đồng gửi xuống cho em ăn học. Gia đình thuê cho Chi một người giúp việc, đỡ đần cho em trong những công việc hằng ngày. Tôi quay sang hỏi chị giúp việc: "Sống với Chi đã vài tháng, Chị thấy Chi là người thế nào?". "Chi là một cô bé có nghị lực. Điều đó thì không phải nói ai cũng biết. Ít khi thấy Chi buồn. Chi chỉ tâm sự: "Chỉ buồn nhất là mỗi khi đến ngày sinh nhật mà không có mẹ ở bên".

Mẹ của Chi, nếu đọc được những dòng này sẽ không khỏi xót xa, ân hận khi để đứa con bé bỏng tật nguyền của mình mà ra đi. Nhưng dù hoàn cảnh có thế nào, Chi vẫn vượt qua tất cả, để vươn tới những ước mơ như những vần thơ em đã từng viết: "Tôi mơ mình là chim/Để dang đôi cánh mềm/Bay đến khắp mọi miền/Ngắm đất trời rộng lớn…"

Khánh Linh
.
.
.