Ngày đầu tiên cấm xe 3-4 bánh tự chế: Mỗi nơi một kiểu

Thứ Tư, 02/01/2008, 10:50
Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã ký công điện khẩn số 91 cho phép xe 3 và 4 bánh tự chế tồn tại thêm 6 tháng nữa, nhưng có thể do các địa phương chưa nhận được công điện này, nên trong ngày ra quân đầu tiên, mỗi nơi làm một kiểu.

>> Từ 1/1/2008: Kiên quyết xử lý xe 3, 4 bánh tự chế tham gia giao thông

Tại Cần Thơ - địa phương được xem là có số xe 3, 4 bánh tự chế nhiều nhất nhì của ĐBSCL có lúc lên đến khoảng 6.000 chiếc, HĐND TP vừa ban hành Nghị quyết thực hiện một số chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với người chạy xe lôi, ba gác.

Theo đó, trước mắt hỗ trợ 500 xã viên hành nghề xe lôi mỗi người 1,5 triệu đồng từ nguồn kinh phí bảo đảm xã hội. Ghi nhận của PV Báo CAND, trong ngày đầu Nghị quyết 32 có hiệu lực, vẫn có khá nhiều xe tự chế lưu hành trên đường, kể cả trên đoạn QL1A ngang qua địa bàn. 

Tại An Giang, Ban ATGT tỉnh cho biết từ đầu năm 2007, tỉnh này đã cấm xe lôi, xe ba gác - liên quan đến gần 3.700 phương tiện. Các chủ phương tiện đổi nghề được hỗ trợ 1,5 triệu đồng học lái xe tải nhẹ, các ngành nghề khác được bao toàn bộ chi phí; được vay 5 - 7 triệu đồng/người.

Đồng Tháp có khoảng 4.000 phương tiện xe lôi máy, ba gác. Thực hiện Nghị quyết 32, tỉnh đã ban hành chủ trương hỗ trợ cho vay vốn sắm xe tải thay thế mới nhưng hiện số xe tải dạng này chưa nhiều.

Ngay trong ngày 1/1, trên các tuyến đường trung tâm TP Cao Lãnh và thị xã Sa Đéc… xe tự chế không dám ra đường.

Tại Bạc Liêu, có gần 1.300 người hành nghề xe lôi, ba gác đang được xem xét hỗ trợ 3,6 triệu đồng/trường hợp (hỗ trợ an sinh 6 tháng, 300.000 đồng/tháng, hỗ trợ tiền học nghề 1,8 triệu đồng).

Ở Vĩnh Long, UBND tỉnh có vẻ linh hoạt hơn khi quyết định chấm dứt hoạt động xe lôi máy, ba gác máy chở khách vào ngày 31/12/2007. Riêng xe ba gác gắn máy chỉ được chở hàng hóa trong phạm vi đường nội tỉnh và hoạt động từ 0h đến 4h sáng trên các tuyến QL80, 1A, 53, 54 và 57. Tỉnh hỗ trợ học nghề mới 2 triệu đồng/hộ; hỗ trợ thùng ba gác bán phế liệu 1,5 triệu  đồng/hộ; hỗ trợ gạo ba tháng, tương đương 360.000 đồng/hộ và hỗ trợ lãi suất ngân hàng khi vay vốn chuyển đổi nghề.

Tại Bến Tre, lực lượng chức năng tỉnh này sẽ nhắc nhở không cho xe ba gác máy tự chế hoạt động ở các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường nội ô thị xã, thị trấn. Còn ở các vùng nông thôn xe tải nhỏ không vào được thì vẫn tạo điều kiện để người dân sử dụng xe này vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là nông sản.

Tại Tiền Giang, từ ngày 1/1 sẽ ứng xử với xe ba gác tự chế bằng nội dung Quyết định số 15/2005/QĐ-UB của UBND tỉnh Tiền Giang ngày 4/6/2005. Theo đó, tất cả xe ba gác máy, xe máy kéo lôi, máy cày kéo rơ-moóc... sẽ không được phép hoạt động trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường nội ô thị xã, thị trấn. Riêng xe thô sơ (xe ba gác không có máy, xe xích lô...) vẫn được phép hoạt động.

Từ 1/1/2008, theo Nghị quyết 32 của Chính phủ, các loại xe ba gác, công nông, xe lambrô, xe lôi 3 bánh, xe tự chế... (gọi chung là xe 3 và 4 bánh tự chế) phải chấm dứt hoạt động, trường hợp vi phạm sẽ bị tịch thu, bán phế liệu, sung công quỹ. Tuy nhiên, thời điểm này đã cận kề Tết Nguyên đán, việc "khai tử" các loại xe 3 - 4 bánh tự chế khiến hàng chục nghìn người dân nghèo trên cả nước lo âu, vì đó là phương tiện mưu sinh của họ.

Xuất phát từ thục tế đó, đêm 31/12/2007, Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã ký công điện khẩn số 91 cho phép xe môtô 3 và 4 bánh tự chế, xe máy 3 và 4 bánh tự chế tồn tại thêm 6 tháng nữa. (TTXVN)

Thái Bình
.
.
.