Ngân hàng vẫn... bị động với tín dụng HS, SV

Thứ Hai, 07/09/2009, 14:34
Quá trình triển khai Chương trình tín dụng HS, SV, vẫn còn không ít những vướng mắc, đặc biệt là sự bị động của Ngân hàng đối với nguồn vốn cho vay.

Hải Phòng vừa tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định số 157 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HS, SV). Đến nay, một lượng vốn lớn đã được giải ngân cho HS, SV vay. Nhờ đó, hàng nghìn HS, SV hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, đã có cơ hội học tập, nâng cao tay nghề để ra trường lập thân, lập nghiệp.

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Hải Phòng, sau 2 năm thực hiện Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ cho HS, SV nghèo vay, với nguồn vốn (cả Nhà nước cấp lẫn huy động) đạt gần 420 tỷ đồng, chi nhánh đã thực hiện giải ngân cho vay gần 297 tỷ, với 35.477 hộ HS, SV được vay.

Tính đến đầu tháng 8/2009, đã có 590 hộ HS, SV trả nợ hơn 5 tỷ đồng. Hiện dư nợ còn hơn 295 tỷ. Kết quả này không chỉ chứng tỏ sự nỗ lực lớn của các cấp, ngành, đơn vị liên quan ở địa phương, đặc biệt là Chi nhánh NHCSXH Hải Phòng, mà còn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với việc đào tạo nguồn nhân lực cho Thành phố và đất nước.

Thực tế, tín dụng ưu đãi đối với HS, SV đã trở thành một chương trình lớn và đi vào cuộc sống sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg. Theo đó, đối tượng vay vốn được mở rộng hơn, bao gồm: HS, SV có hoàn cảnh khó khăn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai hoả hoạn, dịch bệnh… đều được vay vốn để theo học tại các trường ĐH, CĐ, THCN và tại các cơ sở đào tạo nghề, không phân biệt loại hình đào tạo công lập hay dân lập và thời gian đào tạo trên 1 năm hay dưới 1 năm.

Với mức cho vay được tăng từ 300.000 đồng/tháng lên 800.000 đồng/tháng, với lãi suất cho vay giờ chỉ còn 0,5% (thấp hơn cả mức lãi suất cho vay hộ nghèo). Trong thời gian đang theo học tại các trường, cộng với 1 năm sau khi ra trường, HS, SV chưa phải trả nợ, trả lãi tiền vay…

Chương trình cho vay vốn tín dụng này, đã giúp cho hàng nghìn HS, SV có hoàn cảnh khó khăn ở Hải Phòng, yên tâm học tập. Chưa kể, không ít HS, SV ở địa phương, 2 năm qua, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, có nguy cơ phải bỏ học, nhờ được vay vốn, đã tiếp tục được con đường học tập của mình.

Sinh viên ĐH Hàng Hải vay vốn tín dụng phục vụ học tập.

Như vậy, hiệu quả của Chương trình vay vốn tín dụng HS, SV triển khai vừa qua là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, qua phản ánh của HS, SV và hộ vay ở các địa phương, thấy nổi lên một số khó khăn, vướng mắc. Đó là tình trạng lúng túng trong việc xác định tiêu chí, cách tính toán, lập danh sách thống kê hộ gia đình nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh  khó khăn ở một số địa phương. Từ đó, việc xác nhận của địa phương đã không kịp thời.

Tương tự, một số trường học cũng vậy. Cá biệt, có đơn vị trường còn né tránh, đùn đẩy, không dám chịu trách nhiệm nên không xác nhận để HS, SV được vay. Ngay cả thủ tục, hồ sơ vay, mặc dù đã có quy định, hướng dẫn cụ thể, nhưng một số trường, quá trình xác nhận vẫn bỏ sót những nội dung ghi trên các biểu mẫu, dẫn đến làm chậm tiến độ giải ngân.

Chưa kể, một số trường dạy nghề còn chưa làm tốt công tác tuyên truyền chính sách tín dụng đối với HS, SV nên việc vay vốn Chương trình ở khu vực trường nghề đạt số lượng thấp… Những vướng mắc trên, không đơn thuần chỉ là tồn tại, mà quan trọng từ những vướng mắc này, đã khiến ngân hàng không thể chủ động được trong việc cho vay .

Được biết, do những đặc thù trong việc thực hiện Quyết định 157, nên trong 5 năm đầu triển khai sẽ không có thu hồi vốn quay vòng. Mỗi năm, ngân sách Nhà nước bố trí từ 6.500 - 7.000 tỷ đồng cho Chương trình tín dụng HS, SV trên phạm vi cả nước. Khoản tiền này được chuyển qua NHCSXH để giải ngân. Như vậy, về cơ bản, "đầu vào" (nguồn vốn) luôn được đảm bảo để giải ngân kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng chương trình. Hiện, Chi nhánh NHCSXH Hải Phòng vẫn còn 123 tỷ, chờ cho vay trong dịp đầu năm học mới này.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Chi nhánh NHCSXH Hải Phòng, khoản tiền này có được giải ngân kịp thời và hết hay không, còn phụ thuộc vào việc xác nhận, thống kê, báo cáo và hoàn tất các thủ tục nhanh hay chậm từ phía các địa phương, đơn vị trường học. Và đương nhiên, dù không muốn, cũng sẽ khiến ngân hàng bị động, còn HS, SV thì thắc thỏm, chờ mong.

Với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, không để một HS, SV nào phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí, hơn nữa nguồn vốn cho vay lại đang dồi dào. Tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định số 157 của Chính phủ về tín dụng đối với HS, SV, tổ chức qua cầu truyền hình, Phó Thủ tướng Chính phủ kiệm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong học kỳ 1 của năm học 2009 - 2010, số vốn cho HS, SV vay sẽ tương ứng với 1 tỷ USD và tiếp tục còn tăng hơn nữa trong thời gian tới.

Do vậy, Hải Phòng cần phối hợp đồng bộ rà soát, nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, đề cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong việc xác nhận hồ sơ, giúp giải ngân cho vay đúng đối tượng, kịp thời, phục vụ hiệu quả việc học tập của HS, SV năm học 2009 - 2010 này

Lệ Thu
.
.
.