Nghề thông cống

Thứ Tư, 18/04/2007, 09:37
Mỗi lần cúi người cào đất bùn dưới đáy cống, nước ngập tận vai. Thỉnh thoảng người công nhân thông cống lại moi lên khi là cả cây gỗ dài dính đầy bùn, lúc là xác súc vật chết, có lúc là kim tiêm…

Khi ánh nắng chưa kịp xua đám sương mù buổi sáng thì những người công nhân làm vệ sinh đường cống đã tất bật với công việc. Hàng ngày, công nhân thông cống đến địa điểm làm việc rất sớm, bật nắp đậy miệng hố ga cho mùi hôi và khí độc thoát ra bớt đi. Trong khi chờ đợi, các anh chị tranh thủ ăn lót dạ bằng nắm xôi vừa mua bên đường, hoặc chuẩn bị công cụ lao động để vào ca.

Nếu như trên miệng cống chỉ nghe tiếng máy nổ, thấy bùn chuyền lên xe từng thùng, từng thùng đầy xe này lại xe khác những bùn, đất cùng những chất thải như bao nilon, xác súc vật từ dưới cống lên mặt đất, thì bên dưới, vừa chạm lòng cống là các anh đã cặm cụi cào đất, xúc bùn cật lực dưới hầm ga để nhanh chóng hoàn thành công việc trước khi nắng gắt.

Tôi đã một lần vào lòng cống để biết về nghề thông cống, nhưng xuống chừng 10 phút thôi là quần áo đã ướt sũng mồ hôi lẫn bùn và đất. Nhưng cũng chỉ đi được một đoạn, cái nóng và mùi hôi nồng nặc đã đẩy tôi leo ngược trở lên, mặt nóng bừng, mồ hôi nhễ nhại.

Đó chỉ là vào đường thông cống khô (bùn và nước chỉ dày chừng 30-50cm) trên đường Phan Xích long, phường 2, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh.

Công nhân cấp thoát nước đang lao động trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận.

Thông cống nước thì còn gian truân hơn. Một lần tôi thử xuống cống nước trên đường Hoa Phượng, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh với công nhân nạo vét cống Xí nghiệp 3, Công ty Thoát nước đô thị.

Muốn thông cống nước phải lệ thuộc vào giờ lên xuống của thủy triều. Khi thủy triều vừa xuống đủ độ an toàn để nạo vét tuyến cống hộp trên con đường này, các công nhân bắt đầu triển khai đội hình.

Tôi khó nhọc lắm mới xuống được cống trên chiếc thang treo lắc lư. Chưa vào khỏi nắp cống là một mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi. Trong lòng cống cao và rộng nhưng tôi không thể xuống theo bởi làn nước đen kịt bên dưới. Treo mình trên chiếc thang, nhìn vào mà không dám xuống ngâm mình trong dòng nước đen đó.

Cách tôi vài mét, hai công nhân tay cầm cảo cúi người cào đất bùn dưới đáy cống. Nước ngập tận vai khi mỗi lần họ cúi xuống. Cạnh đó, một công nhân khác khệ nệ bê một thùng lớn đựng bùn rác nạo vét được.

Thỉnh thoảng họ lại moi lên khi là một nùi rác, khi là cả cây gỗ dài dính đầy bùn, bao nilon và cả xác súc vật chết… Và cứ 5, 10 phút họ lại khệ nệ khiêng chiếc thùng đầy bùn về phía miệng hố ga để những người đứng trên đường kéo lên, đổ vào xe…

Được biết, năm 2006, TP Hồ Chí Minh đã xuất chi ngân sách trên 3 tỉ đồng để hỗ trợ cho công nhân ngành cấp thoát nước đô thị. Công nhân được trang bị găng tay, khẩu trang, ủng cao su... Tuy vậy, để khỏi vướng víu chân tay và dễ lần mò trong hố ga, công nhân ít khi mang bao tay. Chính vì vậy, nguy cơ bị trầy xước làm ảnh hưởng tới sức khỏe là khá cao.

Điều làm anh em công nhân lo lắng nhất là những đinh nhọn, kim tiêm nằm lẫn trong đất ở các hố ga, chỉ cần sơ ý là bị thương ngay. Công nhân thông cống ngán nhất là thông cống các khu công nghiệp, gần cơ sở sản xuất, lắp ráp bình ắc-quy hay gần nơi có tiệm sửa xe môtô là anh em đều bị dị ứng bởi nơi này thường thải các loại axít xuống thẳng đường cống. Nhiều đường cống công nhân vừa xuống là bị bỏng hóa chất…

Lao động trong môi trường này, căn bệnh mà công nhân móc cống hay mắc phải là dị ứng ngoài da, nhất là vùng kín, bị ghẻ, ngứa mẩn đỏ cả người và bệnh đường hô hấp thì 100% không ai tránh khỏi.

Điều đáng quý nhất là tinh thần làm việc dù lúc ở dưới cống hay nghỉ trên vỉa hè trong bộ đồ bảo hộ lao động sũng nước và bùn đất, họ vẫn tươi nguyên nụ cười chân chất.

Anh công nhân tên Bình tâm sự: "Công việc và cuộc sống của chúng tôi bây giờ đã tốt hơn rất nhiều so với trước đây". Công nhân được trang bị đủ những bộ đồ bảo hộ mới để thay đổi, có máy quay lòng cống, xe hút bùn, xe thông rửa lòng cống... Và đồng lương phần nào đã xứng đáng hơn với công việc của công nhân.

Khi chia tay, nhìn những nụ cười chân chất ấy, tôi tự nhủ giá như mọi người ý thức hơn trong việc phân loại rác và đừng bao giờ vứt rác xuống cống. Thành phố hôm nay thêm sạch là nhờ rất nhiều vào những người công nhân thông thoát cống cần mẫn này

Phương Nam
.
.
.