Ngày thứ 7: Mỹ “khuyên” nên tìm kiếm máy bay mất tích tại Ấn Độ Dương

Thứ Sáu, 14/03/2014, 09:19
Ông Đinh Việt Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã cho biết: Trong thời gian tới, nếu không có thêm dấu hiệu gì, chúng ta sẽ phải tính toán phương án, cách thức tìm kiếm, có thể giảm phương tiện tham gia, không thể ồ ạt như trước... Reuters dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết, nên mở rộng tìm kiếm chiếc máy bay mất tích sang Ấn Độ Dương. Ấn Độ cũng điều động máy bay và tàu chiến đến hai đảo Andaman và Nicobar trên vịnh Bengal tham gia tìm kiếm máy bay mất tích.

* Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết, nên mở rộng tìm kiếm chiếc máy bay mất tích sang Ấn Độ Dương. (Đọc thêm)

* Hoạt động tìm kiếm khổng lồ với sự tham gia của hơn 10 quốc gia đối với chiếc máy bay chở 239 người của Malaysia đã bước sang ngày thứ bảy, với diện tích mở rộng hơn 90.000km2, nhưng vẫn không có bất kỳ dấu vết nào của máy bay được phát hiện. Cũng trong thời gian này, có nhiều vật khả nghi được phát hiện, nhưng cho đến nay chưa có vật thể nào được xác nhận là của máy bay bị mất tích. Trước sự bí hiểm này, nhiều giả thiết đã được các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra, song đâu là sự thật, thì chưa ai dám khẳng định.

Chiều muộn ngày 12/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu có chia sẻ rằng: “Tôi không biết vì lí do gì, nhưng đánh giá một cách trung thực nhất thì Malaysia chưa tích cực hợp tác với Việt Nam. Việt Nam luôn công bố tất cả những gì phát hiện được và nỗ lực rất lớn trong việc tìm kiếm máy bay của Malaysia. Ngay cả ở thời điểm chuẩn bị chuyển giao kiểm soát với Trung tâm Quản lý bay đường dài (ACC) Hồ Chí Minh, khi mất tín hiệu máy bay thì chúng ta lập tức kích hoạt hệ thống radar sơ cấp để rà soát, đồng thời thông báo với nhà chức trách hàng không Malaysia nhưng họ không trả lời.

Trong quá trình tìm kiếm, khi phát hiện những dấu hiệu mới, Malaysia cũng không cung cấp đầy đủ những thông tin mới thu thập được. Máy bay của Malaysia, đáng lẽ nước này phải là đầu mối cung cấp mọi thông tin liên lạc, vậy nhưng, Malaysia chưa tích cực hợp tác với Việt Nam ngay từ khi vụ việc xảy ra”.

Song, trong ngày 13/3, Việt Nam vẫn tìm kiếm theo kế hoạch, tổ chức 4 máy bay tìm kiếm (1 CASA, 2 máy bay AN26 và 1 MI171) ở các khu vực: Máy bay dọc đường FIR tọa độ 7 độ 00 vĩ độ bắc 105 độ 00 kinh độ đông. Các tàu sẽ hoạt động từ khu vực từ 7 độ 00 vĩ độ bắc đến 105 độ 00 kinh độ đông. Vị trí tìm kiếm là khu vực Vũng Tàu, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Cà Mau, Năm Căn ở độ cao tầm thấp và tầm trung.

Đại tá Nguyễn Thanh Bình - Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau cùng thị sát với tổ bay tìm kiếm tại khu vực rừng U Minh.

Gần trưa ngày 13/3, thông tin từ Sở chỉ huy Trung tâm cứu nạn hàng không Việt Nam cho biết, Malaysia vừa có thư trả lời về đề nghị của Việt Nam, về việc cung cấp thông tin liên quan đến việc máy bay Malaysia đã 2 lần thông báo kỹ thuật chuyến bay về cơ quan không lưu Malaysia trước khi mất tích. Tuy nhiên, thông tin trong thư đưa ra khá chung chung. Trong thư, phía Malaysia cảm ơn những nỗ lực của Việt Nam trong việc tìm kiếm, đồng thời xin lỗi đã trả lời thư muộn.

Cơ quan hàng không của Malaysia giải thích, do nước này đang trong quá trình điều tra, khi nào công khai mới cung cấp thông tin trên, tránh gây nhiễu loạn cho báo chí và thân nhân hành khách trên chuyến bay. Phía Malaysia chỉ công bố khi có thông tin chính thức. Cũng trong thời gian này, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, vị trí vệ tinh Trung Quốc tìm thấy vật thể nghi của máy bay là kinh tuyến 106, trong phạm vi không lưu Singapore, máy bay của Singapore đang tìm kiếm khu vực này.

Trong một diễn biến tìm kiếm, lúc 11h15, trực thăng Mi 171 số 04 đã đáp xuống sân bay Cà Mau sau khoảng 3 giờ bay tìm ở khu vực rừng U Minh hạ và U Minh thượng. Theo Thượng tá Ngô Vi Sơn, Cơ trưởng trực thăng 04, qua tìm kiếm ở độ cao từ 100 đến 200m vẫn không thấy có dấu hiệu gì của máy bay mất tích.

Nhìn nhận về việc tìm kiếm trong những ngày qua, Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam đánh giá, trong vài ngày qua, thời tiết tại khu vực tiến hành tìm kiếm máy bay mất tích Malaysia rất tốt và có thể nói là tầm quan sát xa nhất trên biển". Với lực lượng máy bay, tàu chúng ta huy động thì có thể nói là từ phía Bắc vùng chồng lấn với Malaysia và Việt Nam, cùng với khu vực chúng ta mở rộng về phía bên phải hướng bay đã không phát hiện bất kỳ dấu hết nào của máy bay Malaysia. Thêm vào đó, trên khu vực vịnh Thái Lan và Nam Cà Mau thì tàu cá chúng ta hoạt động rất nhiều cũng chưa phát hiện bất kỳ dấu vết gì. Như vậy có thể nói, ít có khả năng máy bay Malaysia gặp nạn trên vùng biển của chúng ta đảm nhiệm", Trung tướng Khuê nhận định.

Trung tướng Khuê cũng đề xuất, nên xây dựng lại kế hoạch tìm kiếm cho phù hợp. Với tàu thì nên giữ nguyên vị trí các tàu để đảm bảo tìm kiếm và phối hợp, quản lý tàu nước ngoài tham gia tìm kiếm. Về máy bay, thì nên xây dựng lại kế hoạch bay với tần suất bay phù hợp. Riêng với tàu HQ888 nên rút về vị trí ban đầu để thực hiện nhiệm vụ đang tiến hành.

Sau gần 1 tuần tìm kiếm không có kết quả, trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cho hay, đây là một vụ việc nghiêm trọng và rất bí ẩn. Đánh giá về chuyên ngành, ngay cả nhà chế tạo máy bay là Boeing cũng không lý giải được tại sao. Máy bay Boeing 777 là loại máy bay rất lớn, công nghệ kỹ thuật hiện đại và việc giám sát ngoài hàng không ra còn có vệ tinh nhưng tất cả đều không có dấu tích nào về chiếc máy bay mất tích. Nếu máy bay rơi xuống biển thì ít nhất phải có mảnh vỡ. “Tôi đã trực tiếp ngồi trên máy bay tham gia tìm kiếm, ngoài phương tiện kỹ thuật thì có những vị trí biển cạn chúng tôi có thể nhìn xuống tận đáy nhưng đến nay không thấy xuất hiện những dấu vết bình thường của một vụ tai nạn máy bay trên biển. Còn nhìn nhận ở góc độ hàng không, nếu máy bay bị nổ trên không thì sẽ là một quả cầu lửa (vì máy bay rất lớn) và trong khu vực này kể cả ban đêm cũng có rất nhiều tàu thuyền của người dân đánh cá trong khu vực nên có thể dễ dàng quan sát và thu thập được các dấu vết của máy bay”, vị này nhấn mạnh.

“Việc máy bay cùng lúc mất liên lạc và mất tín hiệu trên ra đa mà không có bất cứ thông tin cảnh báo là rất khó hiểu. Trường hợp này chỉ có thể xảy ra khi phi công lỡ tay tắt chế độ stand by hoặc cố tình tắt thì mới không liên lạc được và rada mặt đất cũng không xác định được. Ngoài ra, chỉ có thể là có tác động từ bên ngoài”, một chuyên gia hàng không khác chia sẻ.

Một cuộc tìm kiếm tầm quốc tế vẫn đang diễn ra. Với tinh thần còn hy vọng, chúng ta còn tìm kiếm, ông Đinh Việt Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã chia sẻ với phóng viên Báo CAND chiều 13/3. Vị này cũng cho biết thêm, không thể tìm kiếm mãi với tình hình biệt tăm tích như hiện nay. Trong thời gian tới, nếu không có thêm dấu hiệu gì, chúng ta sẽ phải tính toán phương án, cách thức tìm kiếm, có thể giảm phương tiện tham gia, không thể ồ ạt như trước

Thanh Huyền - Thanh Bình
.
.
.