Ngành than và trách nhiệm với môi trường ở vùng mỏ

Thứ Bảy, 06/06/2009, 21:15
Vào đúng ngày Môi trường thế giới, 5/6/2009, Công ty Than Nam Mẫu-TKV (trên địa bàn thị xã Uông Bí) đã được chọn làm nơi diễn ra lễ mít tinh, kêu gọi toàn dân hãy hành động khẩn cấp để cứu lấy môi trường. Sau đó là một chuỗi hành động của TKV nhằm thể hiện trách nhiệm của mình đối với những vấn đề ảnh hưởng xấu đến môi trường do chính việc khai thác than gây ra.

Giấu trong lòng đất 3,2 tỷ tấn than, đi lên từ hòn than, Quảng Ninh đã thành đất mỏ phát triển nhanh về công nghiệp, kinh tế xã hội. Trải qua hàng trăm năm khai thác, sản lượng đã nâng lên ở mức "cường quốc" khai khoáng với trên 40 triệu tấn/năm. Có thể coi đó là thành tựu, nhưng mặt trái của nó là những thảm họa về môi trường.

Chưa có những con số so sánh cụ thể về giá trị, chỉ ước đoán rằng, khai thác than đóng góp cho cơ cấu KTXH 1 thì phải mất ít nhất là gấp 4 lần giá trị đó để tạm giải quyết những hậu quả về môi trường. Đó là cách so sánh, ví von của ông Nguyễn Duy Hưng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh.

Vào đúng ngày Môi trường thế giới, 5/6/2009, Công ty Than Nam Mẫu-TKV (trên địa bàn thị xã Uông Bí) đã được chọn làm nơi diễn ra lễ mít tinh, kêu gọi toàn dân hãy hành động khẩn cấp để cứu lấy môi trường. Sau đó là một chuỗi hành động của TKV nhằm thể hiện trách nhiệm của mình đối với những vấn đề ảnh hưởng xấu đến môi trường do chính việc khai thác than gây ra. Trong đó có việc chuẩn bị hoàn nguyên các khu mỏ đã hoàn thành sứ mạng khai thác "vàng đen".

Trước đó, TKV cũng đã chủ động đề xuất cấm vận chuyển than trên các tuyến quốc lộ, không cho tàu chở than đi qua vịnh Hạ Long. Để làm được việc này, nhiều tỷ đồng đã được đầu tư để mở những con đường chuyên dụng góp phần làm giảm nồng độ bụi, ô nhiễm các khu vực dân cư, đô thị. Về lâu dài, TKV đã xây dựng những tiêu chí mới trong khai thác than, khuyến khích, giao chỉ tiêu tăng tỷ lệ sản lượng hầm lò, giảm lộ thiên...

Tuy nhiên, theo lãnh đạo chính quyền địa phương, lời hứa với môi trường của TKV không phải bây giờ mới có. Vấn đề chính là với trình độ, công nghệ khai thác nặng về thủ công như hiện nay, rất khó có thể giảm thiểu được ô nhiễm môi trường một cách trông thấy. Sẽ hợp lý và dễ tin hơn nếu như TKV đặt vấn đề giảm sản lượng khai thác than đồng nghĩa với giảm tác động đến môi trường.

Mặt khác, việc cắt giảm sản lượng, giảm xuất khẩu than còn hướng đến mục tiêu mang tính chiến lược quốc gia về an ninh năng lượng, vì theo dự báo, chỉ ít năm nữa, khi một loạt nhà máy nhiệt điện đi vào hoạt động thì Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than.

Nếu được đề xuất, được giao thẩm quyền, tỉnh sẽ tổng điều tra, rà soát hiện trạng các mỏ, đặc biệt là nước thải, đất đá thải, đến một chừng mực giới hạn, yêu cầu đơn vị phải xử lý triệt để ô nhiễm, hoàn nguyên mới được tiếp tục khai thác. Tiếc thay, những vấn đề then chốt và nhân quả nêu trên cho tới nay vẫn chỉ là chuyện để nói cho có tầm vĩ mô mà thôi...

Lê Minh Triết
.
.
.