Ngày về không cô đơn

Thứ Ba, 21/10/2014, 09:06
Về thôn Phúc Thọ, xã Hòa Phong, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Đình Thoại (40 tuổi), một tấm gương đầy nghị lực, sau khi chấp hành án phạt tù về địa phương đã chăm lo gây dựng và phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, tạo công ăn việc làm cho nhiều bà con trong thôn.

Ngày ấy, nghe theo lời rủ rê của bạn bè với những hứa hẹn về những khoản lợi nhuận kếch sù, chàng trai nghèo Nguyễn Đình Thoại đã từ bỏ nghề mộc truyền thống để cùng một số người bạn đi buôn hàng cấm. Anh vẫn nhớ như in ngày hôm ấy, đúng ngày Tết ông Công ông Táo năm 2007, khi đang vận chuyển lô hàng đầu tiên, anh đã bị bắt cùng với 44,5kg pháo và bị kết án 18 tháng tù giam. Ngày trở về, biết mình đã làm khổ vợ, khổ con nhiều, anh ân hận lắm. Được mọi người động viên, anh bắt tay vào gây dựng lại nghề mộc của cha ông, quyết tâm làm lại cuộc đời bằng con đường làm ăn chân chính. Từ những ngày đầu khó khăn vì thiếu nguồn vốn, kinh nghiệm kinh doanh còn hạn chế, khách hàng vẫn e dè với quá khứ lầm lỗi của anh nên ít nhiều còn chưa tin tưởng vào những nỗ lực hoàn lương của anh.

Anh trải lòng, khó khăn là vậy nhưng thương vợ, thương con, anh chẳng dám nản lòng. Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền và các đoàn thể ở địa phương cùng sự động viên của bà con hàng xóm, anh chị được hỗ trợ cho vay vốn, được mọi người giới thiệu những địa chỉ mua gỗ đặc chủng hay những khách hàng mới để có thêm nhiều hợp đồng. Với anh, đó là nguồn động lực to lớn để anh có thể vượt qua khó khăn, làm lại cuộc đời. Hiện nay, cơ sở sản xuất của anh đã dần đi vào ổn định, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương, với mức thu nhập từ 8-9 triệu đồng/tháng, chuyên cung cấp sản phẩm cho những địa chỉ bán hàng nội thất uy tín trong và ngoài huyện. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm anh chị cũng thu về khoảng 300 triệu đồng.

Anh Nguyễn Đình Thoại - một tấm gương hoàn lương biết vượt lên quá khứ.

Theo lời giới thiệu của chính quyền địa phương, chúng tôi đến thăm anh Nguyễn Văn Hoan (41 tuổi, trú tại thôn Thanh Sầm, xã Đồng Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên). Cách đây 13 năm, chỉ vì không kiềm chế được cơn giận với người đồng nghiệp vốn đã có mâu thuẫn từ trước, anh đã phải trả giá bằng 24 tháng tù giam về tội cố ý gây thương tích. Vắng đi người trụ cột của gia đình trong khi kinh tế còn nhiều khó khăn, vợ anh, chị Hồng khi ấy phải gửi 3 đứa con lại cho ông bà, một mình lên Hà Nội kiếm sống bằng những gánh hàng rong. Năm 2003, chấp hành xong án phạt tù, anh Hoan trở về địa phương. Thương vợ phải một mình lặn lội mưu sinh, anh cũng lên Thủ đô tìm việc để cùng chị san sẻ gánh nặng. Nhưng rồi đồng lương kiếm được cũng chẳng thấm tháp là bao so với nhu cầu hằng ngày và những chi phí đắt đỏ nơi phố thị xa hoa. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, sự động viên của gia đình, làng xóm, anh quyết định quay về, mạnh dạn xây dựng mô hình vườn cây ăn quả, chuyên trồng bưởi, cam Vinh và cam đường Canh. Đến nay, vườn cây của anh chị mỗi năm đều cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, anh chị còn nuôi thêm hàng chục con lợn nái và lợn cấn, mỗi lứa cũng cho thu nhập hàng chục triệu đồng, vừa đóng góp thêm vào nguồn thu nhập của gia đình, vừa tiết kiệm được nguồn phân bón cho vườn cây.

Ông Lê Xuân Thúc (Trưởng thôn Thanh Sầm, xã Đồng Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) cho biết: "Trong thời gian anh Hoan đi cải tạo, biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh, các ban, ngành, đoàn thể địa phương đã thường xuyên đến động viên, giúp đỡ vợ con anh cố gắng vượt qua khó khăn. Ngày anh Hoan trở về, chúng tôi đã động viên anh chuyển từ cấy lúa sang làm kinh tế trang trại. Được sự hỗ trợ vốn của chính quyền địa phương, sự quan tâm, động viên của bà con hàng xóm, đến nay, cuộc sống của gia đình anh đã dần ổn định, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng, con cái chăm ngoan. Từ ngày về địa phương, anh Hoan luôn chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chịu khó làm ăn, sống chan hòa với mọi người nên đã sớm hòa nhập với cộng đồng, được mọi người quý mến, tin tưởng".

Những tháng ngày nhọc nhằn làm lại cuộc đời của các anh đã đi qua. Hiện tại êm ấm, đủ đầy đã xua tan mặc cảm về những tháng ngày lầm lỡ. Ai cũng đã có đủ trải nghiệm để hiểu được rằng chỉ có hoàn lương mới mang đến cho con người ta hạnh phúc chân chính. Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ tháng 10/2011 đến tháng 5/2014, tỉnh Hưng Yên có 1.661 người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011, quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, UBND tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của Nghị định tới toàn thể cán bộ và các tầng lớp nhân dân. Lực lượng Công an với vai trò nòng cốt đã tích cực giáo dục, cảm hóa, dạy nghề, hướng nghiệp và truyền đạt các kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng cho các phạm nhân, đặc biệt là các phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù. Cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức quần chúng thường xuyên phối hợp với gia đình quản lý, động viên, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương xóa bỏ mặc cảm, học nghề, tìm việc, vay vốn để chăm lo, phát triển kinh tế.

Thế mới biết, dù có sai lầm, tội lỗi, thì ngày trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình, hẳn ai cũng cảm thấy xót xa cho những người ở lại, thấy day dứt về những ám ảnh của quá khứ. Sự đùm bọc của gia đình, người thân, sự cảm thông của bà con và sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, sẽ là nguồn động lực to lớn, là điều kiện tiên quyết đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng cho những người chấp hành xong án phạt tù, giúp họ sớm quên đi mặc cảm, quyết tâm làm lại cuộc sống bằng con đường lương thiện

Phương Huyền
.
.
.