Ngậm ngùi nghề thủy thủ viễn dương

Thứ Bảy, 01/09/2012, 01:05
Điều kiện làm việc rủi ro, mức lương nhận được chưa tương xứng, cơ chế chính sách cho thuyền viên lại gần như bị bỏ trống - điều này lý giải tại sao ngày càng có nhiều người muốn bỏ nghề thủy thủ viễn dương từng vô cùng hấp dẫn một thời.

Có lẽ trong tất cả các nghề thì thuyền viên là nghề đòi hỏi thời gian đào tạo dài nhất. Theo thống kê và phân tích dựa trên Hệ thống đào tạo thuyền viên và Hệ thống thi cấp bằng sỹ quan Hàng hải của Việt Nam thì thời gian trung bình tính từ khi bắt đầu vào trường hàng hải để đào tạo thành thuỷ thủ trực ca là 3 năm, sỹ quan mức vận hành là 7 năm, sỹ quan mức quản lý (đại phó, máy hai) là 10 năm và để trở thành thuyền trưởng, máy trưởng phải mất 12 - 14 năm.

Đây cũng là loại hình lao động đặc thù và khá phức tạp do môi trường lao động chịu ảnh hưởng sóng, gió, bão tố và rủi ro hàng hải, đòi hỏi phải có sức khỏe tốt, ý thức kỷ luật lao động cao, có trình độ kỹ thuật và nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ.

Ông Đỗ Ngọc Hoài – Giám đốc Trung tâm thuyền viên Vosco nhấn mạnh: Thuyền viên làm việc trên biển nên chịu nhiều rủi ro, làm việc trong thời tiết khắc nghiệt của biển cả và không có ngày nghỉ trong suốt kỳ công tác từ 8 tháng đến 1 năm, thiếu về phương tiện giải trí cũng như thông tin về tình hình xã hội. Hơn thế nữa, sự gia tăng ngày càng nhiều các bộ luật áp dụng cho ngành hàng hải dẫn đến việc liên tục bị chính quyền cảng kiểm tra tại các cảng mà tàu đến, gây áp lực và căng thẳng cho thuyền viên rất nhiều.

Nghề thủy thủ tàu viễn dương nay không còn hấp dẫn. Ảnh: Duy Hiển.

Xin nhấn mạnh rằng, đặc trưng nổi bật nhất của thuyền viên làm việc trên tàu là cùng một lúc họ phải chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống luật pháp: pháp luật của nước tàu treo cờ, của nước có cảng tàu ghé qua và của nước mà thuyền viên mang quốc tịch. Thêm vào đó là một loạt những qui định của các Công ước Hàng hải quốc tế, của các công ty chủ tàu, thuê tàu và các đại lý thuyền viên. Vì vậy, thuyền viên phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ về mặt pháp lý như nguy cơ bị lạm dụng, bị phạt, thậm chí bị bắt và giam giữ. Ngoài ra, thuyền viên cũng phải chịu nguy cơ bị bóc lột sức lao động, phân biệt đối xử, lạm dụng, ngược đãi, những điều kiện làm việc bất công và nguy cơ bệnh tật, tai nạn nghề nghiệp.

Tất cả những nguy cơ kể trên kết hợp lại đặt ra một đòi hỏi vô cùng bức thiết là phải có một hệ thống pháp lý đầy đủ và chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của thuyền viên. Ấy nhưng như trên đã nói, cơ chế để bảo vệ thuyền viên ở nước ta gần như bỏ trống, nếu có thì cũng rất nhiều bất cập. Bộ luật Hàng hải Việt Nam quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của các bên liên quan: về trách nhiệm của chủ tàu đối với thuyền bộ (Điều 58); chế độ lao động và quyền lợi của thuyền viên (Điều 48) và hợp đồng thuê thuyền viên (Điều 57).

Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến mức lương tối thiểu, điều kiện sinh hoạt, bảo hiểm y tế… được quy định tại Bộ luật Lao động, Luật Y tế, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định thuyền viên giống như các đối tượng lao động khác là chưa hợp lý vì thuyền viên là đối tượng lao động có tính đặc thù cao, thường xuyên phải làm việc trên biển, có mức nặng nhọc và rủi ro cao (cướp biển, sóng gió, độ ồn…) và tại cảng biển nước ngoài có tính quốc tế hóa nên cần được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với pháp luật quốc tế. Cho đến nay nước ta chưa có văn bản pháp luật nào làm hành lang pháp lý hướng dẫn thi hành cho việc đưa thuyền viên Việt Nam đi làm việc trên tàu biển nước ngoài treo "Cờ thuận tiện".

Thuyền trưởng Trần Trung Dũng (Vitranschart) cho biết: Việt Nam chưa có quy định cụ thể về khu vực sinh hoạt và phương tiện giải trí cho thuyền viên, chưa quy định cụ thể về lương thực thực phẩm và cung cấp thực phẩm cho thuyền viên; chưa có các tiêu chuẩn quốc gia riêng về các yếu tố môi trường trên tàu, chưa có ý định riêng về quyền và phúc lợi trên bờ của thuyền viên… Và đây chính là lý do ngày càng có nhiều thuyền viên không muốn gắn bó lâu dài với nghề

Đặng Nhật
.
.
.