Ngày đầu ra quân cưỡng chế giải tỏa vi phạm TTGT trên tuyến QL6 (Hà Nội)

Thứ Sáu, 24/07/2009, 10:49
Bắt đầu từ 23 đến 28/7, các lực lượng chức năng của Hà Nội gồm CATP, Thanh tra GTVT, UBND các quận, huyện đồng loạt ra quân, lập lại trật tự an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ được xem là nhức nhối về trật tự đô thị này.

Là tuyến quốc lộ huyết mạch của cửa ngõ Thủ đô đi các tỉnh Tây Bắc, QL6 (dài 33,38km, từ Cầu Mới (Ngã Tư Sở) đến thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ) tồn tại hàng nghìn vi phạm lớn nhỏ về lấn chiếm lòng, hè đường để tập kết vật liệu xây dựng, kinh doanh buôn bán, đặt biển quảng cáo, thậm chí còn xây rào chắn bằng tôn ở mép đường… gây ùn tắc và tai nạn giao thông.

Bắt đầu từ 23 đến 28/7, các lực lượng chức năng của Hà Nội gồm CATP, Thanh tra GTVT, UBND các quận, huyện đồng loạt ra quân, lập lại trật tự an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ được xem là nhức nhối về trật tự đô thị này.

Đã vi phạm còn chống đối

Kể từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, đây là lần đầu tiên lực lượng liên ngành thành phố tổ chức cưỡng chế giải toả vi phạm trên toàn tuyến QL6, thế nên người dân sống ở đây đều đổ ra đường rất đông. Mặc dù trước đó 2 tháng, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã tuyên truyền, nhắc nhở người dân có công trình vi phạm tự tháo dỡ, trả lại cảnh quan cho bộ mặt đô thị, đặc biệt đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho tuyến đường huyết mạch.

Thế nhưng, sáng 23/7 hầu hết các vi phạm trên dọc tuyến đường vẫn còn giữ nguyên, chỉ khi lực lượng cưỡng chế đưa máy xúc, máy ủi đến, một số hộ dân ngoài mặt đường có công trình vi phạm mới xin tự tháo dỡ. Tuy nhiên, còn rất nhiều công trình vi phạm như mái vẩy, biển quảng cáo tấm lớn, nhỏ đã hàn cố định, lều lán, gỗ, tre nứa… vẫn chây ỳ, buộc lực lượng kiểm tra phải cho máy xúc vào cắt hoặc dùng kìm cộng lực, máy cắt sắt mới dỡ bỏ được.

Chây ỳ nhất phải kể đến một dãy nhà tạm lấn chiếm ra tận quốc lộ ở Ba La, quận Hà Đông, làm cho cửa ngõ vào Thủ đô bị teo thắt, thường xuyên gây ách tắc giao thông. Tuy được vận động dỡ bỏ cả tháng nay, nhưng những hộ dân có nhà tạm này không thực hiện. Đoạn đường này có nhiều công ty kinh doanh, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, đặc biệt còn quây rào bằng những tấm tôn ra sát quốc lộ để giữ đất, buộc phải dùng máy xúc để san gạt vi phạm.

Cưỡng chế, giải tỏa bãi tập kết gỗ ở Chúc Sơn (Chương Mỹ).

Đặc biệt, tại khu vực Do Lộ, xã Yên Nghĩa, Hà Đông lều lán, tre nứa, vật liệu xây dựng tập kết đầy 2 bên đường. Xa hơn là hàng trăm lều lán lấn chiếm vào cơ đê sông Đáy, đã yêu cầu dỡ bỏ nhưng đến hôm nay vẫn tồn tại.

Trời nắng như đổ lửa, bất chấp cái nóng hừng hực bốc lên từ đường nhựa, các lực lượng thi hành nhiệm vụ vẫn trèo lên mái tôn bắc kiên cố của nhiều hộ dân mặt quốc lộ ở thị trấn Xuân Mai để cắt mối hàn. Có những hàng rào cây cối ở đây người dân trồng để giữ đất nhưng lại ra sát quốc lộ cũng được phát quang và nhổ hết, để đảm bảo tầm nhìn.

Nghiêm trọng nhất phải kể đến việc chống người thi hành công vụ của Đào Quang Sỹ, nhân viên một công ty thép đóng trên địa bàn Ba La (Hà Đông).

Khi tổ công tác đang làm nhiệm vụ tuyên truyền, nhắc nhở công ty thu dọn vi phạm thì bất ngờ nhân viên này xông vào đánh đồng chí Nguyễn Ngọc Vinh, Đội phó Đội TTGT Ba Đình. Công an quận Hà Đông đang tạm giữ nhân viên này về hành vi chống người thi hành công vụ.

Kiên quyết và mạnh tay

Sau cuộc ra quân giải toả tuyến QL 21a và 21b, thì đây là lần thứ 2 kể từ khi hợp nhất, lực lượng chức năng của Hà Nội tổ chức ra quân cưỡng chế giải toả vi phạm, lập lại TTATGT trên QL6, huy động hơn 400 cán bộ, chiến sỹ.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chánh thanh tra GTVT Hà Nội cho biết: "Đây là tuyến quốc lộ có nhiều vi phạm tồn tại từ nhiều năm qua chưa được xử lý kiên quyết. Lần ra quân này, lực lượng chức năng sẽ xử lý giải toả hết, không để lại một vi phạm nào cả". Theo Thanh tra GTVT, toàn tuyến QL6 có 4.600 trường hợp vi phạm, điển hình là kinh doanh buôn bán, tập kết hàng hoá, họp chợ trái phép…

Trước đây 2 tháng, lực lượng Thanh tra phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông đường bộ, tự giác tháo dỡ, chuyển dọn các công trình, chướng ngại vật xây dựng, tập kết trên hành lang ATGT đường bộ qua hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, tâm lý của nhiều người dân thường đợi "nước đến chân mới nhảy", nên đã gây rất nhiều khó khăn và vất vả cho các lực lượng thi hành nhiệm vụ.

Điều khiến dư luận quan tâm là sau sự ra quân rầm rộ và quyết liệt này, liệu trật tự đô thị sẽ được giữ vững trong bao lâu. Phương án chống tái phạm tại quốc lộ này được triển khai thế nào khi ý thức của nhiều người dân vẫn chưa nâng cao và khi vi phạm này đã kéo dài trong nhiều năm.

Theo ông Mạnh thì sau khi giải toả sẽ bàn giao cho chính quyền địa phương và các đội TTGT địa bàn quản lý, duy trì công tác kiểm tra, kiểm soát. Trường hợp nào cố tình tái phạm sẽ lập biên bản xử phạt nghiêm khắc

Trần Hằng
.
.
.