Nghề "gõ đầu... Tây"

Thứ Hai, 10/12/2007, 11:02
Dạy ngoại ngữ cho người Việt không còn đứng top đầu công việc làm thêm của sinh viên. Độ "hot" hiện nay thuộc về nghề gia sư tiếng Việt cho người nước ngoài như một số sinh viên tự hào "tếu": Nghề "gõ đầu... Tây".

"Đỉnh cao" của nghề gia sư

Không phải ngoa ngôn khi gọi gia sư cho người nước ngoài là "đỉnh cao của nghề gia sư. Trước hết xét về thu nhập, rõ ràng so với những việc làm thêm khác, ngay cả gia sư cho người Việt thì dạy tiếng Việt cho người ngoại quốc có mức thu nhập cao hơn từ 4 đến 5 lần. Với sinh viên, mức giá: 6 đến 10 USD một buổi là khoản thu nhập khá cao vừa trang trải chi phí sinh hoạt, học tập vừa góp phần cải thiện cuộc sống.

Như Thủy - cô bạn đến từ Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc (sinh viên khoa tiếng Anh, Trường Đại học ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội) tâm sự: "Hai năm đầu, em vô tư lắm, chỉ lo ăn học trong sự bao cấp kinh tế của gia đình. Nhưng đến năm thứ 3, khi em trai trúng tuyển Học viện Bưu chính - Viễn thông thì việc hai chị em học ở Thủ đô không chỉ là niềm tự hào mà còn là nỗi lo khá nặng với bố mẹ - công nhân viên chức bình thường. Em bắt đầu tính đến việc dạy thêm".

Qua giới thiệu của bạn bè, Như Thủy dạy kèm tiếng Việt ngay tại nhà cho vợ một doanh nhân người Hàn. Mặc dù khả năng ngoại ngữ chưa thật tốt, nhưng sự nhiệt tình và chu đáo trong công việc đã khiến Thủy nhanh chóng chiếm được cảm tình của cô học trò đến từ xứ sở Kim Chi.

Nhờ vậy mà trong suốt năm học thứ 3, không chỉ đỡ phần nào gánh nặng cho bố mẹ nơi quê nhà, Như Thủy còn mua thêm được nhiều sách vở, tài liệu phục vụ cho việc học ngoại ngữ bằng chính những đồng tiền mình làm ra. Nhưng điều quan trọng nhất mà Thủy có được chính là sự tiến bộ trong giao tiếp bằng tiếng Anh. Dạy tiếng Việt cho người Hàn bằng tiếng Anh không phải là công việc dễ dàng nhưng lại là một môi trường tốt để Thủy rèn luyện, nâng cao khả năng giao tiếp Anh ngữ.

Những khó khăn đặc thù cũng khiến việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài được xem là "đỉnh cao" của nghề gia sư. Tiếng Việt vốn phong phú, đa thanh điệu, có đặc tính không biến hình…, người Việt học tiếng Việt còn phải thốt lên: "Phong ba bão táp không bằng…" nói gì người nước ngoài.

Ngọc Diệp (sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội) khoe cuốn sách mượn của em họ… học lớp 1 để… soạn giáo án: "Mình học tiếng Anh được xếp vào hàng top, từng đoạt giải học sinh giỏi quốc gia. Vậy mà giờ phải đi học lại tiếng Việt như học sinh tiểu học. Nhưng nếu không học thì không thể dạy được. Người Anh và người nước ngoài nói chung phát âm không có dấu như người Việt Nam mình nên khó dạy lắm. Khó hơn cả dạy trẻ con tập nói. Chỉ dạy phát âm thôi cũng đã đủ mệt!".

Cùng tâm sự với Ngọc Diệp, Như Thủy khẳng định: "Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài không đơn giản như nhiều người nghĩ. Em dạy giao tiếp đơn thuần thôi nhưng cũng vất vả lắm. Riêng phần chào hỏi đã phải mất cả một buổi tối chỉ để… giải thích. Này nhé, tiếng Việt mình đâu phải chỉ đơn giản là "chào" không thôi, mà "chào anh" khác "chào chị", "chào cô" khác "chào chú"… Ngay cả câu hỏi: "Bác đi đâu đấy?", "Chị ăn cơm chưa?", "Cô đi chợ ạ?"… cũng là một lời chào".

Những sinh viên có trách nhiệm với "học trò" và công việc của mình như Ngọc Diệp và Như Thủy không nhiều. Nhiều sinh viên khả năng ngoại ngữ chưa cao, khả năng "nội ngữ" chưa chuẩn vẫn chạy đua theo mốt. Một số lại cho rằng người nước ngoài một chữ tiếng Việt bẻ đôi cũng không biết nên dạy tiếng Việt cho họ có gì là khó, ai dạy chẳng được. Chính những gia sư này đã làm mất đi vẻ đẹp và sự trong sáng của tiếng Việt bởi cách giải thích na ná, dạy cả tiếng lóng, nói ngọng, viết sai chính tả...

Họ không ý thức được vai trò to lớn của mình trong việc truyền bá tiếng nói, truyền thống, lịch sử và văn hóa Việt đến bạn bè thế giới. Họ càng không hiểu rằng nghiêm túc với học trò và công việc của mình cũng chính là trách nhiệm với tiếng mẹ đẻ, với dân tộc mình.

1001 kiểu cảnh giác

Không chỉ ảnh hưởng tới thời gian học tập như những công việc làm thêm khác, gia sư cho người ngoại quốc cũng mang lại không ít rắc rối. Mối quan hệ cô nữ và trò nam (phần đa là lớn tuổi hơn), những cám dỗ và cạm bẫy... buộc sinh viên phải có một bản lĩnh thật vững vàng.

Viện (sinh viên Khoa tiếng Trung - Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội) bạn cùng phòng ký túc xá với Như Thủy tâm sự: “Năm ngoái em có dạy kèm tiếng Việt tại nhà cho hai người Đài Loan. Một người làm ở sân bay Tân Sơn Nhất, một người mở hiệu kinh doanh gà chiên. Thời gian đầu em căng thẳng lắm. Họ tặng quà hay kỷ niệm cái gì cũng kiên quyết không nhận, mời đi ăn là phải dứt khoát từ chối, ngay cả rót nước mời cũng không dám uống. Học trò bán gà chiên mà nửa năm em không dám ăn... một cái cánh gà dù các chị làm công ở đấy mời cô giáo rất nhiệt tình. Dần dần thấy họ là người tốt, em đã thoải mái hơn.".

Sự cảnh giác cao như Viện không bao giờ thừa vì không thiếu những sinh viên chỉ sau một thời gian ngắn trở nên sa ngã do không đủ bản lĩnh trước những nguy hiểm và cám dỗ của công việc.

Có được môi trường làm việc tốt như Thủy, Viện và Diệp là điều may mắn, bởi sinh viên khi làm gia sư cho người nước ngoài là phải xác định cho mình một bản lĩnh vững vàng và lập trường chắc chắn trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Thế mới biết, gia sư cho người ngoại quốc là cả bản lĩnh và lập trường chứ không đơn thuần chỉ là nghề kiếm cơm hay việc làm thêm ngoài giờ

Lê Thùy Linh
.
.
.