Ngăn chặn tình trạng xuất cảnh, di cư trái phép để lao động “chui”

Thứ Bảy, 29/08/2020, 09:13
Thời gian qua, tình trạng người lao động ở Việt Nam nói chung, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng xuất cảnh, di cư trái phép sang nước ngoài để lao động vẫn xảy ra. Bất kể viện lý do gì, vì hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm… để tìm đường xuất cảnh và di cư trái phép ra nước ngoài đều là vi phạm pháp luật, gây mất ANTT địa phương.


Bên cạnh đó, bản thân những người xuất cảnh và di cư trái phép ra nước ngoài phải đối mặt với những hiểm họa khó lường khi làm việc nơi xứ người.

Hàng ngày phải đối mặt với sự nguy hiểm, chèn ép hoặc nơm nớp lo sợ bị cơ quan chức năng nước sở tại bắt và trục xuất bất cứ lúc nào, đó là tình trạng mà các lao động “chui” khi sang nước ngoài làm việc. Thế nhưng, bất chấp những cảnh báo và tuyên truyền của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhiều lao động vẫn lén lút xuất cảnh, di cư trái phép để “mơ” một giấc mơ đổi đời đầy may rủi.

Tại Đắk Nông, trong 6 tháng đầu năm 2020, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh đã phát hiện 47 trường hợp liên quan đến hoạt động xuất cảnh, di cư trái phép. Trong đó, có 16 trường hợp xuất cảnh sang Nga (9 trường hợp đang lao động trái phép tại châu Âu và 7 trường hợp đã bị trục xuất về nước) theo diện đi du lịch, thăm thân, xem bóng đá..., sau đó trốn ở lại Nga để làm việc bất hợp pháp và di cư trái phép sang các nước châu Âu; 9 trường hợp xuất cảnh trái phép, làm việc bất hợp pháp tại Trung Quốc bị phát hiện, bắt giữ và trục xuất về nước, 16 trường hợp không được phía Trung Quốc cho cư trú; 6 trường hợp xuất cảnh trái phép theo diện du lịch rồi trốn ở lại lao động trái phép tại Thái Lan, Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc).

Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Đắk Nông làm việc với anh Trần Văn M.

Ngày 16/6, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính đối với anh Trần Văn M (trú tại huyện Đắk Song), về hành vi khai không đúng sự thật để được cấp hộ chiếu.

Trước đó, ngày 28/5, anh M cũng đã bị Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH , Công an tỉnh Đắk Nông xử phạt vi phạm hành chính về 2 hành vi (khai man, giả mạo hồ sơ, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp CMND và hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp mới, cấp lại, đổi CMND).

Theo trình bày của anh M, ngày 2/3/2012, anh M được cấp hộ chiếu phổ thông, sau đó sử dụng hộ chiếu này thông qua các đối tượng chuyên đưa người đi lao động trái phép tổ chức cho xuất cảnh sang Nga lao động bất hợp pháp theo diện du lịch với chi phí 42 triệu đồng. Khi đến Nga, anh M trốn ở lại làm việc bất hợp pháp và đến năm 2014 bị Cảnh sát Nga bắt, trục xuất về nước và cấm nhập cảnh vào Nga.

Tháng 1/2019, M giả mạo nhân thân anh trai của mình để đề nghị cấp CMND và hộ chiếu dưới nhân thân của anh trai để tiếp tục xuất cảnh sang Nga lao động bất hợp pháp. Khi sang Nga được 3 tháng thì bị Cảnh sát Nga bắt và trục xuất về nước. 

Việc công dân xuất cảnh, di cư trái phép và lao động bất hợp pháp tại nước ngoài thường thông qua các đối tượng, đường dây chuyên đưa người đi lao động trái phép ở nước ngoài tổ chức đưa đi (không theo diện có thỏa thuận hợp tác lao động giữa Chính phủ Việt Nam với các quốc gia sở tại) diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như: Đưa người xuất cảnh trái phép qua biên giới; tổ chức cho người lao động đi nước ngoài theo diện du lịch, thăm thân... Khi đến nước ngoài, người được xuất cảnh trái phép thì tìm cách ở lại hoặc bỏ trốn làm việc chui.

Người lao động di cư trái phép được tổ chức đi bằng đường bộ qua nhiều quốc gia khác nhau để làm việc tại các nước châu Âu... Chi phí mà người lao động phải cho các đường dây này dao động từ vài chục triệu đến vài trăm triệu (tùy vào công việc và quốc gia mà người lao động đến làm việc).

Tuy nhiên, người lao động phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, trong đó dễ trở thành nạn nhân của các đối tượng buôn bán người, bị cơ quan chức năng của nước sở tại bắt, giam giữ vì vi phạm pháp luật nước sở tại; bị mất một số tiền rất lớn đã nộp cho các đường dây đưa đi nhưng sau đó có thể bị trục xuất và cấm nhập cảnh trở lại nước ngoài. Thậm chí, người lao động có thể bị các băng nhóm tội phạm của nước ngoài xâm hại đến sức khỏe, tính mạng mà không được chính quyền nước sở tại bảo vệ do lao động trái phép hoặc thiệt mạng trên đường di cư trái phép....

Theo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Đắk Nông, để phòng, chống tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép trên địa bàn, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền truyền trong nhân dân về các quy định của pháp luật trên lĩnh vực xuất, nhập cảnh; rà soát, nắm tình hình công dân địa phương xuất cảnh trái pháp luật; kịp thời phát hiện, đấu tranh làm rõ các đối tượng vi phạm quy định về xuất, nhập cảnh.

Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi đến làm các thủ tục xuất cảnh, thời gian cấp hộ chiếu cho người chuẩn bị đi nước ngoài được rút ngắn, nhưng vẫn đảm bảo đúng theo quy định hiện hành. Theo đó, thời gian giải quyết đối với hồ sơ của công dân không quá 8 ngày, các trường hợp gấp được giải quyết sớm nhất trong thời gian quy định.

Để công tác tuyên truyền, phòng chống xuất cảnh, di cư trái phép ra nước ngoài lao động “chui” đạt hiệu quả cao rất cần sự vào cuộc, chung tay của các cấp, các ngành, chính quyền cơ sở. Bởi một trong nguyên nhân dẫn đến tình trạng công dân xuất cảnh, di cư trái phép đi lao động ở nước ngoài là do kinh tế khó khăn.

Do đó, một trong những giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng này đó là các cơ quan chức năng cần nắmbắt tình hình, tư tưởng, nguyện vọng của nhân dân, đưa ra giải pháp tạo việc làm, giới thiệu việc làm, mở các lớp dạy nghề, các dự án xuất khẩu lao động nhằm tạo việc làm, thu nhập cho số lao động không có việc làm tại địa phương, góp phần bảo đảm an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại địa phương.

Minh Quỳnh
.
.
.