Nghị lực của 3 anh em mồ côi người Mã Liềng

Thứ Ba, 04/02/2014, 10:17
Ở tận Bản Chuối xa xôi của xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) có 3 anh em mồ côi người dân tộc Mã Liềng sống thui thủi trong mái nhà nghèo vách gỗ đơn sơ. Bố mẹ không may lần lượt qua đời nên em Phạm Văn Loan (14 tuổi) đành phải nghỉ học giữa chừng để lên rừng kiếm củi, bẻ măng đổi gạo, “nuôi chữ” cho 2 người em ruột của mình...

Một ngày cận Tết cổ truyền Giáp Ngọ, trong cái rét cắt da cắt thịt của miền núi sơn cước Lâm Hóa, chúng tôi được một dân bản tận tình dẫn đường đến thăm căn nhà 3 anh em Loan đang ở. Căn nhà vách tường được lợp bằng những tấm gỗ cách thửa siêu vẹo sắp chực đổ vắng ngắt… Một lát sau, Loan mới từ rừng trở về, sau lưng em là một bao gai chứa đầy những búp măng. Em bảo: “Số măng này em đem bán cho hàng xóm để đổi lấy ít gạo nấu bữa cơm trưa...”.

Khi chúng tôi hỏi về hoàn cảnh gia đình, Loan tâm sự rằng, khoảng tháng 11/2012, mẹ em là Phạm Thị Toi đã chết vì căn bệnh lao. Trước đó, dù biết đang mắc bệnh hiểm nghèo nhưng vì hoàn cảnh quá nghèo khó, không đủ tiền thuốc thang, nhiều hôm lại phải lao lực để lên rừng kiếm cái ăn cho các con nên bệnh tình mẹ em ngày một trở nặng và dần không thể cứu chữa.

Mẹ mất, bố Loan là ông Phạm Văn Quang phải cật lực mưu sinh, ai thuê gì làm nấy để có thể lo cái ăn và tiền trường cho các con. “Nhà chẳng có ruộng vườn chi nên hôm nào bố cũng đi phát rẫy thuê cho người ta. Lúc hết việc thì bố chuyển sang làm nghề phụ hồ quanh xã. Bố đã làm tất cả mọi việc chỉ để lo cho chúng em có cơm ăn ngày 3 bữa và không phải bỏ học...”, Loan ngậm ngùi, rưng rưng nước mắt tâm sự cùng chúng tôi.

Nhờ nghị lực của anh trai 14 tuổi mà hai em Đàn và Hiền có thể cắp sách đến trường học chữ.

Thế nhưng, nỗi đau mồ côi vẫn chưa dừng lại khi vào giữa năm 2013, anh em Loan một lần nữa, đầu phải quấn khăn tang khi bố em đột ngột qua đời sau một cơn đột quỵ. Ngày đám tang ông Quang, người dân Bản Chuối đã kéo nhau đi đưa tang chật kín cả con đường mòn nhỏ dẫn lên nghĩa địa của bản. Nhìn 3 anh em Loan còn thơ dại, nhưng đã phải chịu cảnh mồ côi cả bố lẫn mẹ mà nhiều người đã không cầm được nước mắt…

Bỏ lại sau lưng nỗi đau mồ côi, dù mới 14 tuổi đầu nhưng Loan đã nhận ra được rằng, giờ em phải thay bố mẹ để chăm lo cho 2 em nhỏ của mình. Hằng ngày, khi con gà rừng còn chưa cất tiếng gáy, Loan đã thức dậy để chuẩn bị áo quần, sách vở để hai em Phạm Thị Hiền (9 tuổi), học lớp 4B và Phạm Văn Đàn (12 tuổi), học sinh lớp 7B, trường Tiểu học và THCS Lâm Hóa, đến trường học cái chữ. Xong việc, Loan mới xuống bếp lấy bộ “đồ nghề” gồm con dao, cái cuốc chim cùng cái bao gai cũ sờn để vào rừng đào củ, bẻ măng đem về bán lấy tiền mua gạo. Những ngày cuối tuần, anh em Loan lại lội xuống con suối ở phía quả đồi bên kia để mò cua, bắt ốc. Ấy thế mà, suốt 3 tháng qua, các em chưa có bữa cơm nào được gọi là một... bữa no.

Nhìn lên bàn thờ bố, em Đàn rơm rớm nước mắt rồi trải lòng với chúng tôi như một người lớn thực thụ. Em nói: “Ngày đó, nếu nhà còn gạo, chắc bố đã không phải chết oan uổng như rứa mô chú ơi. Suốt mấy hôm liền bố đi làm về, bố bảo bố đã ăn cơm ở nhà người ta rồi nhưng thực ra, em biết bố nhịn đói để nhường cơm cho tụi em. Vì thế mà đến lúc trời rét, bố không còn sức nên mới... Chúng em thương bố lắm!”. Giọng của cậu bé cứ ngắt quãng sau những tiếng nấc khiến chúng tôi không thể kìm lòng.

Thầy Nguyễn Văn Thành, giáo viên chủ nhiệm lớp 4B, trường Tiểu học và THCS Lâm Hóa còn cho biết: Nhiều năm qua, gia đình Loan thuộc diện đặc biệt khó khăn nên cứ vào đầu năm học, nhà trường đều tặng sách, bút và miễn giảm nhiều khoản lệ phí để động viên các em đến lớp. “Dù hoàn cảnh nghèo khổ, lại chịu cảnh sớm mồ côi nhưng cả 3 anh em Loan đã sống rất nghị lực. Nhờ có sự cần cù, chịu khó của Loan mà đến nay, cả Đàn và Hiền đã không phải nghỉ học giữa chừng và các em học rất tiến bộ. Tới đây, nhà trường sẽ hoàn thành hồ sơ để giúp các em hưởng chính sách mồ côi đúng theo quy định của Nhà nước”, thầy Thành cho hay.

Chia tay tôi, em Loan nói rằng, giờ em chỉ mong được nhiều sức khỏe để có thể đi rừng được nhiều hơn, hái được nhiều măng rừng để đổi gạo nuôi 2 em nhỏ. Riêng Đàn và Hiền lại có ước mơ được học thật giỏi để sau này trở thành giáo viên và bác sĩ với hy vọng làm được nhiều việc có ích giúp đỡ cho bà con dân bản. Qua bài viết này, mong rằng sẽ có nhiều tấm lòng hảo tâm mở rộng vòng tay nhân ái, giúp đỡ cho 3 anh em Loan để các em có thể vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống và thực hiện được ước mơ của mình

Lê Anh - Kiều Vân
.
.
.